Khuyến cáo về dinh dưỡng trong và sau khi điều trị ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.

Đa số những người mắc bệnh ung thư đều chỉ chú trọng vào việc điều trị bệnh mà quên mất rằng việc bổ sung các chất dinh dưỡng vào chế độ ăn hằng ngày cũng rất quan trọng để nâng cao thể trạng.

1. Khuyến cáo về dinh dưỡng trong điều trị ung thư

Người mắc bệnh ung thư cần duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và bổ sung những thực phẩm giàu dưỡng chất trong chế độ ăn hàng ngày. Đôi khi các tác dụng phụ của phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và hóa trị có thể khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, bị sụt cân mất kiểm soát và sức khỏe suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi. Để giúp bệnh nhân ung thư cân bằng được cuộc sống, dưới đây là một số khuyến cáo dinh dưỡng chung cho những người đang điều trị ung thư:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: nạp đủ calo mỗi ngày
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể bao gồm protein, carbohydrate, chất béo và nước.
  • Giữ thái độ sống tích cực: đi bộ hàng ngày, tập thiền, yoga, tập thở.

2. Cách để bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu

Đối với những bệnh nhân ung thư, khẩu vị của họ có thể không tốt hoặc thường xuyên cảm thấy chán ăn, vì vậy tư vấn dinh dưỡng là một bước cần thiết trong quá trình chăm sóc cho người bệnh. Tư vấn dinh dưỡng có thể giúp những người bị ung thư bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như protein, vitamin và khoáng chất, từ đó giúp cơ thể người bệnh khỏe mạnh hơn, chiến đấu lại với bệnh tật tốt hơn.

Những người chăm sóc nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để bệnh nhân dễ hấp thụ dưỡng chất. Những người đang điều trị ung thư cũng nên chịu khó vận động cơ thể, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc thư giãn, tránh suy nghĩ quá nhiều sẽ giúp kết quả điều trị đạt hiệu quả cao.

Để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, nên theo những chỉ dẫn sau:

  • Bổ sung loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin và khoáng chất mà cơ thể chưa nhận đủ.
  • Bổ sung các chất lỏng và đồ ăn nhẹ với nhiều chất dinh dưỡng
  • Chọn thực phẩm phù hợp với cơ thể
Vitamin cho bà bầu
Bệnh nhân ung thư nên bổ sung Vitamin cho cơ thể

Một số chất dinh dưỡng cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư bao gồm:

  • Đạm: đạm hầu hết có trong các loại thịt, tôm, cua, cá. Đây là những loại thực phẩm giàu acid amin, rất cần thiết cho cơ thể. Cần đa dạng các loại thực phẩm và khẩu phần ăn để đảm bảo cân bằng giữa protein động vật và thực vật. Nên chọn những loại thịt trắng như thịt gia cầm; các loại thịt đỏ giàu sắt và kẽm như thịt bò, thịt lợn nạc; hoặc các loại hải sản và nhuyễn thể khác.
  • Tinh bột: thường có trong các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo, ngô, lúa mì, lúa mạch, hoặc các loại củ như khoai tây, khoai lang, sắn,.. nên tránh ăn những thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn hoặc những thực phẩm có chứa các chất phụ gia và các chất bảo quản, vì đây là những thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, có thể khiến ung thư trở nên tồi tệ hơn.
  • Chất béo: là chất đem lại nguồn năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào của cơ thể. Nên bổ sung một hàm lượng lipid nhất định vào chế độ ăn hàng ngày, lưu ý hàm lượng acid béo không no không vượt quá 50% tổng năng lượng.
  • Rau quả: trong rau quả có chứa hàm lượng vitamin cao, rất có lợi cho sức khỏe của người bệnh. Nên chọn những loại rau, quả tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn và bảo quản trong điều kiện lạnh để không làm mất đi hàm lượng vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản.

3. Một số khuyến cáo khác về dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư

Điều trị ung thư thường gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn nôn, lở loét niêm mạc miệng và thay đổi vị giác. Những tác dụng phụ này có thể gây khó khăn khi ăn hoặc uống. Thực hiện theo các mẹo sau để giúp cải thiện khẩu vị ăn cũng như bổ sung được các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể:

  • Súc miệng trước khi ăn
  • Bổ sung các loại chất lỏng thông qua thực phẩm và đồ uống như súp, dưa hấu, uống trà, sữa.
  • Nếu miệng của bạn bị đau, cần chọn thực phẩm không chua cay cho đến khi vết thương lành.
  • Ăn 6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn để cung cấp đầy đủ lượng calo cần thiết trong ngày.
  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm phù hợp với cơ thể.
Uống nước
Bệnh nhân ung thư nên uống nhiều nước để giảm tình trạng khô miệng

Với những bệnh nhân sử dụng các liệu pháp hóa trị và xạ trị tại vùng đầu và cổ có thể gây giảm tiết nước bọt và khô miệng, khiến tình trạng chán ăn ngày một trầm trọng hơn. Để kiểm soát được tình trạng này, người bệnh cần lưu ý:

  • Ăn các loại thực phẩm mềm hoặc chế biến bằng nước, ăn thêm hoa quả chua để tăng tiết nước bọt
  • Không ăn quá nhiều đường
  • Ăn đồ tráng miệng ướp lạnh
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và súc miệng tối thiểu 4 lần trong ngày
  • Uống nhiều nước và uống từng ngụm nhỏ trong vài phút

4. Những lưu ý khi sử dụng các chất bổ sung vào chế độ ăn uống

Đôi khi bổ sung quá liều các chất dinh dưỡng như vitamin tổng hợp có thể gây hại cho cơ thể. Nhiều người băn khoăn rằng liệu việc này có ảnh hưởng đến quá trình điều trị ung thư không. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bạn sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào.

Có thể hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe các câu hỏi sau về bổ sung chế độ ăn uống:

  • Những lợi ích của việc bổ sung chế độ ăn uống này là gì?
  • Có gây ra các tác dụng phụ gì hay không?
  • Có rủi ro khi dùng nó không?
  • Có thể bổ sung chế độ ăn uống để can thiệp vào điều trị ung thư không?
  • Nên dùng bao nhiêu và trong bao lâu?

5. An toàn thực phẩm

Rửa tay để phòng bệnh mùa hè cho trẻ
Bệnh nhân ung thư nên rửa tay trước và trong khi chế biến thức ăn

Những người đang điều trị ung thư nên được biết về an toàn thực phẩm. Một số phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng do thực phẩm xảy ra khi vi khuẩn, vi rút hoặc nấm gây hại làm nhiễm độc thực phẩm và khiến bị bệnh. Dưới đây là một số mẹo an toàn thực phẩm cơ bản để giảm nguy cơ nhiễm trùng:

  • Rửa tay trước và trong khi bạn chế biến thức ăn
  • Rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn chúng.
  • Xử lý và bảo quản thực phẩm an toàn
  • Sử dụng thớt riêng cho thịt và rau
  • Lưu trữ thịt và cá trên kệ dưới cùng của tủ lạnh
  • Không làm tan thức ăn bằng nước ấm

Nên ăn thực phẩm đã nấu chín hoàn toàn. Không ăn hoặc uống thực phẩm chưa tiệt trùng. Đảm bảo thực phẩm bạn mua chưa hết hạn sử dụng và tuân theo hướng dẫn về cách bảo quản đúng cách.

6. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng sau khi điều trị

Theo nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống lành mạnh có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót sau ung thư của người bệnh. Những người sau khi điều trị ung thư có thể đối mặt với các tình trạng sức khỏe khác như bệnh tim, bệnh tiểu đường tuýp 2 và suy yếu xương.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh khác, các bác sĩ thường khuyên những người sống sót sau ung thư tuân theo các khuyến nghị chung để có sức khỏe tốt. Chúng bao gồm ăn một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm thiểu bia rượu và duy trì hoạt động thể chất thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.net

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan