Chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi

Chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng được thực hiện với các đối tượng là trẻ bị phơi nhiễm HIV (trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV), trẻ nghi ngờ bị nhiễm HIV hoặc có triệu chứng lâm sàng nghi nhiễm HIV và có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính.

1. Xét nghiệm chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng là làm gì?

  • Thực hiện xét nghiệm PCR để phát hiện acid nucleic của HIV (ARN/ADN) nhằm khẳng định nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 18 tháng tuổi;
  • Thời điểm xét nghiệm PCR đối với trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV ngay khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi, hoặc trong lần thăm khám đầu tiên tại cơ sở chăm sóc và điều trị HIV.

2. Quy trình thực hiện xét nghiệm chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh

xet-nghiem-mau-binh-thuong-co-phat-hien-ra-hiv-2
Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh cho trẻ bị phơi nhiễm là vô cùng quan trọng

2.1 Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh dưới 9 tháng tuổi bị phơi nhiễm

  • Lấy mẫu DBS làm xét nghiệm PCR lần 1 khi trẻ đủ 4-6 tuần tuổi hoặc ngay sau giai đoạn này càng sớm càng tốt;
  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR lần 1 dương tính thì bắt đầu điều trị ARV. Sau đó, làm lại xét nghiệm PCR trên các mẫu DBS còn lưu, hoặc lấy lại mẫu DBS để làm xét nghiệm PCR nếu cần - khi kết quả xét nghiệm PCR lần 1 dương tính và lần 2 âm tính;
  • Nếu kết quả xét nghiệm PCR lần 1 âm tính, để chẩn đoán HIV ở trẻ sơ sinh thì cần theo dõi 2 trường hợp sau:
    • Đối với trẻ chưa bao giờ bú mẹ, có khả năng trẻ không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, cần làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12 - 18 tháng tuổi để khẳng định;
    • Đối với trẻ đã từng bú mẹ hoặc hiện tại đang bú mẹ, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HIV, do đó cần theo dõi thêm:
      • Nếu trẻ có dấu hiệu hoặc triệu chứng nghi ngờ nhiễm HIV, tiến hành làm xét nghiệm PCR với trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV với trẻ ≥ 9 tháng tuổi và điều trị ARV ngay cho trẻ. Nếu kết quả PCR dương tính, cần lấy máu làm lại xét nghiệm PCR để khẳng định nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh. Trường hợp kết quả PCR âm tính thì làm lại xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi.
      • Còn nếu trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường thì làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng tuổi hoặc sau khi cai sữa. Với kết quả âm tính thì làm lại xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi để khẳng định và chẩn đoán nhiễm HIV ở trẻ em dưới 18 tháng. Với kết quả dương tính thì cần điều trị ngay cho trẻ bằng ARV nếu trẻ được chẩn đoán lâm sàng bệnh HIV/AIDS nặng, đồng thời làm xét nghiệm PCR.

2.2 Xét nghiệm HIV ở trẻ sơ sinh từ 9 - 18 tháng tuổi bị phơi nhiễm

  • Đối với trẻ phơi nhiễm HIV từ 9 đến 18 tháng tuổi và trẻ nghi ngờ nhiễm HIV dưới 18 tháng tuổi sẽ được chỉ định làm xét nghiệm sàng lọc kháng thể kháng HIV trước;
  • Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính thì cần điều trị ngay cho trẻ bằng ARV trong trường hợp trẻ được chẩn đoán lâm sàng bệnh HIV/AIDS nặng, đồng thời làm xét nghiệm PCR;
  • Nếu kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV âm tính thì làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV cho mẹ, nếu kết quả xét nghiệm của mẹ âm tính thì con không nhiễm HIV. Cần theo dõi 2 trường hợp sau:
    • Đối với trẻ chưa bao giờ bú mẹ thì trẻ không bị nhiễm HIV;
    • Đối với trẻ đã từng bú mẹ hoặc hiện tại đang bú mẹ, thì trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HIV, do đó, cần theo dõi trẻ:
      • Trường hợp trẻ có dấu hiện hoặc triệu chứng nghi ngờ nhiễm HIV, tiến hành làm xét nghiệm PCR nếu trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc xét nghiệm kháng thể kháng HIV. Nếu kết quả âm tính thì làm xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi để khẳng định chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng. Nếu kết quả dương tính thì điều trị ngay cho trẻ bằng ARV nếu trẻ được chẩn đoán lâm sàng bệnh HIV/AIDS nặng, đồng thời làm xét nghiệm PCR;
      • Trường hợp trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường, thì làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 9 tháng tuổi hoặc sau khi cai sữa. Nếu kết quả âm tính thì làm lại xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 12-18 tháng tuổi để khẳng định; nếu kết quả dương tính thì điều trị ngay cho trẻ bằng ARV nếu trẻ được chẩn đoán lâm sàng bệnh HIV/AIDS nặng, đồng thời làm xét nghiệm PCR.

3. Giải thích kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng

Đau bụng: Trường hợp nào nên đi khám?
Bác sĩ sẽ giải thích cho cha mẹ hiểu rõ quy trình xét nghiệm chẩn đoán HIV

  • Kết quả xét nghiệm PCR lần 1 âm tính:
    • Nếu trẻ không bú mẹ hoặc đã ngừng bú mẹ hoàn toàn 6 tuần trước khi làm xét nghiệm PCR thì trẻ có nhiều khả năng không nhiễm HIV, gia đình tiếp tục theo dõi. Để chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng cần làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV cho trẻ khi trẻ được 12 - 18 tháng tuổi. Nếu trẻ dưới 18 tháng tuổi và có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng HIV dương tính, cần làm xét nghiệm lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi;
    • Nếu trẻ đang bú mẹ hoặc ngừng bú mẹ chưa đủ 6 tuần thì trẻ có nhiều khả năng không nhiễm HIV, tuy nhiên trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm HIV qua sữa mẹ, do đó, gia đình cần tiếp tục theo dõi. Để chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng cần thực hiện lại xét nghiệm sau khi trẻ cai sữa mẹ hoàn toàn 6 tuần trước khi làm xét nghiệm PCR.
  • Kết quả xét nghiệm PCR lần 1 dương tính: Trẻ cần được lấy mẫu máu lần 2 để xét nghiệm khẳng định và cần điều trị ngay ARV cho trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần làm xét nghiệm HIV cho bố mẹ của trẻ nếu như họ chưa biết tình trạng HIV;
  • Kết quả xét nghiệm PCR lần 2 dương tính: khẳng định tình trạng nhiễm HIV của trẻ, do đó cần tiếp tục điều trị bằng ARV;
  • Kết quả xét nghiệm PCR lần 1 dương tính và lần 2 âm tính: chưa thể khẳng định, do đó cần tiếp tục theo dõi trẻ và làm xét nghiệm PCR lần 3 để xác định tình trạng nhiễm HIV;
  • Kết quả PCR cả lần 1 và lần 2 đều dương tính khẳng định trẻ nhiễm HIV. Vì vậy, không cần làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, mà thực hiện điều trị ARV liên tục lâu dài.

Chẩn đoán HIV ở trẻ em dưới 18 tháng giúp sớm phát hiện và điều trị HIV hiệu quả. Cha mẹ cần tìm hiểu rõ quy trình xét nghiệm chẩn đoán HIV để tuân thủ đầy đủ, giúp đem lại kết quả chính xác về tình trạng bệnh của con và có phương hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan