Điều trị nội khoa hội chứng ruột ngắn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng ruột ngắn là tình trạng rối loạn giảm hấp thu mà nguyên nhân phổ biến cho việc cắt ruột rộng rãi là xoắn ruột, bệnh Crohn, nhồi máu mạc treo, viêm đại tràng phóng xạ, ung thư và bất thường bẩm sinh. Điều trị nội khoa hội chứng ruột ngắn thường nuôi dưỡng ngoài ruột, cho ăn qua miệng đồng thời sử dụng các loại thuốc kèm theo.

1. Hội chứng ruột ngắn là gì?

Hội chứng ruột ngắn được định nghĩa không phải dựa trên chiều dài của đoạn ruột bị cắt bỏ mà chủ yếu dựa trên chiều dài đoạn ruột còn lại của cơ thể. Theo đó, một người bệnh bị hội chứng ruột ngắn khi chiều dài của đoạn ruột này là không quá 120cm.

Hội chứng ruột ngắn ở trẻ em hay người lớn đều là tình trạng rối loạn giảm hấp thu với nguyên nhân phổ biến cho việc cắt ruột rộng rãi là xoắn ruột, bệnh Crohn, viêm đại tràng phóng xạ, nhồi máu mạc treo, ung thư và bất thường bẩm sinh.

Hỗng tràng chính là nơi hấp thu và tiêu hóa hầu hết các chất dinh dưỡng. Nếu cắt bỏ hỗng tràng sẽ dẫn tới mất vùng hấp thu và làm giảm đáng kể sự hấp thu chất dinh dưỡng. Để đáp ứng nhu cầu, hôi tràng bắt đầu thích nghi dần bằng cách tăng chiều dài và chức năng hấp thu của lông tơ, dẫn tới việc cải thiện dần dần sự hấp thu chất dinh dưỡng.

Hồi tràng là nơi chứa vitamin B12 và hấp thu acid mật. Tiêu chảy nặng và mất acid mật gây ra khi ruột non bị cắt bỏ nhiều hơn 100cm. Đặc biệt, không có sự thích ứng bù của phần hỗng tràng còn lại, do vậy giảm hấp thu chất béo, vitamin tan trong chất béo và vitamin B12 xảy ra. Ngoài ra, acid mật không hấp thu trong đại tràng gây tiêu chảy dạng tiết.

2. Hội chứng ruột ngắn gây ra những hậu quả gì?

Khi đoạn ruột bị cắt đi một số lượng lớn chiều dài sẽ dẫn tới những hậu quả sau:

  • Tiêu chảy: Số lượng phân đi nhiều lần trong một ngày, do chiều dài của đoạn ruột quá ngắn nên mặc dù với nhu động ruột bình thường cũng đã làm thức ăn đi qua nhanh. Bên cạnh đó, do quá trình tái hấp thu nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên tình trạng tiêu chảy sẽ xảy ra thường xuyên. Cơ thể người bệnh sẽ luôn trong tình trạng mất nước mãn tính.
  • Đi ngoài phân sống, mỡ: những chất chứa trong thức ăn đều chưa kịp tiêu hóa dẫn tới tình trạng đi phân sống, trong đó sự hiện diện của chất mỡ là rõ nét nhất. Trên thực tế lâm sàng, người bệnh thường có biểu hiện phân láng bóng.
  • Hội chứng kém hấp thu: đây chính là hậu quả của đi ngoài phân lỏng sẽ dẫn tới tình trạng ruột giảm hấp thu những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
  • Hội chứng suy dinh dưỡng: là hậu quả sau cùng mà người bệnh phải chịu nếu như không có biện pháp điều trị thích hợp.
Hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh

3. Điều trị nội khoa hội chứng ruột ngắn

Điều trị hội chứng ruột ngắn có nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào tình trạng người bệnh. Trong đó, điều trị nội khoa hội chứng ruột ngắn bao gồm những biện pháp sau:

  • Chế độ ăn: người bệnh cần chia nhỏ thành nhiều bữa ăn.
  • Thành phần thức ăn: đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất protid, lipid và glucid là những năng lượng cần thiết cho cơ thể.
  • Loại thức ăn: người bệnh cần ăn thức ăn nghiền nát, lỏng để dễ hấp thu.
  • Bù dịch và các chất điện giải cũng như những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch. Dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch là trị liệu quan trọng nhất trong chăm sóc điều trị hội chứng ruột ngắn, được khởi đầu bằng công thức chuẩn, truyền dịch trong thời gian 24 giờ mỗi ngày trên cơ sở điều trị nội trú. Cần truyền đủ lượng dịch cần thiết mỗi ngày với thời gian tiêm truyền ngày càng ngắn hơn trước khi cho bệnh nhân xuất viện. Phương pháp này gọi là truyền theo chu kỳ và giúp người bệnh được giải phóng khỏi máy bơm dung dịch ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày.
  • Điều trị và ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng: Điều trị đặc hiệu bằng thuốc cho hội chứng ruột ngắn chủ yếu hướng đến mục tiêu làm giảm tăng tiết dịch dạ dày và tiêu chảy.
    • Tăng tiết dịch dạ dày có thể được điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc kháng histamin h2 (H2) trong giai đoạn sớm sau phẫu thuật. Đối với đa số các bệnh nhân, tình trạng tăng tiết dịch dạ dày đủ nặng để gây nên những vấn đề về lâm sàng thường tự giới hạn.
    • Tiêu chảy là một trong những vấn đề gây nhiều hậu quả hơn. Khi người bệnh không được ăn uống gì có thể dùng codeine 60mg tiêm bắp mỗi 4 giờ.
    • Khi bệnh nhân đã ăn uống lại được, sử dụng Imodium (4-5 mg mỗi 6 giờ) hoặc lomotil (2,5-5 mg ngày 4 lần).
    • Đối với những trường hợp người bệnh kháng trị, có thể sử dụng cồn á phiện với liều dùng từ 5-10 ml mỗi 4 giờ.

Tóm lại, hội chứng ruột ngắn là tình trạng rối loạn giảm hấp thu mà nguyên nhân phổ biến cho việc cắt ruột rộng rãi là xoắn ruột, bệnh Crohn, nhồi máu mạc treo, viêm đại tràng phóng xạ, ung thư và bất thường bẩm sinh. Ngoài việc sử dụng thuốc thì trong điều trị nội khoa hội chứng ruột ngắn quan trọng nhất là bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, qua nhiều con đường khác nhau tùy thuộc vào tình trạng người bệnh. Vì vậy, khi có những dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa cần phải thông báo ngay với nhân viên y tế để được can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

84 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan