Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Đưa đồ vật vào miệng là một trong những cách mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, nghẹt thở thường do thức ăn, đồ chơi và các vật nhỏ khác dễ mắc vào khí quản của trẻ. Do đó, bố mẹ cần biết những tình huống nguy hiểm, cách để có thể giữ an toàn cho con mình và ngăn ngừa trẻ ngạt thở do dị vật.
1. Khi nào bố mẹ cần lo lắng về các nguy cơ nghẹt thở?
Từ khi con bạn bắt đầu nhặt đồ vật bằng ngón tay của mình cho đến khi trẻ được 4 hoặc 5 tuổi, bạn sẽ cần phải cảnh giác với các nguy cơ nghẹt thở.
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc nghẹn do dị vật. Điều này một phần là do trẻ có xu hướng khám phá thế giới xung quanh bằng cách cho mọi thứ vào miệng.
Đó cũng là vì trẻ vẫn đang học cách nhai và nuốt thức ăn. Trẻ nhỏ từ 6 hoặc 7 tháng có thể cắn một miếng thức ăn bằng răng cửa mới. Nhưng trẻ lại không thể nhai kỹ thức ăn cho đến khi tất cả các răng hàm của mọc đầy đủ và trẻ đã được thực hành rất nhiều với thức ăn, thường là khi trẻ được 4 tuổi.
Thông tin sau đây được cung cấp để giúp giáo dục cha mẹ, người chăm sóc và người cho trẻ ăn về cách ngăn ngừa sự cố nghẹt thở và những trường hợp tử vong có thể xảy ra.
- Nghẹt thở là nguyên nhân đứng hàng thứ 4 gây tử vong không chủ ý ở trẻ em dưới 5 tuổi.
- Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị thương do ngạt thở và tử vong cao nhất.
- Đồ chơi, đồ gia dụng và thực phẩm đều có thể gây nguy cơ nghẹt thở.
- Cứ 5 ngày thì có ít nhất một trẻ em tử vong vì nghẹn thức ăn ở Mỹ và hơn 12.000 trẻ em được đưa đến bệnh viện cấp cứu mỗi năm do sặc thức ăn.
- Mặc dù các nhà sản xuất đồ chơi có dán nhãn đồ chơi có nguy cơ gây nghẹt thở và một số nhà sản xuất thực phẩm tự nguyện dán nhãn các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở; tuy nhiên, bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể gây nguy cơ gây nghẹt thở.
- Bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình, nhân viên chăm sóc sức khỏe, cha mẹ, ông bà, giáo viên nhà trẻ, trẻ lớn hơn, anh chị em, người trông trẻ và cộng đồng nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tai nạn thương tích và cần chia sẻ thông tin với người chăm sóc để xác định các nguy cơ nghẹt thở tiềm ẩn.
- Kích thước của khí quản hoặc ống thở của trẻ nhỏ có đường kính gần bằng ống hút. Hãy tưởng tượng một miếng bỏng ngô được đặt trong một khu vực nhỏ này thì sẽ bị nghẹt như thế nào.
- Đôi khi tình trạng sức khỏe cũng làm tăng nguy cơ mắc nghẹn. Ví dụ, những trẻ bị rối loạn nuốt, rối loạn thần kinh cơ, chậm phát triển và chấn thương sọ não, có nguy cơ mắc nghẹn cao hơn những trẻ khác.
2. Nguy cơ trẻ bị nghẹt đường thở theo tuổi
2.1 Nguy cơ nghẹt thở tiềm ẩn cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi
Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi đang học cách nhai và nuốt thức ăn. Điều này có nghĩa là con bạn có thể bị nghẹt thở. Hãy chú ý quan sát xem con bạn đang ăn gì và trẻ cho vào miệng những gì.
Cách chế biến thức ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc nghẹn. Ví dụ như một số thực phẩm cho trẻ ăn nhưng chưa nấu chín, nguyên hạt hoặc ở một số hình dạng nhất định có thể gây nguy cơ nghẹt thở. Cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ hơn và nghiền thức ăn có thể giúp tránh bị nghẹn.
Dưới đây là những ví dụ về các nguy cơ nghẹt thở tiềm ẩn:
2.1.2 Hoa quả và rau
- Hạt ngô nấu chín hoặc còn nguyên hạt.
- Cà chua bi hoặc nho chưa cắt
- Những miếng trái cây hoặc rau sống cứng.
- Trái cây đóng hộp nguyên miếng;
- Nho, quả mọng, anh đào;
- Trái cây khô như nho khô.
2.1.3 Protein
- Các loại nguyên hạt hoặc cắt nhỏ và bơ hạt như bơ đậu phộng;
- Thịt dai hoặc miếng lớn;
- Xúc xích, thịt que;
- Cá có xương;
- Phô mai miếng lớn, đặc biệt là phô mai sợi.
2.1.4 Sản phẩm ngũ cốc
- Bánh quy;
- Khoai tây hoặc ngô chiên, bánh quy giòn hoặc các loại thực phẩm ăn nhẹ tương tự;
- Bánh mì có hạt, hạt nhỏ hoặc nguyên hạt;
- Toàn bộ hạt được nấu chín như lúa mạch, lúa mì hoặc các loại ngũ cốc khác.
2.1.5 Thực phẩm ngọt
Kẹo cứng, thạch đậu, caramel, kẹo cao su nhỏ hoặc kẹo dẻo.
2.2 Nguy cơ nghẹt thở tiềm ẩn cho trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi
Khi trẻ được 12 tháng tuổi, con bạn ăn uống tốt hơn và thậm chí có thể tự xúc ăn. Mặc dù bây giờ con bạn có thể ăn hầu hết các loại thức ăn, nhưng một số thức ăn vẫn có nguy cơ gây nghẹt thở.
Cách chế biến thức ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc nghẹn. Ví dụ như một số thực phẩm chưa được nấu chín, nguyên hạt hoặc ở một số hình dạng nhất định có thể gây nguy cơ nghẹt thở. Cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ hơn và nghiền thức ăn có thể giúp tránh bị nghẹn. Đây là những ví dụ về các nguy cơ nghẹt thở tiềm ẩn ở lứa tuổi này:
- Rau củ quả: cà rốt; nho, cà chua bi; những miếng trái cây hoặc rau sống lớn
- Protein: Đậu phộng nguyên hạt; thịt dai; những lát xúc xích hoặc xúc xích tròn; các loại hạt; bơ đậu phộng.
- Sản phẩm ngũ cốc: Bắp rang bơ; khoai tây chiên
- Thực phẩm ngọt: Kẹo cao su và kẹo cứng
3. Các cách dự phòng nguy cơ nghẹt thở ở trẻ em
- Giữ cho trẻ ngồi yên: Đảm bảo trẻ ngồi khi ăn. Đừng để trẻ ăn khi đang nằm, đang đi, đang chơi hoặc đang chạy.
- Khuyến khích trẻ ăn chậm: Một cách để làm điều này là đảm bảo trẻ có sẵn đồ uống trong bữa ăn (như nước hoặc sữa). Khuyến khích từng ngụm nhỏ giữa các lần cắn để đảm bảo con bạn đang nhai và nuốt, đồng thời không nhồi nhét thức ăn vào miệng quá nhiều có thể gây nghẹn.
- Xay nhuyễn hoặc nghiền thức ăn cho trẻ: Xay hoặc nghiền thức ăn sao cho đủ mềm để bé có thể ngậm hoặc nhai.
- Cắt thức ăn dạng ngón tay thành miếng nhỏ: Khi con bạn đã sẵn sàng để bốc thức ăn bằng tay, khuyến nghị bạn nên cắt thức ăn thành miếng không lớn hơn 1/2 inch, đặc biệt là trái cây khô và thức ăn cứng dạng tròn, chẳng hạn như nho, anh đào và cà chua. Ngoài ra, cắt xúc xích theo chiều dọc trước khi cắt nhỏ.
- Nấu rau: Nấu mềm các loại rau như cà rốt, bông cải xanh và đậu xanh trước khi cắt thành từng miếng nhỏ.
- Phết mỏng bơ hạt: Bơ đậu phộng và các loại bơ hạt khác là một mối nguy hiểm gây nghẹt thở. Phết mỏng bơ hạt lên bánh mì hoặc bánh quy giòn hoặc pha loãng với nước hoặc nước sốt táo.
- Chọn đồ ăn nhẹ: Không cho trẻ ăn bỏng ngô, kẹo cao su, các loại hạt, kẹo cứng hoặc kẹo dính, hoặc kẹo dẻo cho đến khi trẻ ít nhất 4 tuổi. Các loại hạt có thể quá nhỏ để trẻ bị nghẹn nhưng có thể mắc kẹt trong đường thở của trẻ và gây nhiễm trùng.
- Tránh các đồ vật nhỏ: Không để trẻ nhỏ chơi với cúc áo, đồng xu, kim băng, nam châm, pin, bóng bay, viên đá nhỏ, hoặc bất cứ thứ gì có bán kính nhỏ hơn 1,25 inch hoặc chiều dài dưới 2,25 inch.
- Để bột trẻ em xa: Không cho trẻ em chơi với hộp đựng bột trẻ em. Bột có thể đổ ra và làm tắc nghẽn cổ họng của con bạn.
- Đánh giá cẩn thận đồ chơi của con bạn. Không cho phép em bé hoặc trẻ mới biết đi chơi với bóng bay cao su, đây là đồ chơi nguy hiểm khi chưa thổi phồng và khi bóng bay bị vỡ, ngoài ra còn có các bóng nhỏ, viên bi, đồ chơi có chứa các bộ phận nhỏ hoặc đồ chơi dành cho trẻ lớn hơn. Tìm các hướng dẫn về độ tuổi khi mua đồ chơi và thường xuyên kiểm tra đồ chơi để đảm bảo chúng ở trong tình trạng sử dụng tốt.
Bất kỳ ai chăm sóc trẻ nhỏ nên được đào tạo về Hồi sinh tim phổi cho trẻ sơ sinh, còn được gọi là CPR. Khoá đào tạo này bao gồm những việc phải làm trong tình huống trẻ bị nghẹt thở do dị vật.
Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: các bệnh về tiêu hóa, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com, health.ny.gov, cdc.gov
Video đề xuất: