Ngăn ngừa suy tim sau nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có nhiều biến chứng nặng nề như rối loạn nhịp tim, thủng vách liên thất, suy tim...thậm chí là tử vong. Việc dự phòng bệnh lý này, cũng như ngăn ngừa và điều trị các biến chứng, trong đó có suy tim sau nhồi máu cơ tim là một vấn đề cần được chú trọng nhằm cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân.

1. Nhồi máu cơ tim là gì ?

Nhồi máu cơ tim thuộc hội chứng động mạch vành cấp, xảy ra khi có cục máu đông hay bất cứ nguyên nhân nào khác có thể làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch vành, động mạch có chức năng cung cấp máu và nuôi dưỡng cho tim.

2. Tình trạng suy tim sau nhồi máu cơ tim

Suy tim sau nhồi máu cơ tim là một biến chứng khá thường gặp. Biến chứng này thường xảy ra ở 14% -36% bệnh nhân nhập viện có nhồi máu cơ tim, đặc biệt với vùng tổn thương rộng.

2.1. Cơ chế hình thành suy tim sau nhồi máu cơ tim

  • Sau nhồi máu cơ tim, sẽ có một hoặc nhiều vùng nhỏ hoặc lớn cơ tim bị tổn thương, lúc này suy tim sẽ xảy ra dựa vào cách phản ứng của các cơ tim không bị tổn thương.
  • Các cơ tim khỏe mạnh sẽ bắt đầu căng giãn để to hơn nhằm bù trừ công việc bơm máu cho các phần cơ tim tổn thương sau nhồi máu. Dần dần, sẽ hình thành quá trình tái cấu trúc cơ tim mà kết quả là gây phì đại cơ tim.
  • Các cơ tim phì đại sẽ tiếp tục co bóp để bù trừ cho các cơ tim bị tổn thương. Ban đầu, các cơ tim phì đại nãy vẫn giữ được sự đàn hồi tốt, tuy nhiên việc hoạt động quá mức trong thời gian dài sẽ làm cơ tim yếu dần, mất tính đàn hồi và mềm nhũn. Cuối cùng, khi cả các cơ tim khỏe mạnh bị yếu đi, biến chứng suy tim sẽ xảy ra.

2.2. Chẩn đoán suy tim sau nhồi máu cơ tim

  • Việc chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy tim dựa theo phân độ của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA).
  • Các dấu ấn sinh hóa có thể hữu ích để đánh giá bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim như BNP và NT ‐ proBNP.
  • Chụp X quang ngực cũng hữu ích để phát hiện các dấu hiệu như bóng tim lớn.
  • Siêu âm tim là phương pháp phổ biến nhất để xác định mức độ rối loạn chức năng thất sau nhồi máu cơ tim và để loại trừ các biến chứng cơ học.
  • Các phương pháp ít phổ biến hơn bao gồm chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT), chụp cắt lớp vi tính (CT – scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI).

2.3. Điều trị suy tim sau nhồi máu cơ tim

Giai đoạn suy tim cấp

  • Bổ sung oxy bằng ống thông mũi hoặc mặt nạ là cần thiết để giải quyết tình trạng giảm oxy máu ở những bệnh nhân suy tim nhẹ (Killip loại 2) sau nhồi máu cơ tim.
  • Nitrat truyền tĩnh mạch, chủ yếu là Nitroglycerin, rất hữu ích trong việc giảm tải trước và giảm các triệu chứng suy tim sau nhồi máu cơ tim.
  • Trong các tình huống giảm tưới máu mô xảy ra mà không gây sốc tim, thuốc tăng co bóp như Dopamine, Dobutamine và Levosimendan có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ lệ sống sót chưa được ghi nhận.
  • Khuyến cáo sử dụng thuốc chống co giật bằng bóng đối xung động mạch chủ (IABP) trong trường hợp sốc tim, khi không thể hồi phục nhanh chóng bằng liệu pháp dược lý.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) được điều trị sớm (tức là trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi khởi phát triệu chứng của nhồi máu cơ tim) có thể làm tăng tối đa tác dụng cho bệnh nhân.

Giai đoạn suy tim mạn

Thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin-II (ARB) đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự tái cấu trúc thất trái và giảm tỷ lệ tử vong sau nhồi máu cơ tim.

  • Thuốc chẹn beta: Làm giảm tiêu thụ oxy của cơ tim bằng cách giảm nhịp tim, giảm hậu gánh và co bóp cơ tim, có vai trò quan trọng trong việc giảm loạn nhịp thất và thậm chí có thể làm giảm kích thước ổ nhồi máu. Điều trị lâu dài với thuốc chẹn beta sau nhồi máu cơ tim làm giảm nguy cơ tái biến chứng và tử vong khoảng 20% ​​-25% sau trung bình 2 năm, đồng thời làm giảm nguy cơ nhập viện khoảng 40% ở bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên, việc sử dụng sớm trong 24 giờ đầu sau nhồi máu cơ tim có liên quan đến tỷ lệ sốc tim và tử vong cao hơn ở bệnh nhân suy tim. Các thuốc thường dùng như Carvedilol, Nebivolol, Bisoprolol, Metoprolol succinate, Atenolol, Propranolol...
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, giảm tái phát suy tim. Các thuốc thường dùng như Captopril, Enalapril, Lisinopril, Ramipril, Trandolapril... Đối với những bệnh nhân không dung nạp thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) như Valsartan, Losartan... là một phương pháp điều trị thay thế, tuy nhiên phải đề phòng các chống chỉ định của hai loại thuốc này như suy thận.
  • Liệu pháp hạ lipid máu: Statin như có tác dụng chống viêm, tình trạng được cho là có vai trò trong sinh lý bệnh của suy tim. Trên thực tế, 10 mg Rosuvastatin mỗi ngày ở bệnh nhân suy tim tâm thu do thiếu máu cục bộ, giảm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ cho thấy độ hiệu quả.
  • Máy khử rung tim cấy ghép: Bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái, hay suy tim sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim gây tử vong cao. Do đó, máy khử rung tim cấy ghép được khuyến cáo để ngăn ngừa đột tử do tim chủ yếu ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim ít nhất 40 ngày sau nhồi máu, với phân suất tống máu thấp hơn 35% và NYHA độ II.

3. Ngăn ngừa suy tim sau nhồi máu cơ tim

Ngoài các biện pháp điều trị, việc dự phòng suy tim sau nhồi máu cũng đóng một phần hết sức quan trọng để duy trì sức khỏe tim mạch.

  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng tốc độ phát triển của xơ vữa động mạch do làm tăng mức độ Cholesterol xấu (LDL) và giảm mức độ Cholesterol tốt (HDL) trong máu. Nó cũng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng xu hướng hình thành cục máu đông.
  • Cải thiện chế độ ăn uống: Lựa chọn các thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, dầu thực vật không nhiệt đới và các loại hạt. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, đồ ngọt và nước ngọt.
  • Luyện tập thể dục: Tham gia hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bỏ ra ít nhất 150 phút mỗi tuần hoạt động thể chất với cường độ vừa phải có thể giúp giảm huyết áp và Cholesterol, cũng như giảm cân.
  • Giảm cân đang thừa cân hoặc béo phì: Béo phì có nguy cơ bị Cholesterol cao, huyết áp cao và kháng insulin, tiền thân của đái tháo đường type 2.
  • Hạ huyết áp: Chỉ số huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg. Có thể đạt được điều này bằng cách uống thuốc huyết áp theo quy định, tập thể dục và giảm lượng muối ăn vào.
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường.
  • Giảm căng thẳng, lo lắng...
  • Hạn chế rượu bia.
  • Chăm sóc răng miệng: Các nghiên cứu cho thấy bệnh nướu răng (viêm lợi) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ do lượng vi khuẩn cao ở những vùng bị nhiễm trùng trong miệng.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch.

Suy tim nói riêng và các biến chứng khác nói chung là những vấn đề nghiêm trọng và nguy hiểm có thể xảy ra sau nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân và cả nhân viên y tế cần tìm hiểu các thông tin về các dấu hiệu, chẩn đoán, cách điều trị và dự phòng các biến chứng này để có thể nâng cao được hiệu quả chữa bệnh, đồng thời bảo vệ được sức khỏe tim mạch cho chính bản thân.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

647 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan