Chẩn đoán và điều trị viêm quanh cuống răng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm quanh cuống răng là bệnh lý về răng miệng phổ biến, gây đau và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Việc chẩn đoán và điều trị viêm cuống răng cần được triển khai sớm và đúng cách để tránh dẫn đến các biến chứng phức tạp khác.

1. Chẩn đoán bệnh viêm quanh cuống răng

1.1 Đối với viêm quanh cuống cấp

Chẩn đoán xác định

Các dấu hiệu lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm quanh cuống răng cấp:

  • Toàn thân: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, sốt cao ≥ 38 ̊C, kèm theo dấu hiệu nhiễm trùng như khô môi, lưỡi bẩn, có thể có phản ứng hạch ở khu vực dưới hàm hoặc dưới cằm.
  • Cơ năng: Xuất hiện cơn đau nhức răng với biểu hiện đau tự nhiên, liên tục, dữ dội, đau lan lên nửa đầu, mức độ tăng khi nhai, ít đáp ứng với thuốc giảm đau, bệnh nhân có thể tự xác định rõ vị trí răng đau. Ngoài ra, bệnh nhân viêm quanh cuống cấp còn có cảm giác trồi răng, răng đau trong khi cắn, ăn thức ăn, khiến cho bệnh nhân không dám nhai.
  • Các triệu chứng thực thể: Tương ứng với vị trí răng tổn thương thì vùng da bên ngoài bị sưng nề, đỏ, không rõ ranh giới, ấn vào thấy đau, có hạch tương ứng. Răng có thể đổi màu hoặc không đổi màu, khi khám thường thấy tổn thương do sâu răng chưa được hàn, hoặc răng đã được chữa trị, hoặc những tổn thương khác không do sâu. Ngoài ra, có thể có dấu hiệu răng bị lung lay rõ, thường độ 2 hoặc 3, gõ dọc răng thấy đau dữ dội so với gõ ngang. Niêm mạc ngách lợi bị sưng nề, đỏ, ấn đau, mô lỏng lẻo. Nếu tiến hành thử nghiệm tủy thì kết quả âm tính với thử điện và nhiệt do tủy đã bị hoại tử.

Một số dấu hiệu cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh viêm quanh cuống cấp:

  • X-quang: Có thể thu được hình ảnh mờ vùng cuống, ranh giới không rõ và có dấu hiệu dãn rộng dây chằng quanh cuống.
  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng, máu lắng tăng...

Chẩn đoán phân biệt

Viêm quanh cuống răng cần được chẩn đoán phân biệt với viêm tủy răng cấp:

Triệu chứng Viêm tủy cấp Viêm quanh cuống cấp
Dấu hiệu toàn thân Không có dấu hiệu toàn thân Bệnh nhân mệt mỏi, sốt cao, có phản ứng hạch vùng.
Đặc điểm cơn đau Đau tự nhiên, thành cơn, cơn đau hay xuất hiện về đêm, đau tăng khi nhai thức ăn. Đau tự nhiên, âm ỉ, liên tục,răng có hiểu hiện lung lay, chồi cao.
Gõ dọc Đau ít Đau nhiều
Thử tủy (+) Dương tính (-) Âm tính
Chụp X-quang Vùng cuống cho hình ảnh bình thường Có hình ảnh dãn rộng dây
chằng

1.2 Viêm quanh cuống bán cấp

Chẩn đoán xác định

Trên lâm sàng, tình trạng bệnh được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu:

  • Toàn thân: Bệnh nhân có cảm giác khó chịu, đau đầu, sốt nhẹ dưới 38 ̊C hoặc đôi khi không sốt.
  • Triệu chứng cơ năng: Đau âm ỉ, liên tục ở răng bị tổn thương, cảm giác răng chồi cao, cơn đau tăng khi hai hàm chạm nhau.
  • Triệu chứng thực thể bao gồm: Ngách lợi tương ứng tại vùng răng tổn thương sưng nề nhẹ, đỏ, đầy lên, ấn vào đau. Tuy nhiên, ít thấy sưng nề tại vùng da tương ứng bên ngoài, có thể có hạch nhỏ di động. Răng đổi màu xám hoặc không. Ngoài ra, viêm quanh cuống bán cấp gây ra tổn thương sâu răng ở các mặt răng, răng lung lay độ 1, 2, nếu gõ dọc sẽ thấy đau hơn so với gõ ngang. Thử nghiệm tủy cho kết quả âm tính.

Về mặt cận lâm sàng, trên bản chụp X-quang có thể thấy hình ảnh mờ vùng cuống, giãn nhẹ dây chằng vùng cuống.

Chẩn đoán phân biệt

Các dấu hiệu giúp chẩn đoán phân biệt với viêm quanh cuống cấp:

Triệu chứng Viêm quanh cuống cấp Viêm quanh cuống bán cấp
Dấu hiệu toàn thân Bệnh nhân mệt mỏi, sốt cao, có phản ứng hạch vùng. Bệnh nhân khó chịu, đau đầu, sốt nhẹ dưới 38˚C hoặc không có sốt.
Đặc điểm cơn đau Đau tự nhiên, âm ỉ, liên tục, biểu hiện răng lung lay, chồi cao. Đau âm ỉ, liên tục ở vị trí răng tổn thương, cảm giác răng chồi cao, đau tăng khi hai hàm chạm nhau.
Gõ dọc Đau nhiều Đau ít

1.3 Viêm quanh cuống mạn

Các dấu hiệu lâm sàng giúp xác định viêm quanh cuống mạn:

  • Cơ năng: Chỉ có tiền sử đau từ các đợt viêm tủy cấp, viêm quanh cuống cấp hoặc áp xe quanh cuống cấp tính.
  • Triệu chứng thực thể: Nhận thấy màu răng thay đổi, màu xám đục ở ngà răng có phần ánh qua lớp men. Vùng ngách lợi tương ứng quanh cuống răng có thể hơi sưng nề, có lỗ rò hoặc sẹo rò tại vùng cuống. Đôi khi lỗ rò không xuất hiện ở trong hốc miệng mà ở ngoài da hoặc nền mũi tùy vào vị trí nang và áp xe. Khi gõ răng, bệnh nhân không cảm thấy đau hoặc chỉ đau nhẹ ở vùng cuống răng. Ngoài ra, răng có thể lung lay khi xảy ra tiêu xương ổ răng. Thử nghiệm tủy cho kết quả âm tính.

Khi chụp X-quang để xem xét trên cận lâm sàng, nhận thấy:

  • Khi đưa gutta-percha qua lỗ rò trong miệng, bác sĩ có thể thấy hình ảnh nguồn gốc ổ mủ trên phim chụp X-quang.
  • Áp xe quanh cuống mạn tính: Hình ảnh tiêu xương không rõ ranh giới.
  • U hạt và nang: Khi thấy hình ảnh tiêu xương có ranh giới rõ.

Đối với viêm quanh cuống mạn, không thể chẩn đoán phân biệt chính xác các thể bệnh nếu không thực hiện sinh thiết.

Khi đã chẩn đoán chính xác thể bệnh, bác sĩ có thể quyết định lựa chọn cách chữa viêm cuống răng phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

cach-chua-viem-cuong-rang-1
Đối với viêm quanh cuống mạn, không thể chẩn đoán phân biệt chính xác các thể bệnh nếu không thực hiện sinh thiết

2. Cách điều trị viêm cuống răng

2.1 Nguyên tắc điều trị viêm cuống răng

  • Loại bỏ toàn bộ mô nhiễm khuẩn và hoại tử bên trong ống tủy.
  • Dẫn lưu tốt đối với mô viêm vùng cuống.
  • Hàn kín hệ thống ống tủy, tạo điều kiện tối ưu giúp mô cuống hồi phục.
  • Nếu tiên lượng điều trị nội nha không mang lại hiệu quả, nên chỉ định phẫu thuật cắt cuống răng cho bệnh nhân.

2.2 Phác đồ điều trị viêm quanh cuống răng

Những răng bị viêm quanh cuống cấp hoặc bán cấp: dẫn lưu buồng tủy. Sau đó dùng kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn yếm khí và Gram (-), kết hợp với giảm đau, nâng cao thể trạng để tiến hành điều trị nội nha.

3. Cách chữa viêm cuống răng cụ thể

3.1. Điều trị toàn thân

Đối với những thể bệnh đau (viêm quanh cuống cấp, áp xe quanh cuống cấp), phải tiến hành điều trị viêm cuống răng bằng kháng sinh toàn thân, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị áp xe quanh cuống cấp kèm theo viêm mô tế bào.

3.2. Điều trị nội nha

  • Tiến hành làm sạch và tạo hình hệ thống ống tủy.
  • Đặt Ca(OH)2 trong ống tủy, nhằm mục đích trung hòa mô viêm vùng cuống, sát khuẩn hệ thống ống tủy.
  • Hàn kín hệ thống ống tủy.
  • Thực hiện phục hồi thân răng.

3.3. Điều trị phẫu thuật

Điều trị viêm cuống răng bằng phẫu thuật được áp dụng trong các trường hợp:

  • Sau điều trị nội nha có tổn thương quanh cuống không thể phục hồi do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Sau khi răng nguyên nhân và các răng liên quan đã được điều trị nội nha, theo dõi nhưng tổn thương cuống không có tiến triển tốt, phải tiến hành điều trị phẫu thuật lấy đi toàn bộ lớp vỏ nang, trong đó có thể có hoặc không cắt phần cuống răng nguyên nhân. Nếu có cắt cuống răng thì bác sĩ phải tiến hành hàn ngược cuống răng.
cach-chua-viem-cuong-rang-2
Điều trị nội nha chữa viêm cuống răng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02257309888 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hải Phòng.

50.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan