Sự thay đổi của cơ thể khi bị sốc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi cơ thể bị sốc thì ngay lập tức các cơ chế còn bù được hoạt hóa nhằm đáp ứng với tình trạng giảm tưới máu mô. Tuy nhiên, khi cơ chế này không còn khả năng bù lại được nhu cầu của cơ thể sẽ gây ra những dấu hiệu nặng của sốc. Can thiệp điều trị sớm có thể giúp người bệnh hồi phục, nhưng nếu không điều trị dẫn tới rối loạn chức năng các cơ quan và tử vong.

1. Sốc là gì?

  • Sốc là tình trạng suy giảm chức năng tuần hoàn, từ đó dẫn tới giảm tưới máu của mô sống với kết quả là gây rối loạn chức năng tế bào, suy đa tạng và dẫn tới tử vong.
  • Sốc được chia làm 4 nhóm chính:

Sốc được chia làm 4 nhóm
  • Sốc giảm thể tích tuần hoàn: Là tình trạng cơ thể bị mất một khối lượng tuần hoàn lớn mà chưa được bù đúng và kịp thời. Nguyên nhân dẫn tới giảm thể tích trong lòng mạch có thể do xuất huyết (chấn thương, xuất huyết đường tiêu hóa, băng huyết vỡ u máu...) và không xuất huyết (tiêu chảy, nôn, mất nước qua thận do dùng thuốc lợi tiểu, bỏng...).
  • Sốc tim: Sốc do tim là tình trạng sốc do bệnh lý tại tim, dẫn tới giảm khả năng bơm máu của tim từ đó gây ra giảm cung lượng tim. Nguyên nhân có thể do bệnh lý gồm bệnh lý cơ tim (nhồi máu cơ tim, thiểu năng vành, bệnh cơ tim giãn, suy tim, viêm cơ tim...), rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh kịch phát trên thất, block nhĩ thất hoàn toàn...) và do bệnh lý tại van (suy van động mạch chủ nặng, hở van cấp tính...).
  • Sốc phản vệ: Là tình trạng sốc khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, có thể là thức ăn, thuốc...Là tình trạng phản ứng dị ứng nặng với các tác nhân gây dị ứng và có thể dẫn tới tử vong.
  • Sốc nhiễm khuẩn: Đây là kết quả của sự suy chức năng các cơ quan do mất khả năng điều chỉnh của cơ thể đáp ứng với nhiễm trùng. Có thể gặp do các vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu, Klebsiella... gây ra. Tình trạng này gây ra sự rối loạn phân bố oxy và máu cho cơ thể do giãn mạch ngoại vi.
Biến chứng của sốc phản vệ
Sốc phản vệ là tình trạng sốc khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, có thể là thức ăn, thuốc

Khi có tình trạng sốc xảy ra thì gây ra giảm tưới máu và giảm cung cấp oxy hoặc các tế bào sử dụng oxy không hợp lý cho quá trình trao đổi chất hiếu khí, các tế bào chuyển sang chuyển hóa yếm khí với sự gia tăng sản xuất ra khí CO2 và tăng lượng lactate trong máu. Chức năng tế bào giảm và nếu không được điều trị sốc còn kéo dài, tổn thương tế bào không phục hồi và tử vong.

2. Cơ thể thay đổi như thế nào khi bị sốc?

Cơ thể thay đổi theo từng giai đoạn của sốc:

  • Giai đoạn đầu: Hay còn gọi là giai đoạn còn bù, cơ thể có những cơ chế bù trừ với sự giảm tưới máu mô cơ quan. Khi nhận thấy sự thiếu máu cơ quan và giảm cung cấp oxy cho cơ quan cơ thể đáp ứng bằng việc phóng thích các catecholamine, tăng hoạt động của hệ thống renin-angiotensin, hoạt hóa hệ thần kinh giao cảm gây ra co mạch máu chọn lọc, các shunt máu tới tim và não, tăng co bóp cơ tim nhằm nâng huyết áp. Tăng phóng thích glucocorticoid và mineralocorticoid để tăng lượng glucose trong máu, việc tăng glucose máu có thể gây ra áp lực lên ty thể không hoạt động, gây ra sự sản xuất lactate. Do không đủ nguồn oxy nên cơ thể sẽ chuyển sang chuyển hóa yếm khí, làm tăng tạo ra acid lactic. Do có cơ chế bù trừ nên trong giai đoạn sớm của sốc thì bệnh nhân có thể không biểu hiện rõ các triệu chứng, huyết áp chưa giảm. Tuy nhiên nhịp tim nhanh, thay đổi nhẹ huyết áp động mạch, hoặc tăng lactate máu mức độ nhẹ đến trung bình là những biểu hiện sớm của sốc.
  • Giai đoạn sốc: Tình trạng này xảy ra khi cơ chế bù trừ của cơ thể bị quá tải và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng. Biểu hiện tại giai đoạn này gồm các triệu chứng như nhịp tim nhanh, nhỏ khó bắt, khó thở, kích động vật vã, vã mồ hôi, nhiễm toan máu do tăng acid lactic, tụt huyết áp, tiểu ít, da lạnh và ẩm.
  • Giai đoạn rối loạn chức năng cơ quan: Đây là giai đoạn cuối của sốc, biểu hiện sự rối loạn chức năng tiến triển của ít nhất 2 cơ quan, hậu quả là đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi xảy ra tình trạng này có thể ảnh hưởng và dẫn tới nhiều dấu hiệu trên các cơ quan như:

+ Phổi: Tăng tính thấm của màng dẫn đến tình trạng tràn dịch trong phế nang, nặng có thể kháng lại với liệu pháp thở O2 gây suy hô hấp;

+ Thận: Giảm lượng máu tới thận dẫn tới hoại tử ống thận cấp, suy thận gây ra vô niệu và tăng nồng độ creatinin trong máu;

+ Tim: Giảm máu tới mạch vành, giảm co bóp cơ tim, giảm cung lượng tim, tụt huyết áp có thể gây rối loạn nhịp. Tạo thành vòng xoắn bệnh lý;

+ Tình trạng biểu hiện trên các cơ quan và kèm theo tăng lactate máu nặng, kháng lại các biện pháp điều trị dẫn tới hôn mê. Tử vọng hay xảy ra trong giai đoạn này của shock.

Nhịp tim nhanh
Giai đoạn sốc gồm các triệu chứng như nhịp tim nhanh, nhỏ khó bắt, khó thở, kích động vật vã, vã mồ hôi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

470 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan