Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.
Suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời và tích cực có thể dẫn tới tử vong. Và lọc máu cấp cứu là phương pháp điều trị hữu hiệu, giúp bệnh nhân suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn sớm khỏe lại, giảm tối đa nguy cơ biến chứng.
1. Suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn là gì?
Sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn, có thể dẫn tới suy đa tạng, gây ra tỷ lệ tử vong là 40 – 60%. Sốc nhiễm khuẩn được chẩn đoán xác định khi có đủ 3 tiêu chí: nhiễm khuẩn nặng có nguồn nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng ít nhất một cơ quan và hạ huyết áp không đáp ứng với bù dịch.
Suy đa tạng còn được gọi là suy đa hệ thống cơ quan, hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan,... Đây là tình trạng diễn biến cấp tính của một quá bình bệnh lý có suy từ 2 tạng trở lên, tồn tại ít nhất 24 giờ, có thể đến do nhiễm khuẩn hoặc nguyên nhân khác. Suy đa tạng có liên quan tới sốc nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ 60 – 81,5%.
Cơ chế sốc nhiễm khuẩn gây suy đa tạng là: vi khuẩn xâm nhập vào máu gây ra các đáp ứng viêm hệ thống, giải phóng các cytokine gây viêm. Điều này tạo nên sự mất cân bằng giữa yếu tố gây viêm và yếu tố kháng viêm (yếu tố gây viêm mạnh hơn yếu tố kháng viêm) dẫn đến tình trạng tổn thương các cơ quan thứ phát và gây suy đa tạng.
2. Nguyên tắc điều trị suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn
- Nhanh chóng đảm bảo chức năng của các cơ quan hô hấp và tuần hoàn để duy trì tính mạng bệnh nhân.
- Điều trị căn nguyên: phát hiện và điều trị sớm các yếu tố gây suy đa tạng. Việc này bao gồm kiểm soát ổ nhiễm khuẩn và giải quyết ngoại khoa (dẫn lưu ổ mủ, cắt lọc mô hoại tử). Đồng thời, bệnh nhân cần được điều trị tích cực chống sốc nhiễm khuẩn, cung cấp đủ oxy để tránh thiếu máu cục bộ và chú ý dinh dưỡng đầy đủ qua đường tiêu hóa hoặc tĩnh mạch.
- Điều trị hỗ trợ các tạng suy, mục tiêu cần đạt trong vòng 6 giờ đầu gồm: duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm 8 – 12 cmH2O, duy trì huyết áp trung bình trên 65 mmHg, duy trì ScvO2 ≥ 70% hoặc SvO2 ≥ 65% và đảm bảo thể tích nước tiểu ≥ 0,5 ml/kg/giờ.
3. Phương pháp lọc máu cấp cứu bệnh nhân suy đa tạng
3.1 Lọc máu cấp cứu là gì?
Lọc máu liên tục cấp cứu là phương pháp được chỉ định cho bệnh nhân suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, suy thận có huyết động không ổn định, ngộ độc, rối loạn chuyển hóa,... Đây là phương thức lọc máu bằng vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, thực hiện từ từ liên tục trong 24 giờ/ngày để đào thải nước và các chất hòa tan dựa trên cơ chế đối lưu và siêu lọc.
Phương pháp này có ưu điểm là tỷ lệ thành công trên 95%, giải độc nhanh, an toàn cho bệnh nhân, giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe, hạn chế nguy cơ tử vong. Đồng thời, kỹ thuật lọc máu liên tục cấp cứu cũng nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế hỗ trợ nên bệnh nhân không cần quá lo lắng về vấn đề chi phí điều trị.
3.2 Chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu ở bệnh nhân suy đa tạng
- Lọc máu sớm nhất, nếu có thể nên thực hiện ngay sau khi có chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn. Lưu ý chỉ thực hiện khi ổ nhiễm khuẩn đã được giải quyết bằng dẫn lưu, chọc hút hoặc phẫu thuật ngoại khoa.
- Chỉ lọc máu khi đã nâng huyết áp tâm thu lên trên > 90 mmHg bằng phương pháp truyền dịch và sử dụng các thuốc vận mạch.
- Thể tích dịch thay thế lớn: ≥ 45ml/kg/giờ.
- Thời gian duy trì 1 quả lọc 18 - 22 giờ.
- Dịch lọc là bicacbonat hoặc citrat.
- Dùng chống đông heparin hoặc citrat nếu không có chống chỉ định.
- Hòa loãng trước màng nhiều nếu bệnh nhân suy đa tạng có rối loạn đông máu nặng.
- Tuân thủ chặt chẽ quy trình vận hành các bơm của máy lọc máu cho những bệnh nhân có huyết động không ổn định.
- Nhân viên y tế phải theo dõi sát các biến chứng trong quá trình lọc máu: tụ huyết áp, chảy máu, tan máu,...
- Ngừng lọc máu liên tục khi cắt được các thuốc co mạch và chuyển lọc máu ngắt quãng nếu được chỉ định.
3.3 Quy trình thực hiện lọc máu cấp cứu bệnh nhân suy đa tạng
Bước 1: Bệnh nhân được đặt nằm trên giường để tiến hành lọc máu.
Bước 2: Lắp hệ thống dây và quả vào máy lọc máu, mồi dịch và thực hiện test máy theo đúng quy trình kỹ thuật chuẩn.
Bước 3: Tiến hành lọc máu:
- Kết nối hệ thống tuần hoàn của máy lọc máu với tĩnh mạch của bệnh nhân suy đa tạng thông qua catheter 2 hoặc 3 nòng đã được chuẩn bị trước.
- Vận hành các bơm trên máy lọc máu liên tục: bơm máu, bơm dịch thay thế, bơm dịch thẩm tách.
- Sử dụng thuốc chống đông trong quá trình lọc máu liên tục: có thể Heparin, Citrat hoặc không dùng thuốc chống đông trong trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng.
- Thời gian lọc máu cho một quả lọc thay đổi tùy theo thông số của quả lọc, trung bình từ 8 - 24 giờ.
- Tiêu chuẩn ngừng lọc máu: khi các chỉ định để lọc máu không còn nữa.
Bước 4: Kết thúc lọc máu:
- Ngừng chống đông nếu có 30 phút trước khi kết thúc lọc máu.
- Ngừng các bơm dịch thay thế và dịch thẩm tách.
- Dồn trả máu lại cho bệnh nhân bằng cách kết nối với 500ml NaCl 0.9%.
Hiện kỹ thuật lọc máu cấp cứu bệnh nhân suy đa tạng đang được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Với hệ thống máy móc hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, Vinmec cam kết bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân.
Vinmec sử dụng hệ thống máy hiện đại, mới, đa tính năng. Máy lọc máu liên tục multiFiltrate của hãng Fresenius với nhiều ưu điểm vượt trội. Đội ngũ y bác sĩ là những người tay nghề vững vàng, làm chủ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và đã được đào tạo kỹ thuật này rất chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong việc xử trí các trường hợp bệnh nhân nguy kịch, hỗ trợ và phối hợp với các khoa trong bệnh viện điều trị những trường hợp bệnh nhân nặng và phức tạp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.