Nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Lan Hương - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một trong những vi khuẩn phổ biến nhất gây bệnh ở người. Trong số đó, tỷ lệ nhiễm trùng da do tụ cầu vàng ở trẻ em chiếm đến 70% và gặp ở khoảng 1/5 bệnh nhi đến khám tại bệnh viện. Vậy nhiễm khuẩn da tụ cầu là gì và điều trị như thế nào?

1. Vi khuẩn tụ cầu vàng là gì?

Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) bao gồm 3 loại hay gặp là tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus), tụ cầu da (Staphylococcus Epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (Staphylococcus Saprophyticus).

Tụ cầu vàng có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Vi khuẩn sau khi xâm nhập hoặc tấn công qua hàng rào da bên ngoài, gây ra nhiễm khuẩn da tụ cầu chứa tổn thương như gây loét, phỏng da. Ngoài ra, tụ cầu vàng còn là tác nhân gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm xương tủy xương, các mô khác và thậm chí gây viêm màng não mủ.

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm là loại vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh hiện nay. Vi khuẩn tụ cầu vàng tồn tại khắp nơi trong tự nhiên, kể cả trên da và niêm mạc của động vật máu nóng hoặc đường hô hấp của khoảng 25 đến 30% dân số. Để dễ hình dung, cứ khoảng 10 người khỏe mạnh có 3 người mang vi khuẩn tụ cầu vàng trên người và đa số biểu hiện bệnh lý.

2. Nhiễm khuẩn da trẻ em do tụ cầu là gì?

Nhiễm khuẩn da tụ cầu là bệnh phổ biến, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ tại các vị trí trên cơ thể như da mặt, da tay hoặc chân. Biểu hiện bệnh rất đa dạng với các dấu hiệu sau:

  • Nhọt da hoặc ổ áp xe: Loại nhiễm trùng da ở trẻ em này thường khởi phát trong các nang lông hoặc tuyến bã. Biểu hiệu của bệnh nhi thường là vùng da nhiễm khuẩn trở nên sưng tấy và đỏ. Vị trí da hay gặp là vùng gần mép mí mắt bởi vì trẻ em hay dùng tay dụi vào mắt và tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lây lan;
  • Chốc lở: Biểu hiện thường là những mụn nước lớn, có thể tiết ra chất lỏng và phát triển lớp vảy màu mật ong;
  • Viêm mô tế bào: nhiễm trùng này xuất hiện ở các lớp mô bên dưới bề mặt với triệu chứng đỏ da và sưng tấy, hay gặp nhất là ở vùng da chân. Nếu tình trạng nhiễm trùng không được kiểm soát và lan rộng, trẻ có thể xuất hiện tình trạng sốt cao và sụt cân;
  • Hội chứng bỏng da do tụ cầu: Bệnh lý này hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng bao gồm sốt, phát ban và nổi các mụn nước. Khi các mụn nước vỡ, lớp da trên cùng bong ra khiến bề mặt da trở nên đỏ và thô trông như một vết bỏng. Bệnh lý này tác động đến toàn thân của trẻ tương tự tình trạng bỏng nặng và cần được điều trị trong bệnh viện;

Nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu có thể gây các triệu chứng trên da như phồng rộp, áp xe, đỏ, chốc lở, nhọt và sưng tại chỗ. Các triệu chứng toàn thân thường hiếm gặp nhưng nếu vi khuẩn lây lan rộng, tấn công cơ thể thì có thể làm trẻ sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém.

Hình ảnh nhiễm khuẩn da tụ cầu ở trẻ em
Hình ảnh nhiễm khuẩn da tụ cầu ở trẻ em

3. Điều trị nhiễm khuẩn da tụ cầu như thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn da tụ cầu tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của tổn thương và sức khỏe tổng thể của trẻ. Các biện pháp điều trị bao gồm sử dụng chất diệt khuẩn tại chỗ hoặc thuốc kháng sinh toàn thân tiêm tĩnh mạch kéo dài.

Điều trị nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu vàng mức độ nhẹ bằng các loại thuốc kháng sinh đường uống thường là: nhóm penicillin, đặc biệt là loại đề kháng men penicillinase như flucloxacillin.

Cefalexin và erythromycin là những lựa chọn thay thế cho penicilin với ưu điểm tiết kiệm chi phí điều trị và hiệu quả hơn do phổ tác dụng rộng. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh macrolid như erythromycin cần phải cẩn thận vì sự phát triển các chủng vi khuẩn đề kháng với nhiều loại kháng sinh.

Bên cạnh đó, sử dụng kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm khuẩn da tụ cầu có thể cân nhắc với các kháng sinh nhóm Cephalosporin khác như Cefadroxil và Cefprozil với ưu điểm hiệu quả, chỉ cần dùng một lần mỗi ngày và khả năng dung nạp tốt hơn; hoặc Azithromycin ưu thế khi chỉ uống trong thời gian ngắn (liệu pháp 3 ngày). Tuy nhiên, tất cả các thuốc trên đều có nhược điểm cần phải nghiên cứu kỹ đó chính là giá thành đắt.

Mặc dù hầu hết các loại kháng sinh đều được sử dụng qua đường uống trong 10 ngày trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên hiện vẫn không có bằng chứng nào cho thấy thời gian này hiệu quả hơn việc chỉ cần điều trị trong 7 ngày.

Đối với nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu vàng mức độ nặng hơn và cần điều trị bằng đường tĩnh mạch, kháng sinh Ceftriaxone có lợi thế lớn so với các thuốc khác như Ampicillin/Sulbactam và Cefuroxim vì nó có thể dùng 1 lần/ngày.

Do đó, Ceftriaxone có thể thích hợp cho điều trị ngoại trú cho các bệnh nhi nhiễm khuẩn da tụ cầu mức độ trung bình đến nặng. Các Cephalosporin thế hệ mới hơn và Loracarbef cũng có hiệu quả với phổ tác dụng rộng nhưng không mang lại lợi ích nổi bật hơn và giá thành còn đắt hơn đáng kể.

Nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) là bệnh lý nặng, tuy nhiên rất may là bệnh vẫn còn tương đối hiếm gặp ở đối tượng này. Những bệnh nhi khỏe mạnh nhiễm MRSA tại cộng đồng có thể điều trị bằng kháng sinh Clindamycin hoặc Trimethoprim-Sulfamethoxazole (Cotrimoxazol) nhưng phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.

Trong những trường hợp nhiễm khuẩn da tụ cầu kháng Methicillin nặng, Vancomycin vẫn là lựa chọn ưu tiên, trong khi Teicoplanin và Clindamycin là những lựa chọn thay thế thích hợp. Ngoài ra, Linezolid và Quinupristin/Dalfopristin hiện cho thấy triển vọng hứa hẹn trong điều trị nhiễm trùng da trẻ em do Gram dương đa kháng.

Bên cạnh lựa chọn loại kháng sinh thích hợp, một số biện pháp điều trị hỗ trợ khác cũng quan trọng không kém, bao gồm cắt lọc, loại bỏ các phần mô nhiễm khuẩn, dẫn lưu ổ nhiễm trùng bị tắc nghẽn và vệ sinh vết thương sạch sẽ.

4. Phòng ngừa nhiễm trùng da trẻ em do tụ cầu

Biện pháp hiệu quả ngăn ngừa sự lây lan của tụ cầu vàng là vệ sinh cá nhân tốt bằng cách tắm rửa cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch, nhất là với trẻ sơ sinh có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa mồ hôi, bã nhờn.

Đồng thời, người lớn hoặc cha mẹ cũng nên rửa tay sạch sẽ mỗi khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ và trẻ nên hạn chế tiếp xúc với các bề mặt vật dụng được nhiều người sử dụng như thanh tay vịn, vòi nước hoặc tay nắm cửa, đặc biệt là nơi cộng đồng.

Phòng ngừa nhiễm trùng da trẻ em do tụ cầu
Phòng ngừa nhiễm trùng da trẻ em do tụ cầu bằng cách rửa tay sạch sẽ

Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Bảo vệ sạch sẽ các vết trầy xước trên da, không tự ý dùng kháng sinh hay thuốc bôi, đắp lá thuốc và tuyệt đối không cào xước vùng da bị viêm nhiễm...;
  • Điều trị triệt để các bệnh lý ngoài da để tránh tụ cầu xâm nhập;
  • Đến khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán và cho thuốc điều trị thích hợp;
  • Không được dùng chung đồ dùng cá nhân (như khăn, quần áo...) với người bị nhiễm tụ cầu vàng.

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một trong những vi khuẩn phổ biến nhất gây bệnh ở người. Theo đó, tỷ lệ nhiễm trùng da ở trẻ em do tụ cầu vàng chiếm một phần lớn tại bệnh viện. Để tránh nguy hiểm cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan