Dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường

Khi cha mẹ thấy con mình trông có vẻ thấp hơn so với những đứa trẻ khác cùng tuổi, điều này không có gì bất thường hoặc quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ có tốc độ phát triển chiều cao, cân nặng, trí tuệ chậm hơn nhiều so với các trẻ khác đồng trang lứa thì lúc này cha mẹ cần nghiêm túc tìm hiểu, sớm đưa trẻ thăm khám và kịp thời điều chỉnh.

1. Thế nào là trẻ phát triển không bình thường?

Trẻ phát triển không bình thường” là một cụm từ rộng được sử dụng để mô tả các nguyên nhân và ảnh hưởng khác nhau của những điều kiện liên quan đến sự tăng trưởng không đủ theo tuổi và theo thời gian của trẻ nhỏ, từ lúc trẻ sinh ra cho đến khi kết thúc quá trình dậy thì.

Khoảng 3 đến 5% trẻ em được xem là thấp bé, có nghĩa là chiều cao của các trẻ này thấp hơn vị trí phần trăm thứ 3 hoặc thứ 5 trên biểu đồ tăng trưởng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn các trẻ trong số này có một hoặc cả cha và mẹ đều thấp hơn trung bình của người trưởng thành. Theo đó, chỉ có một số ít là có vấn đề về tăng trưởng bệnh lý cụ thể và có thể cần điều trị.

Dấu hiệu trẻ phát triển bình thường hay bất thường đôi khi có thể rõ ràng ngay từ khi mới sinh, trong từng trường hợp trẻ sinh đủ tháng hay thiếu tháng, đủ cân hay nhẹ cân và thậm chí là trẻ các mắc các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh gì hay không. Theo đó, trong quá trình chăm sóc và theo dõi trẻ, các dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường đôi khi có thể được nhận định ngay khi thấy trẻ có số đo chiều cao và cân nặng kém hơn so với tuổi của mình. Tuy nhiên, khi quan sát trong một thời gian dài hơn, trẻ vẫn có thể đạt được thể trạng tương đương với những đứa trẻ khác thì không được gọi là bất thường.

Tuy vậy, nếu trẻ phát triển không bình thường không được phát hiện và quan tâm đúng mức, trẻ ngày càng tăng trưởng kém, chế độ dinh dưỡng tổng thể của trẻ không được cải thiện và hậu quả về lâu dài sẽ ngày càng khó khắc phục.

2. Dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường như thế nào?

Để nhận biết dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần phải biết cách cân đo cho trẻ tại nhà cũng như dấu hiệu trẻ phát triển bình thường như thế nào, có phù hợp theo biểu đồ tăng trưởng của trẻ theo tuổi hay không.

Theo đó, các mốc tăng trưởng "bình thường" cần đạt được ở trẻ từ lúc sinh đến lúc trưởng thành như sau:

  • 0 đến 12 tháng: Trẻ cao thêm khoảng 25cm (10 inch) và nặng gấp 3 lần lúc sinh. Sự tăng trưởng trong giai đoạn này chủ yếu là phụ thuộc vào vai trò của chế độ dinh dưỡng.
  • 1 đến 2 tuổi: Trẻ cao thêm khoảng 13cm (5 inch). Từ 1 tuổi, các yếu tố nội tiết tố ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
  • 2 đến 3 năm: Trẻ cao thêm khoảng 9cm (3,5 inch) mỗi năm. Đồng thời, kỹ năng vận động và nhận thức thế giới xung quanh của trẻ không ngừng hoàn thiện.
  • 3 tuổi đến tuổi dậy thì: Trẻ cao thêm khoảng 5cm (2 inch) mỗi năm. Có sự khác biệt tối thiểu về tăng trưởng ở trẻ em trai và trẻ em gái cho đến tuổi dậy thì, dẫn đến chênh lệch chiều cao trung bình giữa hai giới là 12 đến 13cm (4 đến 5 inch).

Chính vì vậy, cách nhận biết dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường là khi trẻ phát triển kém hơn 5cm (2 inch) mỗi năm sau sinh nhật thứ hai của mình. Ngoài ra, các triệu chứng khác nghi ngờ trẻ chậm phát triển có thể bao gồm:

  • Chậm phát triển các kỹ năng thể chất, chẳng hạn như lăn lộn, lật, ngồi dậy, đứng và đi lại, chạy nhảy, leo trèo
  • Chậm nói, kỹ năng giao tiếp kém
  • Chậm hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội và tinh thần
  • Chậm phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp ở tuổi vị thành niên
Trẻ phát triển không bình thường
Trẻ phát triển không bình thường là khi phát triển kém hơn 5cm mỗi năm sau sinh nhật thứ 2

5. Các nguyên nhân nào gây ra vấn đề về tăng trưởng ở trẻ nhỏ?

Các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ nhỏ, bên cạnh chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, có thể do một số yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm di truyền, rối loạn nội tiết tố, bệnh toàn thân và hội chứng kém hấp thu thức ăn. Nguyên nhân của các vấn đề về tăng trưởng thường gặp:

Chậm dậy thì. Một đứa trẻ mắc chứng này bước vào tuổi dậy thì muộn hơn bạn bè nhưng vẫn có khả năng phát triển với tốc độ bình thường. Hầu hết những đứa trẻ này cuối cùng đều có xu hướng phát triển chiều cao tương đương với cha mẹ.

Bệnh lý toàn thân hoặc mãn tính hay bệnh ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thận, tim hoặc phổi.

Suy dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống không đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trẻ nhẹ cân hay kém tăng trưởng trên khắp thế giới.

Ức chế tâm lý, thường xuyên trong tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Bệnh nội tiết, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hoặc thiếu hormone tuyến giáp.

Các hội chứng rối loạn di truyền. Các vấn đề về tăng trưởng có thể là đặc điểm của các hội chứng như hội chứng Cushing, hội chứng Turner, hội chứng Down, hội chứng Noonan, hội chứng Russell-Silver và hội chứng Prader-Willi.

Bất thường về xương. Có hơn 50 bệnh về xương ảnh hưởng đến chiều cao và tăng trưởng của trẻ nhỏ, trong đó có nhiều bệnh do di truyền. Dậy thì sớm. Rối loạn tăng trưởng này được đặc trưng bởi sự khởi đầu sớm của tuổi vị thành niên. Ban đầu, trẻ sẽ cao rất nhanh so với tuổi của mình nhưng do quá trình trưởng thành xương nhanh chóng, sự phát triển dừng lại ngay từ khi trẻ vẫn còn nhỏ tuổi khiến cho trẻ thấp hơn bạn bè cùng tuổi khi trưởng thành.

Trẻ phát triển không bình thường
Suy dinh dưỡng có thể là nguyên nhân khiến trẻ phát triển không bình thường

4. Tình trạng trẻ phát triển không bình thường được tiếp cận như thế nào?

Trong một số trường hợp, khi vấn đề về tăng trưởng được chẩn đoán từ lúc trẻ sinh ra hay ở các trẻ sinh non, chế độ thăm khám và chăm sóc của trẻ thường được quan tâm đặc biệt. Một số trẻ có thể cần nuôi trong lồng ấp trong vài ngày đến vài tháng đầu đời và cho ăn theo chế độ dinh dưỡng chuyên biệt qua ống thông dạ dày. Đến khi trẻ được ra viện, cha mẹ sẽ được hướng dẫn chu đáo về cách nuôi trẻ tại nhà, tập trung vấn đề cho bú, vệ sinh cũng như phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Trong các trường hợp trẻ sơ sinh đúng tiêu chuẩn về thể chất lúc chào đời, vấn đề tăng trưởng có thể được chẩn đoán khi kiểm tra sự phát triển của trẻ trong các lần kiểm tra định kỳ. Nguyên nhân trẻ chậm phát triển thường do chế độ dinh dưỡng, cụ thể là bú mẹ không đúng cách hay trẻ lười ăn dặm cũng như ăn dặm không đủ chất. Lúc này, cha mẹ cần ưu tiên lựa chọn các nguồn thức ăn giàu dưỡng chất cho trẻ.

Khi trẻ đến tuổi đi học, dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường chủ yếu nhận biết qua quan sát thấy trẻ thấp bé hơn bạn bè cùng tuổi. Việc can thiệp cần thực hiện sớm và tích cực trên cả vấn đề dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, đảm bảo cho trẻ tầm vóc tốt để có thể học hành, phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết.

Ngoài ra, khi sự can thiệp về dinh dưỡng không hiệu quả, trẻ có thể cần đến các xét nghiệm y khoa để tìm nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu, để kiểm tra các rối loạn về hormone, nhiễm sắc thể hoặc các rối loạn khác có thể gây ra các vấn đề về tăng trưởng.
  • Chụp Xquang. Một lượng nhỏ bức xạ được sử dụng để tạo ra hình ảnh của xương, thường được thực hiện ở xương bàn tay và cổ tay. Đây là công cụ để bác sĩ có thể ước tính tuổi xương của trẻ. Khi bị dậy thì muộn hoặc các vấn đề về hormone, tuổi xương thường thấp hơn tuổi dương lịch và chỉ định bổ sung hormone tăng trưởng cần được xem xét.

Tóm lại, việc nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ phát triển không bình thường là cơ hội để tạo điều kiện cho trẻ được can thiệp và điều chỉnh. Trong đó, một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của trẻ đòi hỏi phải được phát hiện và điều trị. Chỉ khi làm được như vậy, trẻ mới có thể khôi phục lại tốc độ phát triển bình thường, đạt được tầm vóc như bạn bè cùng trang lứa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan