Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác là một trong những chuyên gia hàng đầu về Nhi - Sơ sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh với gần 30 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về nội tiết nhi, thận nhi khoa và các vấn đề Nhi - Sơ sinh khác.
Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non và tiểu học là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ chính bản thân mình, khi mà hiện nay vấn nạn ấu dâm và xâm hại tình dục ở trẻ em đang ngày càng được quan tâm.
1. Giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm
Giáo dục giới tính ở trẻ em luôn là khía cạnh nhận được nhiều sự quan tâm từ phía xã hội. Bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình cũng là nền tảng vững chắc để giảng giải cho con hiểu những vấn đề nhạy cảm về giới tính và tình dục ngay từ khi còn nhỏ.
Khi đã biết đi và nói chuyện, trẻ cũng bắt đầu tìm hiểu về cơ thể của mình. Đây chính là lúc cha mẹ nên giáo dục giới tính cho trẻ, bắt đầu bằng cách dạy cho trẻ biết tên gọi của cơ quan sinh dục trên cơ thể (có thể nói với con trong lúc tắm). Chia sẻ thẳng thắn với con về vấn đề giới tính, tình dục và các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể khi con còn nhỏ giúp con hiểu rằng tình dục và giới tính là điều bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ cần thể hiện sự tế nhị và cởi mở đúng mực, tránh làm cho con cảm thấy hoang mang và nhìn nhận sai lầm về giới tính.
Điều quan trọng là bố mẹ phải trang bị sẵn sàng những kiến thức tối thiểu về vấn đề này để giải đáp tất cả những câu hỏi hay thắc mắc của con. Nếu con chỉ vào một bộ phận nhạy cảm nào đó trên cơ thể, cha mẹ cần cho con biết đó là cơ quan gì, có chức năng thế nào, hoặc có thể lấy ví dụ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không nên tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn, đùa cợt với thắc mắc của con. Giáo dục giới tính cho trẻ cần cho trẻ biết được đâu là bộ phận mang tính riêng tư, kín đáo của mỗi người, không được phô bày ra ngoài và không được để người khác động đến.
2. Cách xử trí khi thấy trẻ thủ dâm
Nhiều bé chỉ mới biết đi nhưng lại rất tò mò về cơ quan sinh dục thông qua hành vi tự kích thích. Theo đó, bé trai có thể có hành vi kéo và co dương vật, trong khi các bé gái lấy tay chà xát lên bộ phận sinh dục. Nếu phát hiện những hành vi này ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên bình tĩnh và dạy con rằng, thủ dâm là điều hoàn toàn bình thường, nhưng cần thực hiện ở nơi riêng tư.
Trong trường hợp bắt gặp trẻ thủ dâm ở nơi công cộng, hãy cố gắng đánh lạc hướng trẻ. Nếu không thể làm điều này, hãy hướng trẻ sang một bên để nhắc nhở về tầm quan trọng của sự riêng tư và hành vi của trẻ sẽ gây ảnh hưởng đến người khác thế nào.
Đôi khi, việc trẻ thủ dâm thường xuyên sẽ gây ra vấn đề không tốt đối với sức khỏe của trẻ, là dấu hiệu của lạm dụng tình dục. Do đó, phụ huynh nên chú trọng giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, ít nhất là với trẻ tiểu học và trẻ mầm non. Trong quá trình giáo dục giới tính cho con, cha mẹ cần nhấn mạnh với con rằng, không ai được phép chạm vào trừ trường hợp đi khám BS và phải có sự đồng ý của ba/mẹ vào những bộ phận riêng tư trên cơ thể. Nếu lo lắng về hành vi và nhận thức của con về giới tính, hãy đưa con đến gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên đúng đắn.
3. Trẻ mầm non và tiểu học cần được giáo dục giới tính mỗi ngày
Giáo dục giới tính cho trẻ không thể hoàn thành chỉ trong một sớm một chiều. Trên thực tế, điều này nên diễn ra hàng ngày, cha mẹ hãy tận dụng những cơ hội và tình huống thực tế để thảo luận với con về vấn đề giới tính.
Ví dụ, nếu trong gia đình hoặc họ hàng có người mang thai, hãy nói với con rằng em bé đang phát triển lớn dần ở một nơi đặc biệt bên trong bụng người mẹ, được gọi là tử cung. Nếu con tò mò, muốn biết thêm chi tiết về sự hình thành của thai nhi hoặc em bé được sinh ra như thế nào, hãy cung cấp những thông tin đó một cách dễ hiểu nhất.
Khi con trưởng thành và bắt đầu đặt những câu hỏi chi tiết hơn, phụ huynh nên giải đáp bằng những câu trả lời chi tiết hơn. Cố gắng trả lời cụ thể và thẳng vào vấn đề, sử dụng chính xác những thuật ngữ, tên gọi các bộ phận.
Ngay cả khi cha mẹ cảm thấy không thoải mái khi phải liên tục giải đáp những thắc mắc của con và gặp nhiều khó khăn trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, hãy cứ làm điều đó vì tình yêu thương dành cho con của mình. Cha mẹ nên lưu ý rằng, việc giáo dục giới tính cho con là để giúp cho con tự bảo vệ mình trong những năm tháng sắp tới, giúp con xử lý tình huống tốt hơn khi gặp phải ấu dâm hoặc xâm hại, đồng thời qua đó còn xây dựng một nếp sống lành mạnh và tích cực cho con.
4. Phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ
Những lời khuyên sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh nói chuyện với bé về chủ đề giới tính một cách dễ dàng hơn:
- Dùng ngôn từ đơn giản và đáng tin cậy
Nếu phải trình bày về vấn đề chuyên môn, phụ huynh nên giải thích ở mức độ mà con có thể hiểu được. Một đứa trẻ mầm non sẽ chẳng thể hiểu được cơ chế rụng trứng, tuy nhiên trẻ có thể tỏ ra thích thú khi biết được phụ nữ cũng có trứng để sinh con.
- Có thể nói mình không biết
Nếu không biết phải trả lời bé như thế nào, đừng tùy tiện “vẽ” ra thông tin, hãy thẳng thắn nói với con rằng hiện tại bạn cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này và hẹn con một dịp nào đó sẽ giải đáp. Ngay sau đó, phụ huynh nên tìm hiểu thông tin rõ ràng và giải đáp lại cho bé một cách chính xác.
- Cả bố và mẹ đều phải tham gia
Khi cả bố và mẹ đều tham gia vào việc giáo dục giới tính cho trẻ thì trẻ sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều có thể tham gia thảo luận bình đẳng về vấn đề này. Điều này sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho con khi nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính cũng như biết cách giao tiếp tế nhị hơn trong các mối quan hệ thân mật khi con trưởng thành.
- Bố mẹ nên là người khơi dậy sự tò mò
Một số trẻ gần như không bao giờ chủ động đặt câu hỏi. Trong trường hợp này, bố mẹ cần phải chủ động khơi dậy sự tò mò về giới tính cho con trong những tình huống diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn như, khi đang xem chương trình truyền hình nói về phụ nữ mang thai, phụ huynh có thể nói: “Đố con biết mang thai là gì?”.
5. Những điều phụ huynh cần lưu ý
- Tận dụng tình huống thích hợp để đề cập đến chủ đề giới tính, tình dục hoặc các vấn đề liên quan;
- Cha mẹ có thể lấy ví dụ từ anh chị em, họ hàng trong gia đình để con hiểu hơn về giới tính;
- Kiểm soát những nội dung con xem trên mạng Internet;
- Dạy cho bé những quy tắc khi sử dụng Internet và đảm bảo biết được khi nào trẻ lên mạng;
- Kiểm tra những bộ phim và trò chơi điện tử có độ tuổi cho phép có phù hợp với độ tuổi của bé hay không và giúp bé nhận thức được những gì bé nên tiếp xúc khi coi phim hay chơi điện tử.
Giáo dục giới tính cho trẻ không phải là một điều dễ dàng và cần thực hiện xuyên suốt quá trình phát triển của trẻ. Bố mẹ đóng vai trò là mắt xích quan trọng, giúp con tiếp cận với vấn đề giới tính ngay từ khi còn nhỏ, để con không phải bỡ ngỡ và chủ động bảo vệ bản thân mình trong những năm tháng sau này.
Khi có những biểu hiện rối loạn giới tính ở trẻ bao gồm cả cách ứng xử, hành động, suy nghĩ được thể hiện ở trẻ, cha mẹ cần dành thời gian để chăm sóc, lắng nghe con và giáo dục con thay đổi nhận thức một cách dần dần. Bên cạnh đó trẻ nên được điều trị tâm lý theo 1 phác đồ khoa học giúp định hình tư duy, suy nghĩ của bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org