Thuốc điều trị rung tâm nhĩ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh An - Bác sĩ Can thiệp tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Rung nhĩ là một bệnh lý rối loạn nhịp tim phổ biến. Sự hình thành cục máu đông trong buồng tim ở bệnh nhân rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, trong quá trình điều trị rung nhĩ, người bệnh cần được kiểm soát nhịp tim vừa dự phòng hình thành huyết khối. Vậy các thuốc điều trị rung nhĩ bao gồm những loại nào và chúng có tác dụng phụ gì?

1. Thời điểm và lý do phải dùng thuốc điều trị rung nhĩ

Đối với đa số bệnh nhân, thuốc điều trị rung nhĩ là biện pháp tốt nhất để điều trị bệnh lý này. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hình thành huyết khối (cục máu đông), kiểm soát nhịp tim và giảm nguy cơ đột quỵ. Nếu bệnh nhân trước đó không được điều trị trong một thời gian dài, bác sĩ có thể sử dụng thuốc điều trị rung nhĩ để nhịp tim của họ trở lại bình thường.

2. Thuốc chống đông máu

Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim của bệnh nhân không đều, do hai buồng tim trên (tâm nhĩ) mất khả năng co bóp bình thường, chỉ còn hoạt động rung. Do đó máu bị ứ đọng lại trong tâm nhĩ, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Từ đó các cục máu đông này di chuyển và gây tắc các động mạch ở xa, như: tắc động mạch não gây nhồi máu não (đột quỵ), tắc động cấp máu cho tim gây nhồi máu cơ tim,.... Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Cơ chế hoạt động là thuốc này ức chế cơ thể tạo ra các protein đóng vai trò trong việc hình thành cục máu đông. Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định loại thuốc này để là giảm nguy cơ đột quỵ. Trong đó, Warfarin là một lựa chọn phổ biến, bên cạnh đó còn có một số thuốc chống đông máu thế hệ mới (NOAC) như Dabigatran, Rivaroxaban, Edoxaban và Apixaban.

Tác dụng phụ và rủi ro khi sử dụng thuốc chống đông máu: Những thuốc điều trị rung nhĩ này có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ rất tốt. Nhưng mặt khác chúng làm tăng nguy cơ chảy máu từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nếu sử dụng warfarin, bệnh nhân cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo liều lượng và nồng độ thuốc trong cơ thể ở mức phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải theo dõi cẩn thận chế độ ăn uống của bản thân. Các thuốc NOAC có ưu điểm là không yêu cầu xét nghiệm máu thường xuyên nhưng không dùng được nếu bệnh nhân rung nhĩ kèm van tim cơ học.

thuốc điều trị rung nhĩ
Thuốc điều trị rung nhĩ giúp người bệnh ngăn ngừa được tình trạng đột quỵ

3. Thuốc chống kết tập tiểu cầu

Thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như aspirin và clopidogrel, cũng có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở bệnh nhân rung nhĩ. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn có thể phá vỡ một cục máu đông có sẵn. Tuy nhiên, thuốc chống kết tập tiểu cầu không mang lại hiệu quả cao như thuốc chống đông máu. Nhưng bác sĩ có thể chỉ định chúng như một thuốc điều trị rung nhĩ nếu bệnh nhân có chống chỉ định với các thuốc chống đông máu khác.

Tác dụng phụ và rủi ro: Những thuốc chống kết tập tiểu cầu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu ghi nhận tình trạng có máu trong phân, chảy máu chân răng, lượng kinh nguyệt nhiều bất thường, mệt mỏi hoặc chóng mặt, người bệnh hãy thông báo với bác sĩ ngay lập tức. Thuốc aspirin có thể mua mà không cần kê đơn, nhưng người bệnh không nên sử dụng liều lượng cao hơn chỉ định của bác sĩ.

4. Thuốc ức chế beta (beta blocker)

Trong quá trình điều trị rung nhĩ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế Beta để giúp đưa về tần số tim bình thường của bệnh nhân. Beta Blocker còn có tác dụng điều trị tăng huyết áp bằng cách làm tim đập chậm lại nếu nó đập quá nhanh. Các thuốc của nhóm này bao gồm atenolol, bisoprolol, carvedilol, metoprolol, nadolol, propranolol và timolol.

Tác dụng phụ: Bởi vì thuốc ức chế Beta làm chậm nhịp tim nên có thể giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn về tổng thể. Nhưng chúng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như huyết áp thấp, mất ngủ, lạnh tay chân, các triệu chứng khó thở do hen suyễn hoặc rối loạn cương dương ở nam giới. Ngoài ra, loại thuốc này còn có thể khiến người dùng cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản. Những trường hợp phụ nữ đang mang thai hoặc mong muốn có thai cần thông báo với bác sĩ khi đang sử dụng thuốc ức chế beta.

5. Thuốc ức chế kênh canxi

Những thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế kênh canxi, chẳng hạn như diltiazem và verapamil, có tác dụng giãn mạch và kiểm soát nhịp tim, giúp tim không làm việc quá sức. Các tế bào cơ tim và động mạch trong cơ thể sử dụng ion canxi để co bóp mạnh hơn. Thuốc chẹn kênh canxi hoạt động bằng cách ngăn chặn dòng chảy của canxi vào các tế bào cơ tim, từ đó làm chậm nhịp tim quá nhanh ở bệnh nhân rung nhĩ. Thuốc điều trị rung nhĩ này có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng nhịp tim không đều, hạ huyết áp và giảm bớt đau ngực.

Tác dụng phụ: Thuốc ức chế kênh canxi có thể gây táo bón, chóng mặt, đau đầu, phù mắt cá hoặc bàn chân. Ở bệnh nhân huyết áp thấp hoặc suy tim, thuốc chẹn kênh canxi có thể không phải là lựa chọn tốt để điều trị rung nhĩ.

6. Digoxin

Digoxin bản chất là một glycosid trợ tim, có tác dụng làm chậm nhịp tim của người bệnh. Rung nhĩ khiến tim nhận cùng lúc nhiều thành phần máu khác nhau mỗi khi đập, điều này đồng nghĩa lượng máu đi nuôi khắp cơ thể có nồng độ oxy không đồng đều. Digoxin cải thiện cách tim của bệnh nhân rung nhĩ nhận máu đầy đủ hơn ở thì tâm trương, từ đó làm giảm các triệu chứng như chóng mặt hoặc choáng váng. Bên cạnh đó, digoxin có thể tăng khả năng lưu thông máu và cải thiện phù mắt cá chân hoặc phù tay.

Tác dụng phụ của Digoxin: Thuốc Digoxin có thể giúp tăng co bóp cơ tim và nhịp tim ổn định hơn. Nhưng loại thuốc điều trị rung nhĩ này vẫn có thể gây nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, nôn ói, ngất xỉu và tim đập nhanh. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để kiểm soát nhịp tim người bệnh rung nhĩ trước khi kê đơn digoxin. Loại thuốc này có thể sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác.

điều trị rung nhĩ
Digoxin là một trong những loại thuốc điều trị rung nhĩ trong Y học

7. Các thuốc chống loạn nhịp tim

Sau khi chỉ định các thuốc kiểm soát nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác để duy trì nhịp tim ổn định. Tim của con người sử dụng các tín hiệu điện để điều khiển khả năng co bóp. Thuốc chẹn kênh natri, chống loạn nhịp, chẳng hạn như flecainide, propafenone và quinidine, làm chậm quá trình dòng điện dẫn truyền trong tế bào cơ tim. Một loại thuốc chống loạn nhịp bằng cơ chế chẹn kênh kali, chẳng hạn như amiodarone, sotalol và dofetilide, làm chậm các tín hiệu điện dẫn đến rung nhĩ.

Tác dụng phụ: thuốc chống loạn nhịp không mang lại hiệu quả cho tất cả bệnh nhân rung nhĩ và mặt khác có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Chúng có thể gây ra một rối loạn nhịp mới hoặc làm cho tình trạng loạn nhịp hiện tại tồi tệ hơn. Những rủi ro này làm bác sĩ có thể chỉ kê đơn nhóm thuốc này để điều trị rung nhĩ nghiêm trọng hoặc khi các loại thuốc khác không có tác dụng. Đồng thời, bác sĩ cần có kế hoạch theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong quá trình sử dụng thuốc điều trị rung nhĩ này.

8. Những điểm mới trong điều trị rung nhĩ

Các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại thuốc chống đông máu mới, vừa có thể ngăn ngừa đột quỵ vừa yêu cầu xét nghiệm máu ít hơn. Trong số đó, thuốc ức chế yếu tố đông máu Xa hoặc thrombin đường uống, có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông tốt hơn hoặc ít gây ra tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, một số thuốc ức chế huyết khối có thể có ít nguy cơ chảy máu hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng tìm ra các loại thuốc điều trị nguyên nhân rung nhĩ thay vì chỉ điều trị các triệu chứng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

976 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan