Hậu quả nếu uống thuốc dạ dày không đầy đủ

Viêm loét dạ dày là bệnh lý phổ biến nhất của đường tiêu hoá. Việc điều trị các bệnh lý dạ dày tuy đơn giản nhưng cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị. Nếu uống thuốc dạ dày không đầy đủ và thậm chí là tự ý uống các loại thuốc gây đau dạ dày sẽ càng làm cho bệnh nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

1. Tác hại của uống thuốc dạ dày không đầy đủ

Việc uống thuốc dạ dày không đầy đủ thể hiện qua 3 khía cạnh là: Tự dừng thuốc, uống thuốc không đúng loại và tự ý thay đổi thuốc:

  • Tự dừng thuốc: Một số bệnh nhân bị đau dạ dày nhưng khi uống thuốc dạ dày được 3 – 5 ngày thì hết đau, hết nôn ói, cảm thấy khỏe hơn nên tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều. Việc dùng thuốc nửa vời như vậy sẽ gây ra một phản xạ ngược như làm tăng tiết axit dịch vị nhiều hơn. Hiểu 1 cách đơn giản, nếu đang uống thuốc dạ dày theo đà khỏi bệnh mà tự ý dừng thuốc đột ngột thì các tế bào thành đồng loạt sẽ tăng tiết axit. Hậu quả là tiết ra nhiều axit hơn. Việc điều trị không đủ liều và không tuân thủ phác đồ điều trị sẽ làm cho bệnh dạ dày tái phát nặng, kém đáp ứng điều trị hơn, dẫn đến loét dạ dày.
  • Uống thuốc không đúng loại: Viêm loét dạ dày sẽ được điều trị đặc hiệu bằng thuốc ức chế tiết axit. Việc uống thuốc không đúng loại không những không giảm tiết axit mà còn gây hại thêm cho dạ dày.
  • Tự ý thay đổi thuốc: Điều trị viêm loét dạ dày cần tuân thủ liệu trình (đúng thuốc, đủ thuốc, đủ ngày), nếu người bệnh tự ý thay đổi thuốc sang loại khác thì có thể làm bệnh đau dạ dày vốn đang gần khỏi sẽ tái phát trở lại, hoặc trở thành viêm mạn tính và diễn tiến thành ung thư dạ dày.
thuốc gây đau dạ dày
Diclofenac là một trong các loại thuốc gây đau dạ dày

2. Các thuốc gây đau dạ dày

Hiện nay, có nhiều loại thuốc gây đau dạ dày được bán rộng rãi trên thị trường. Mỗi loại thuốc có chỉ định điều trị riêng biệt. Nếu không được sự cho phép của bác sĩ mà tự ý uống thuốc thì sẽ làm tình trạng viêm loét dạ dày ngày càng trầm trọng hơn, có thể gây ra thủng dạ dày hoặc ung thư dạ dày.

Các thuốc gây đau dạ dày chủ yếu theo 2 cơ chế chính là: Trực tiếp kích ứng gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm giảm sự sản xuất chất nhầy (vốn có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày) hoặc gây tăng tiết axit dịch vị, tạo điều kiện cho axit và pepsin dịch vị bào mòn niêm mạc. Thuốc gây đau dạ dày nếu dùng đường tiêm sẽ gây hại dạ dày theo cơ chế giảm sản xuất chất nhầy hoặc gây tăng tiết axit dịch vị. Nếu dùng đường uống sẽ gây loét dạ dày theo cả 2 cơ chế.

Có 2 nhóm thuốc phổ biến có tác dụng phụ gây đau dạ dày là corticoid và thuốc kháng viêm không steroid.

2.1 Thuốc Corticoid

Các dạng thuốc Corticoid bao gồm: Cortisol, Hydrocortisone, Prednisone, Prednisolone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone, Triamcinolon... có tác dụng trực tiếp và gián tiếp làm tăng tiết axit và pepsin dịch vị, giảm tổng hợp prostaglandin E1, E2, đồng thời giảm sản xuất chất nhầy có vai trò trong việc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Corticoid có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày, thường xảy ra khi dùng thuốc liều cao hoặc kéo dài.

uống thuốc dạ dày
Nếu uống thuốc dạ dày không đầy đủ sẽ càng làm cho bệnh nghiêm trọng hơn

2.2 Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có khả năng ức chế COX1, làm giảm sản xuất chất nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng. Khi lượng chất nhày giảm xuống thì axit dịch vị trong dạ dày sẽ bào mòn và phá hủy niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày. Đặc biệt, các thuốc NSAID đều có đặc tính chung là dẫn chất axit có độ hòa tan kém, trong môi trường axit của vị dạ dày sẽ càng khó tan hơn, tích tụ trong dạ dày lâu hơn, trực tiếp kích thích niêm mạc và gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.

Các loại thuốc NSAID được bán rộng rãi trên thị trường như:

  • Aspirin: Là thuốc trong nhóm dẫn xuất của acid salicylic thường dùng nhất. Aspirin có tác dụng giảm đau hạ sốt rất tốt nên được nhiều người sử dụng khi bị sốt cao, đau răng, nhức đầu, đau nhức người, viêm thấp khớp cấp và mạn. Ngoài ra, aspirin còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, ức chế quá trình hình thành cục máu đông nên được sử dụng phổ biến trong bệnh thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, aspirin lại là thuốc có khả năng rất cao gây ra viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí là thủng dạ dày và xuất huyết đường tiêu hoá.
  • Ibuprofen, thường kết hợp với paracetamol, là thành phần của nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt như antidol, alaxan, có tác dụng làm giảm cơn đau một cách nhanh chóng do ức chế quá trình tổng hợp và phóng thích prostaglandin. Tuy nhiên, Ibuprofen thường gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (5 - 15% người dùng ibuprofen) như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, nặng hơn là viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hoá.
  • Diclofenac (diclofen, voltaren): Là thuốc kháng viêm, giảm đau thường dùng để điều trị đau lưng, thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm đa khớp, ... Diclofenac cũng là một trong các loại thuốc gây đau dạ dày.
  • Indomethacin: Có tác dụng giảm đau kháng viêm, được dùng để điều trị đau lưng, viêm khớp mạn tính, viêm dây thần kinh,... Lạm dụng thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, viêm ruột, rối loạn đông máu.
  • Thuốc meloxicam (mobic, camrox, M-cam), tenoxicam (tilcotil), piroxicam (fendene) được dùng trong điều trị thoái hóa khớp, viêm cột sống cứng khớp, viêm xương khớp... Tuy tác dụng phụ ít xảy ra hơn nhưng vẫn có nguy cơ cao gây loét dạ dày tá tràng và xuất huyết đường tiêu hóa nếu bị lạm dụng hoặc dùng liều cao kéo dài.

Tóm lại, việc sử dụng thuốc điều trị đau dạ dày hay các thuốc thông thường nếu không theo chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ thì sẽ rất dễ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan