Nguyên nhân rò miệng nối trong phẫu thuật tiêu hóa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Rò miệng nối là một trong những biến chứng có thể gặp sau một phẫu thuật nối hai tạng rỗng ở đường tiêu hóa. Đây cũng là một trong những biến chứng đáng sợ trong phẫu thuật tiêu hóa, hệ quả của rò miệng nối dẫn tới dịch từ đường tiêu hóa rò ra ngoài, kéo dài thời gian chăm sóc sau phẫu thuật.

1. Rò miệng nối là gì?

Rò miệng nối là tình trạng một sự rò dịch từ một phẫu thuật nối hai tạng rỗng. Tình trạng này có thể dẫn đến phải phẫu thuật cấp cứu lại, làm kéo dài thời gian hậu phẫu, có nguy cơ để lại biến chứng, tăng chi phí điều trị.

Dò miệng nối trong phẫu thuật tiêu hóa có thể dẫn đến biến chứng thường gặp bao gồm: Gây ra rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng và nhiễm khuẩn.

  • Rối loạn điện giải xác định bằng việc theo dõi khí máu động mạch và nồng độ điện giải trong huyết tương trong vòng 48 giờ đầu. Những chất điện giải thường bị rối loạn bao gồm Natri, Kali, Magie và Phosphate trong những trường hợp nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn.
  • Nhiễm khuẩn: Khi rò miệng nối dịch đường tiêu hoá ra ngoài khoang phúc mạc sẽ gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc hoặc có thể hình thành các ổ áp xe.
  • Suy dinh dưỡng thường liên quan cung lượng dò và tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu tái diễn tình trạng nhiễm khuẩn thường xuyên thì không thể cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng.

Những tác hại của rò miệng nối sau khi phẫu thuật tiêu hóa:

  • Người bệnh có nguy cơ phải phẫu thuật lại một lần nữa
  • Biến chứng này làm tăng nguy cơ tử vong sau mổ
  • Người bệnh phải nằm viện lâu hơn, thời gian phục hồi kéo dài
  • Do đó làm tăng chi phí điều trị bệnh
Nhiễm trùng vết mổ nông
Dò miệng nối trong phẫu thuật tiêu hóa có thể dẫn đến nhiều biến chứng

2. Nguyên nhân gây rò miệng nối

Rò miệng nối có thể gặp trong các phẫu thuật ở đường tiêu hoá như: Phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, cắt đoạn ruột, điều trị hẹp eo thực quản bẩm sinh, phẫu thuật điều trị ruột đôi bẩm sinh...Nhưng tỷ lệ bệnh nhân bị rò miệng nối thường gặp ở những phẫu thuật bệnh lý dạ dày, ruột non do đặc điểm giải phẫu, sinh lý và bệnh lý của đoạn này.

Ở những bệnh nhân mổ nối teo thực quản bẩm sinh theo nghiên cứu thì rò miệng nối có thể xảy ra vào khoảng 15 – 20% tổng số bệnh nhân, tuy vậy lỗ rò thường nhỏ có thể tự liền được và xảy ra sớm trong vòng 48 giờ đầu.

Những nguyên nhân và yếu tố liên quan gây ra rò miệng nối bao gồm:

  • Rò miệng miệng nối là biến chứng thường xảy ra khi bệnh nhân không được chuẩn bị tốt, phẫu thuật cấp cứu, hoặc bệnh nhân được xạ trị trước đó, tình trạng bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý tim phổi, tiểu đường mãn tính.
  • Vị trí phẫu thuật, phẫu thuật ở vị trí tá tràng, dạ dày thì nguy cơ rò cao, do áp lực dịch dạ dày, dịch tụy cao.
  • Tình trạng dinh dưỡng kém, cơ thể suy kiệt đóng vai trò chính trong việc miệng nối tiêu hóa không lành, lâu lành.
  • Người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng sau phẫu thuật, có hiện tượng hình thành các ổ áp xe...
  • Tình trạng thiếu máu cục bộ ở miệng nối do mạch máu bị thắt hay do kỹ thuật khâu nối.
  • Kỹ thuật, kinh nghiệm khâu nối hai phần đường tiêu hoá của người thực hiện cũng rất quan trọng. Khâu nối không tốt làm miệng nối không khép kín.
Rò miệng nối
Rò miệng nối có thể gặp trong các phẫu thuật ở đường tiêu hoá

3. Dấu hiệu lâm sàng của rò miệng nối

Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng rò miệng nối sau phẫu thuật:

  • Bệnh nhân sau phẫu thuật xuất hiện đau bụng, điểm đau không rõ, khám thấy có phản ứng phúc mạc, co cứng thành bụng.
  • Xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng: Bệnh nhân sốt nhẹ đến sốt cao, kèm theo môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi, mạch nhanh.
  • Các biểu hiện có thể xuất hiện sớm trong 48 giờ đầu nhưng hay gặp hơn là khoảng từ 5-6 ngày sau mổ.
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy nhiễm khuẩn như bạch cầu trung tính tăng cao, CRP tăng, máu lắng tăng.

Mức độ biểu hiện triệu chứng còn tùy thuộc cả vào mức độ rò dịch, thể trạng người bệnh.

4. Điều trị rò miệng nối

Khi phát hiện tình trạng rò miệng nối, cần đánh giá được tình trạng mức độ nặng nhẹ, một số vị trí khó lành tự nhiên được như do ở dạ dày, tá tràng, hồi tràng...

Đối với rò miệng nối mức độ nhẹ thì vị trí rò có thể tự liền lại được nên việc điều trị bao gồm:

  • Người bệnh cần nhịn ăn
  • Truyền dịch
  • Sử dụng thuốc kháng sinh
  • Bổ sung chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, truyền máu nếu cần.
  • Trường hợp điều trị nội khoa mà vị trí rò không tự liền được cần tiến hành phẫu thuật.

Đối với mức độ nặng:

  • Cần phải phẫu thuật lại
  • Lau rửa sạch khoang phúc mạc
  • Trường hợp hình thành ổ áp xe cần tiến hành dẫn lưu ổ áp xe
  • Kiểm tra lại vị trí khâu và xử trí vị trí rò dịch
Rò miệng nối
Mức độ biểu hiện triệu chứng còn tùy thuộc cả vào mức độ rò dịch

Rò miệng nối là một biến chứng hay gặp trong một số phẫu thuật tiêu hoá, nhất là những trường hợp phẫu thuật tiêu hoá cần điều trị cấp cứu có sự nối hai đầu của phần nào đó trong đường tiêu hoá. Ngoài ra kỹ thuật khâu nối của người phẫu thuật cũng là yếu tố làm tăng giảm tỷ lệ rò miệng nối.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan