Sốc tim: Các giai đoạn, biến chứng và cách phòng ngừa

Sốc tim không chỉ là tình trạng tim mạch cực kỳ nghiêm trọng mà còn là một tình huống khẩn cấp, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Hiểu rõ tình trạng sốc tim sẽ giúp người bệnh nhận biết và xử lý kịp thời khi gặp phải, đồng thời là bước đầu tiên trong việc phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tim mạch cho bản thân cũng như gia đình.

1. Sốc tim là gì?

Sốc tim là tình trạng tim mạch nghiêm trọng xảy ra khi tim không thể cung cấp đủ máu giàu oxy cho cơ thể. Thiếu oxy khiến các cơ quan bị hư hại, có thể gây tử vong. Phần lớn các trường hợp, tình trạng xảy ra do bệnh nhân bị đau tim hoặc suy tim.

Sốc tim phát triển qua nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng:

  • Có nguy cơ (A - At risk): Giai đoạn này không có dấu hiệu sốc nhưng nguy cơ cao do các vấn đề tim mạch như đau tim hoặc suy tim.
  • Bắt đầu (B - Beginning): Huyết áp và nhịp tim bắt đầu thay đổi.
  • Kinh điển (C - Classic): Cần sử dụng thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan.
  • Sốc tim tiến triển (D - Deteriorating): Thuốc và thiết bị hỗ trợ không còn hiệu quả, tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng.
  • Giai đoạn cuối (E): Ngừng tim, đòi hỏi can thiệp cấp cứu như CPR, thông khí nhân tạo và máy khử rung tim.
Sốc tim là tình trạng tim mạch nghiêm trọng cần điều trị kịp thời
Sốc tim là tình trạng tim mạch nghiêm trọng cần điều trị kịp thời

2. Triệu chứng và biến chứng của sốc tim

2.1. Triệu chứng

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để đề phòng những biến chứng nghiêm trọng cũng như giảm thiểu nguy cơ tử vong:

  • Đau ngực kéo dài hơn một vài phút hoặc biến mất và tái phát
  • Đau hoặc khó chịu ở phần trên cơ thể và/hoặc xuống cánh tay trái
  • Đau ở vùng bụng trên, cổ họng hoặc hàm
  • Khó thở
  • Đổ mồ hôi hoặc “mồ hôi lạnh”
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Cảm thấy rất yếu, choáng váng và/hoặc lo lắng
Triệu chứng của sốc tim giống một cơn đau tim, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở và mệt mỏi
Triệu chứng của sốc tim giống một cơn đau tim, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở và mệt mỏi

Các triệu chứng khác liên quan đến sốc tim có thể bao gồm:

  • Lú lẫn hoặc không tỉnh táo
  • Ngất xỉu
  • Huyết áp rất thấp
  • Mạch yếu
  • Khó thở
  • Đi tiểu ít hơn bình thường
  • Tay chân lạnh
  • Da nhợt nhạt
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Chướng bụng và phù chân
  • Mất cảm giác thèm ăn

2.2. Biến chứng

Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng:

  • Tổn thương các cơ quan như não, gan và thận
  • Tim ngừng đập
  • Đột quỵ
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tử vong

3. Nguyên nhân gây sốc tim

Đau tim là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sốc tim, một tình trạng y khoa cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này, buồng bơm chính của tim - tâm thất trái - có thể bị hỏng, làm giảm khả năng cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể. Đôi khi, tình trạng này xảy ra do tổn thương tâm thất phải, phần chịu trách nhiệm bơm máu đến phổi để oxy hóa.

Ngoài đau tim, có một số tình trạng khác cũng có thể dẫn đến sốc tim gồm:

  • Tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim
  • Viêm cơ tim
  • Viêm nội mạc tim và van tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn)
  • Rối loạn nhịp tim
  • Quá nhiều dịch (hoặc máu) bao quanh tim (chèn ép tim)
  • Thuyên tắc động mạch phổi
  • Vấn đề về van tim
  • Tổn thương vách ngăn giữa các tâm thất
  • Suy tim
  • Chấn thương ngực

Những tình trạng này đều ảnh hưởng đến khả năng làm việc của tim, từ đó gây ra bệnh.

4. Xử lý và phòng ngừa tình trạng sốc tim

4.1. Xử lý tình huống

Sốc tim là tình trạng nguy hiểm tính mạng cần được điều trị cấp cứu bởi nhân viên y tế. Khi phát hiện triệu chứng sốc tim, hành động nhanh chóng là cần thiết:

  • Gọi cấp cứu
  • Những điều trị ban đầu tại phòng cấp cứu hoặc đơn vị chăm sóc tích cực bao gồm:
  • Thuốc tiêm truyền đường tĩnh mạch để loại bỏ dịch dư thừa, cải thiện tưới máu và hỗ trợ chức năng tim
  • Liệu pháp oxy phù hợp với mức độ bệnh
Khi phát hiện triệu chứng sốc tim, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng
Khi phát hiện triệu chứng sốc tim, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng

4.2. Biện pháp phòng ngừa

Phòng ngừa là chìa khóa quan trọng trong việc giảm nguy cơ sốc tim:

  • Kiểm soát huyết áp và cholesterol
  • Quản lý bệnh tiểu đường hiệu quả
  • Tránh sử dụng thuốc lá và các sản phẩm có chứa chất kích thích
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn
  • Ăn uống cân đối, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Sốc tim là một tình trạng y khoa cấp tính cần được nhận biết và xử lý kịp thời. Việc hiểu rõ về các giai đoạn, triệu chứng và biến chứng của bệnh cùng với các biện pháp phòng ngừa và xử lý khẩn cấp có thể là chìa khóa cứu mạng trong nhiều trường hợp. Hãy luôn lưu ý đến sức khỏe của bạn và những người xung quanh để có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả khi gặp tình huống nguy kịch.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan