Bị rối loạn nhịp tim dùng thuốc gì?

Thuốc trị rối loạn nhịp tim là thuốc hỗ trợ điều trị các bất thường về nhịp tim, bao gồm: quá nhanh, quá chậm hoặc không đều, bỏ nhịp, lúc đập nhanh lúc chậm. Bệnh rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong nhiều hoàn cảnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, chính vì thế, việc tìm hiểu về các loại thuốc trị rối loạn nhịp tim là rất cần thiết.

1. Bệnh rối loạn nhịp tim là gì?

Nhịp tim bình thường ở người trưởng thành thường dao động từ 60 đến 90 nhịp mỗi phút, và giá trị này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của người đó.

Khi mắc bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh nhân sẽ có biểu hiện nhịp tim không đều, không ổn định và có sự thay đổi đáng kể so với nhịp tim bình thường. Trên lâm sàng, có thể xác định các loại rối loạn nhịp tim, bao gồm:

● Nhịp tim nhanh: Khi tần số tim tăng lên trên 100 nhịp mỗi phút.

● Nhịp tim chậm: Khi tần số tim giảm xuống dưới 60 nhịp mỗi phút.

● Nhịp tim đập không đều: Khi nhịp tim thất thường và không đồng đều, có thể xen kẽ giữa nhịp nhanh và nhịp chậm.

Các rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, sốt, mất máu nhiều, hoặc do việc tập luyện quá mức. Ngoài ra, các vấn đề bệnh lý như suy tim, nhồi máu cơ tim, cường giáp, hẹp van tim cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc rối loạn nhịp tim theo hướng dẫn cụ thể.

2. Thuốc trị rối loạn nhịp tim

Người bệnh mắc bệnh rối loạn nhịp tim cần sử dụng thuốc gì? Việc lựa chọn loại thuốc trị rối loạn nhịp tim sẽ phụ thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh lý. Dựa trên cơ chế tác động của thuốc và mục tiêu điều trị chính, thuốc trị rối loạn nhịp tim sẽ có bốn nhóm chính, bao gồm: nhóm thuốc chống loạn nhịp, thuốc chẹn kênh Canxi, thuốc chẹn beta và nhóm thuốc chống đông máu.

Có 4 nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim chính
Có 4 nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim chính

2.1 Thuốc chống loạn nhịp tim

Dưới đây là các loại thuốc thuộc nhóm chống loạn nhịp tim, ổn định nhịp tim, có tác dụng ức chế kênh vận chuyển Natri để làm chậm tần số tim và giúp ổn định nhịp tim. Loại thuốc này được chia thành ba phân nhóm nhỏ với cơ chế tác động cụ thể:

● Nhóm IA: Các thuốc trong nhóm này ức chế kênh Natri và gây kéo dài thời gian điện thế hoạt động. Chúng làm chậm tốc độ dẫn truyền và giảm tự động tính mô dẫn truyền phụ thuộc vào kênh Na. Những thuốc này giúp ổn định nhịp tim, đặc biệt ở những người bệnh có nhịp nhanh thất và rối loạn nhịp nhanh trên thất. Ví dụ về một số loại thuốc trong nhóm IA bao gồm: quinidine, disopyramide và procainamide.

● Nhóm IB: Cơ chế tác động của thuốc nhóm IB là rút ngắn nhẹ thời gian điện thế hoạt động. Chúng có tác dụng rõ rệt đối với loạn nhịp thất hơn loạn nhịp trên thất. Một số ví dụ về thuốc chống loạn nhịp tim thuộc nhóm IB là mexiletine, lidocaine và phenytoin.

● Nhóm IC: Các thuốc chống loạn nhịp tim thuộc nhóm IC không tác động đến thời gian điện thế hoạt động. Nhóm IC thường được chỉ định cho rối loạn nhịp nhanh trên thất. Các ví dụ về thuốc trong nhóm IC bao gồm propafenone và flecainide.

2.2 Thuốc chẹn kênh canxi

● Thuốc chẹn kênh canxi (còn gọi là thuốc đối kháng canxi) là các loại thuốc ức chế sự di chuyển của canxi vào cơ tim và mạch máu, dẫn đến nhịp tim chậm lại, có tác dụng giãn mạch và làm giảm sự dẫn truyền xung điện. Loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim và dùng trong việc kiểm soát tăng huyết áp.

● Hầu hết các thuốc chẹn kênh canxi có dạng viên nén nên rất tiện lợi cho việc sử dụng. Các thuốc trị rối loạn nhịp tim thuộc nhóm chẹn kênh canxi bao gồm: amlodipine, nicardipine, nifedipine...

● Khi sử dụng thuốc chẹn kênh canxi, người bệnh có thể trải qua các tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, táo bón, phát ban, phù chân, hoặc sưng bàn chân. Nếu những dấu hiệu này xuất hiện và kéo dài trong một thời gian dài, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

2.3 Thuốc chẹn kênh beta

● Nhóm thuốc chẹn kênh beta giúp làm giảm nhịp tim và cung lượng tim, đồng thời giảm áp lực máu bằng cách ngăn chặn tác động của chất adrenalin, một chất có hoạt tính làm co mạch và tăng nhịp tim.

● Các thuốc chẹn beta có tác dụng làm chậm nhịp tim và đang được sử dụng rộng rãi hiện nay. Một số ví dụ về các thuốc chẹn kênh beta bao gồm Acebutolol (biệt dược Sectral), Metoprolol (biệt dược Betaloc - ZOK, Toprol), Atenolol (biệt dược Tenormin), Propranolol (biệt dược Inderal), và Bisoprolol (biệt dược Concor)...

● Các tác dụng không mong muốn thường gặp ở nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim này bao gồm mệt mỏi, đau đầu, và rối loạn tiêu hoá như táo bón, tiêu chảy, hoặc làm chậm nhịp tim quá mức.

2.4 Thuốc chống đông máu

● Thuốc chống đông máu có tác dụng làm loãng máu, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể của người bệnh.

● Mục đích chính của việc sử dụng thuốc chống đông máu không phải là để ổn định nhịp tim, mà để giảm nguy cơ đông máu, đặc biệt trong việc ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh mắc rối loạn nhịp tim thường được chỉ định sử dụng thuốc chống đông này kết hợp với các loại thuốc trị rối loạn nhịp tim khác.

● Một số ví dụ về các thuốc chống đông bao gồm: thuốc warfarin, aspirin hoặc các loại thuốc được kê đơn khác...

● Tuy nhiên, khi sử dụng không đúng cách, các loại thuốc chống đông máu có nguy cơ gây ra tình trạng chảy máu quá mức. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng như bầm tím, khó đông máu, chảy máu chân răng, người bệnh cần đến thăm bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim

Trong quá trình sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim, người bệnh cần tuân thủ các quy tắc về sử dụng thuốc và lưu ý các hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm thuốc, nhằm kiểm soát tốt nhịp tim và tránh những biến chứng nguy hiểm, đảm bảo đạt được hiệu quả tối đa trong việc điều trị bệnh.

Bệnh nhân cần lưu ý các hướng dẫn cụ thể của từng nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim
Bệnh nhân cần lưu ý các hướng dẫn cụ thể của từng nhóm thuốc trị rối loạn nhịp tim

3.1 Lưu ý khi dùng thuốc ổn định nhịp tim

● Tuân thủ chỉ định và lời khuyên của bác sĩ vô cùng quan trọng. Điều này bao gồm việc uống thuốc đúng liều, đúng giờ và luôn mang theo thuốc phòng ngừng trong mọi tình huống.

● Tuyệt đối không tự ý ngừng uống thuốc ổn định nhịp tim khi bạn cảm thấy triệu chứng bệnh đã cải thiện. Không tự ý kết hợp các loại thuốc mà không có sự chỉ định cụ thể từ bác sĩ.

● Khi trẻ em mắc rối loạn nhịp tim, người thân cần đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng thuốc của trẻ. Trẻ em thường nhạy cảm hơn đối với tác dụng phụ của thuốc và việc không tuân thủ liều dùng có thể gây ra vấn đề.

● Hầu hết các loại thuốc, bao gồm cả thuốc trị rối loạn nhịp tim đều có tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, tác động này có thể khác nhau tùy thuốc và người bệnh, thường không nghiêm trọng và có thể biến mất khi thay đổi liều hoặc ngừng thuốc. Vì vậy, rất cần thiết phải theo dõi tình hình sức khoẻ mỗi ngày.

● Nếu bạn thấy bất kỳ biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng nghiêm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức để được tư vấn và điều trị.

● Ngoài việc sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim, người bệnh có thể được tư vấn sử dụng các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược thiên nhiên để ổn định nhịp tim và cải thiện sức khỏe tim. Các sản phẩm này có thể sử dụng an toàn và duy trì lâu dài.

● Hãy duy trì một lối sống lành mạnh bằng việc tập luyện đều đặn và duy trì chế độ ăn uống cân đối để giúp kiểm soát và ổn định nhịp tim. Tập thể dục hàng ngày, quản lý cảm xúc, không căng thẳng và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tim mạch.

3.2 Lưu ý khi dùng nhóm thuốc ức chế Natri

● Người bệnh cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm này vì đôi khi thuốc có thể làm tình trạng bệnh rối loạn nhịp nhanh trên thất trở nên nặng hơn. Các thuốc thuộc nhóm IA cũng có thể gây giảm sức bóp của cơ tim.

● Các tác dụng không mong muốn của thuốc nhóm ức chế kênh natri có khả năng gặp nhiều hơn ở nhóm người bệnh có bệnh lý tim mạn tính, do vậy không khuyến cáo sử thuốc nhóm IA ở những đối tượng người bệnh này. Thuốc ưu tiên dùng ở người bệnh không có bệnh tim mạn tính.

3.3 Lưu ý khi dùng thuốc chẹn kênh Canxi

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng các loại thuốc chẹn kênh canxi, người bệnh cần tuân theo các hướng dẫn sau:

● Uống thuốc chặn kênh canxi ổn định nhịp tim sau bữa ăn hoặc có thể sử dụng chung với sữa để bảo vệ niêm mạc dạ dày.

● Tránh uống thuốc cùng với bưởi hoặc nước ép bưởi, vì chúng có thể làm thay đổi tác dụng dược lý của thuốc. Hãy đợi ít nhất bốn tiếng sau khi uống thuốc trước khi tiêu thụ bưởi.

● Hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu, bia và thuốc lá, vì chúng có thể tăng tác dụng không mong muốn của thuốc và gây suy giảm sức khỏe.

● Hãy thận trọng với tương tác thuốc, đặc biệt là với các nhóm thuốc như thuốc lợi tiểu, corticoid, thuốc chứa canxi hoặc vitamin D. Người bệnh mắc rối loạn nhịp tim nên tham khảo ý kiến của bác sĩ tim mạch trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào kể cả trong trường hợp tương tác.

3.4 Lưu ý khi dùng thuốc chẹn kênh beta

● Nhóm thuốc chẹn beta có thể gây co thắt phế quản và do đó không nên sử dụng cho người bệnh có tiền sử bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

● Người bệnh không được ngừng sử dụng các thuốc chẹn beta một cách đột ngột. Thay vào đó, cần giảm dần liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm tăng huyết áp hoặc làm các triệu chứng rối loạn nhịp tim và cơn đau thắt ngực trở nên nghiêm trọng hơn.

Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim
Tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim

Khi sử dụng thuốc trị rối loạn nhịp tim, lựa chọn thuốc cụ thể phụ thuộc vào các dấu hiệu bệnh, phân loại bệnh, và nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim. Người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc phù hợp với tình trạng của họ. Trên đây là các nhóm thuốc điều rối loạn nhịp tim và một số lưu ý quan trọng để đảm bảo hiệu quả kiểm soát nhịp tim tối ưu và an toàn.

Nếu bạn cảm thấy còn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia tim mạch để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan