Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) được xếp vào top những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh đái tháo đường, cụ thể là đái tháo đường type 2 phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ. Khi bệnh có biểu hiện ra ngoài là đã đến giai đoạn nặng và một số người bệnh có thể bắt đầu xuất hiện biến chứng.
1. Bệnh đái tháo đường type 2 là gì?
Bệnh đái tháo đường type 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose máu do cả 2 lý do là khiếm khuyết về tiết insulin và về tác động của insulin.
Tăng glucose máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh và răng.
>> Xem thêm: Đặc điểm các thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2
2. Các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 2
2.1. Biến chứng cấp tính
Nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton: Là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa, vì tăng nồng độ axit, đây là sản phẩm của những chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tăng áp lực thẩm thấu
Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, đây là biến chứng nặng nhất và rất dễ tử vong đòi hỏi người bệnh cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
Hạ đường huyết: Xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3,6mmol/l. Nguyên nhân có thể là dùng quá liều thuốc hạ đường huyết, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu. Dấu hiệu là bệnh nhân đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê, thậm chí tử vong.
Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?
Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.2.2. Biến chứng mạn tính
- Biến chứng tim mạch: Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.
- Biến chứng thận: Bệnh tiểu đường gây ra các tổn thương mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người mắc tiểu đường hơn những người không mắc. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.
- Biến chứng thần kinh:
- Tổn thương dây thần kinh: Là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường.
- Bệnh đái tháo đường típ 2 có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao.
- Biểu hiện ở các chi: Tê bì, mất cảm giác hoặc rối loạn cảm giác, teo cơ, đau, thiểu dưỡng và loét do thiếu dinh dưỡng là nguy cơ của nhiễm trùng dẫn đến đoạn chi (cắt bỏ một phần của chi),...
- Tổn thương dây thần kinh sọ có thể gây sụp mi, lác trong, liệt mặt.
- Tổn thương thần kinh thực vật còn có thể gây nhồi máu cơ tim, liệt bàng quang, liệt dương, rối loạn tiêu hóa,...
- Biến chứng về thị giác: Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp tăng và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh lý võng mạc. Tình trạng này có thể được kiểm soát qua kiểm tra mắt thường xuyên, giữ ổn định mức glucose máu và huyết áp gần hoặc bình thường.
- Nguy cơ nhiễm trùng: Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể vì vậy rất dễ bị nhiễm trùng như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền,... Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị,...
- Các biến chứng trong thời kỳ mang thai:
- Glucose máu cao trong thai kỳ có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này dễ dẫn đến các tai biến sản khoa cho trẻ và mẹ; nguy cơ hạ đường huyết đột ngột ở trẻ sau sinh; trẻ bị phơi nhiễm glucose máu cao trong suốt thai kỳ có nguy cơ cao bị tiểu đường trong tương lai hơn các trẻ khác.
- Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều các cơ quan khác của cơ thể như: Xương, khớp, não bộ, suy giảm trí nhớ hay các bệnh về da,...
Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính kéo dài, người bệnh phải chung sống cả đời với bệnh. Mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ăn uống lành mạnh, tập luyện điều độ, khám sức khỏe định kỳ là 3 việc không bao giờ được quên đối với mỗi bệnh nhân đái tháo đường. Trong quá trình điều trị, người bệnh đái tháo đường không được tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sỹ, mua thuốc không rõ nguồn gốc để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cho người bệnh hoặc gây tổn thương chức năng gan, thân, thậm chí suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể nhưng bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát tích cực các bệnh cơ hội như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời biến chứng, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ bệnh nhân sẽ có thể hạn chế và cải thiện hiệu quả biến chứng để chung sống hòa bình với căn bệnh này.
Bên cạnh đó, khuyến cáo mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.
Theo thống kê, sau 10 năm, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng lên gấp 2 lần, từ gần 3% lên đến 5,4% dân số, đặc biệt là đái tháo đường típ 2. Việc khám sàng lọc tiểu đường sẽ giúp người bệnh cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân và có phương pháp can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.