Vai trò của các chất sinh năng lượng

Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ - Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Năng lượng có vai trò quan trọng để tái tạo các mô của cơ thể, duy trì thân nhiệt, tăng trưởng và đảm nhận các hoạt động khác. Theo đó, mỗi chất sinh năng lượng sẽ có vai trò với nhu cầu liều lượng khác nhau từ các nguồn thực phẩm.

1. Protein (chất đạm)

Protein là một trong những đa chất dinh dưỡng có cấu trúc phức tạp nhất và là hợp chất hữu cơ có chứa Nitơ. Đơn vị cấu thành protein là các axit amin. Nhu cầu cơ thể không chỉ đơn thuần là các protein mà còn là tỷ lệ hợp lý của các axit amin tạo nên các protein đó để thay thế protein trong cơ thể. Có 9 loại axit amin cần thiết mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Nếu như thiếu một trong các axit amin cần thiết này thì dù cơ thể có được cung cấp đầy đủ protein thì vẫn không thể tổng hợp nên protein cho cơ thể.

1.1. Vai trò của protein

  • Duy trì và phát triển mô, đồng thời hình thành những chất cơ bản trong hoạt động sống
  • Tham gia vận chuyển các chất dinh dưỡng và kích thích cảm giác ngon miệng.
  • Điều hoà chuyển hoá nước và cân bằng kiềm toan trong cơ thể.
  • Bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng nhờ hệ thống miễn dịch.
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể: 1 gam Protein cung cấp 4 Kcal
  • Điều hoà hoạt động của cơ thể: Protein tham gia vào mọi hoạt động điều hoà chuyển hoá, duy trì cân bằng dịch thể.
Vai trò của protein
Protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh năng lượng của cơ thể

1.2. Nhu cầu protein của cơ thể

Các nhà khoa học đã ước tính rằng nhu cầu protein để duy trì các hoạt động của cơ thể là 0.66g/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Nhu cầu protein thay đổi nhiều tùy thuộc vào lứa tuổi, trọng lượng, giới tính, tình trạng sinh lý như có thai, cho con bú,... hoặc mắc bệnh lý. Giá trị sinh học của protein khẩu phần càng thấp lượng protein đòi hỏi càng nhiều. Chế độ ăn nhiều chất xơ làm cản trở phần nào sự tiêu hoá và hấp thu protein nên cũng làm tăng nhu cầu protein. Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, protein nên chiếm từ 12-14% năng lượng khẩu phần, trong đó protein có nguồn gốc động vật chiếm khoảng 30-50%. Tỷ lệ protein động vật chiếm khoảng 40-70% protein tổng số. Tỷ lệ này thay đổi theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý.

1.3. Nguồn thực phẩm

Protein có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, cá, tôm, cua,trứng, sữa, tôm, cua, ốc, hến, phủ tạng... Protein từ động vật có giá trị sinh học cao hơn protein từ thực vật. Lượng protein trong thịt dao động khoảng từ 18-22% tùy từng loại thịt. Protein cũng có trong những thức ăn có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, lạc vừng, gạo.

XEM THÊM: Phân biệt đạm động vật và đạm thực vật

2. Lipid (chất béo)

Lipid là hợp chất hữu cơ không có nitơ, thành phần chính là triglycerid và chiếm tới 90-95% tổng lượng chất béo trong khẩu phần, còn lại là cholesterol và phospholipid.

2.1. Vai trò của Lipid

  • Là nguồn dự trữ năng lượng chính của cơ thể dưới dạng mỡ
  • Dung môi hòa tan các vitamin tan trong chất béo như: vitamin A, D, E, K
  • Cung cấp năng lượng cho cơ thể: 1 gam Lipid cung cấp 9 Kcal
  • Chế biến thức ăn: bảo quản, tạo cảm quan tốt, tăng hương vị thức ăn
  • Tham gia cấu trúc và hoạt động của tế bào
  • Điều nhiệt cho cơ thể
  • Bảo vệ sức bền và tính đàn hồi của thành mạch
Lipid có vai trò gì
Lipid tham gia vào quá trình điều hòa nhiệt cho cơ thể

2.2. Nhu cầu Lipid

Chất béo là thành phần cung cấp năng lượng quan trọng trong khẩu phần. Năng lượng do chất béo cung cấp chiếm khoảng 20-50% tổng năng lượng khẩu phần (tùy thuộc vào từng lứa tuổi và tình trạng sinh lý). Cholesterol trong khẩu phần nên khống chế ở mức dưới 300mg /ngày. Lipid có nguồn gốc thực vật nên chiếm khoảng 30-50% lipid tổng số.

2.3. Nguồn thực phẩm

Thức ăn có nguồn gốc động vật có hàm lượng lipid cao là thịt mỡ, mỡ cá, bơ, sữa, pho mát, lòng đỏ trứng... Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có hàm lượng lipid cao là dầu thực vật, lạc, vừng, đậu tương, hạt điều, hạt dẻ, cùi dừa, socola...

3. Glucid (chất bột đường)

Glucid là hợp chất hữu cơ không có nitơ, căn cứ vào số lượng các phân tử đường, người ta phân glucid thành 3 loại chính là đường đơn, đường đôi và đường đa phân tử.

3.1.Vai trò của Glucid

  • Vai trò quan trọng nhất của glucid là cung cấp năng lượng cho cơ thể: 1 gam glucid cung cấp 4 Kcal.
  • Tạo hình vì tham gia cấu tạo tế bào của cơ thể
  • Điều hòa hoạt động cơ thể, giữ cân bằng nội môi
  • Liên quan chặt chẽ với chuyển hóa Lipid
  • Cung cấp chất xơ
Glucid là gì
Một trong những công dụng của Glucid là giữ cân bằng nội môi

3.2. Nhu cầu Glucid

Năng lượng cung cấp từ glucid chiếm từ 50-75% tổng năng lượng khẩu phần. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá nhiều glucid tinh chế như đường, bánh kẹo, bột tinh chế hoặc đã xay xát kỹ vì dễ gây ra tình trạng rối loạn dung nạp đường huyếtbệnh đái tháo đường. Nếu khẩu phần thiếu glucid, có thể dẫn đến sụt cân và mệt mỏi. Khẩu phần thiếu nhiều có thể dẫn tới hạ đường huyết hoặc toan hoá máu do tăng thể ceton trong máu. Nếu ăn quá nhiều glucid, lượng glucid thừa sẽ được chuyển hóa thành lipid tích trữ trong cơ thể gây nên dễ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

3.3.Nguồn thực phẩm

Các thức ăn có nguồn gốc thực vật là nguồn cung cấp glucid của khẩu phần. Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp glucid không đáng kể. Glucid trong thức ăn có nguồn gốc động vật là glycogen và lactose.

Các chất sinh năng lượng có vai trò quan trọng. Tùy thuộc vào sức khỏe, giới tính, độ tuổi... mà nhu cầu và các chất sinh năng lượng có sự thay đổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan