Chẩn đoán và điều trị sỏi trong gan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Với kinh nghiệm 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi – Nội tiêu hóa, Bác sĩ Đồng Xuân Hà thực hiện thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và can thiệp điều trị.

Sỏi trong gan hay còn gọi là sỏi đường mật trong gan, bệnh có triệu chứng rất mơ hồ, những biến chứng nguy hiểm, có thể gây nhiều di chứng nặng nề đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

1. Triệu chứng sỏi trong gan

Triệu chứng sỏi trong gan rất đa dạng, không phải ai mắc bệnh cũng có biểu hiện giống nhau. Nếu như đa số trường hợp sỏi túi mật không gây triệu chứng thì sỏi gan lại hoàn toàn ngược lại.

Ngay từ giai đoạn mới chớm khi sỏi nhỏ, người bệnh đã có thể nhận thấy một vài triệu chứng như khó tiêu sau khi ăn, đầy bụng, đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải. Những dấu hiệu này thường không rõ ràng, đôi khi gây nhầm lẫn với bệnh dạ dày.

Khi sỏi gan di chuyển, các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng hơn. Thông thường, có thể nhận thấy 3 triệu chứng điển hình sau:

  • Cơn đau quặn sườn phải: Cơn đau nằm ở góc 1/4 bên phải thường khởi phát đột ngột sau khi ăn nhiều dầu mỡ hoặc đau vào ban đêm khiến cho người bệnh mất ngủ. Cơn đau có thể lan đến vai phải và sau lưng gây nhiều khó chịu.
  • Sốt nóng và rét run: Đây là dấu hiệu thường xuất hiện khi có nhiễm khuẩn đường mật. Người bệnh có thể sốt nhẹ, sốt âm ỉ hoặc sốt cao lên đến 39 – 40 độ C.
  • Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu: Những biểu hiện này thường gặp khi tắc mật, nếu có dấu hiệu này thì cần nhanh chóng khám và điều trị sớm.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như chán ăn, sợ mỡ, gầy sút cân.

2. Chẩn đoán sỏi trong gan

Chẩn đoán sỏi trong gan như sau:

  • Lâm sàng

Bệnh nhân thường có hội chứng nhiễm trùng với sốt, đau bụng trên, có khi vàng da, tam chứng Charcot chiếm tỉ lệ không cao.

Sỏi trong gan không triệu chứng được phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh như chụp CT Scan, siêu âm...

Tiền sử bệnh nhân đã phẫu thuật lấy sỏi mật hay thủ thuật can thiệp đường mật

Có thể phát hiện sỏi trong gan qua siêu âm
Có thể phát hiện sỏi trong gan qua siêu âm
  • Sinh hóa

Chức năng thận: BUN, Creatine...

Chức năng gan: TQ, ALT, AST, GGT, Alcaline phosphatase, Bilirubine...

Công thức máu: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

Các yếu tổ viêm, nhiễm trùng: Múa lắng, CRP, pro Calcitonin..

  • Hình ảnh học

Đây là yếu tố có tính quyết định trong chẩn đoán.

  • Siêu âm: cho hình ảnh Sỏi trong gan với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cùng với hình ảnh vị trí sỏi, đường mật dãn, song việc xác định áp xe gan, xơ gan, hẹp đường mật, ung thư đường mật... độ nhạy và độ đặc hiệu không cao.
  • MRCP (Magnetic Resonance Cholangiopancreatography - Chụp cộng hưởng từ đường mật): Chẩn đoán chính xác sỏi trong gan, xác định được xơ gan, tổn hẹp đường mật, áp xe và ung thư đường mật. Thường chỉ định MRCP với trường hợp khó, cần khảo sát đường mật đi kèm, đã phẫu thuật nhiều lần.

3. Điều trị sỏi trong gan

Sỏi trong gan nhỏ hơn 5mm thường không chỉ định phẫu thuật
Sỏi trong gan nhỏ hơn 5mm thường không chỉ định phẫu thuật

Mức độ nguy hiểm của bệnh sỏi gan phụ thuộc rất nhiều vào cách người bệnh kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Tùy theo trường hợp bệnh mà bác sỹ chỉ định điều trị Tây y với phương pháp khác nhau, có thể kết hợp Đông y.

Khi được chẩn đoán sỏi gan, nếu sỏi dưới 5mm thì người bệnh sẽ được tiến hành giai đoạn điều trị duy trì để đợi sỏi di chuyển xuống đường mật ngoài gan, sau đó sẽ tiến hành lấy sỏi bằng các phương pháp khác.

Tuy nhiên, nếu sỏi lớn hơn 5mm hoặc gây biến chứng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật.

  • Nội soi tán sỏi xuyên qua da

Đây là phương pháp điều trị nội khoa phổ biến nhất hiện nay, áp dụng tại các bệnh viện lớn để lấy sỏi trong gan. Bác sĩ tạo 1 đường hầm đủ rộng qua thành bụng tới ống mật chủ và nhu mô gan để đưa dụng cụ nội soi vào tán sỏi.

  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Với những trường hợp sỏi có cả trong ống mật chủ và gan, sử dụng phương pháp ERCP sẽ giúp kéo sỏi xuống tá tràng và làm giảm áp lực trong hệ thống đường mật, từ đó giúp sỏi gan dễ tụt xuống ống mật chủ và loại bỏ dễ dàng hơn.

  • Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi

Mổ hở lấy sỏi được áp dụng khi sỏi quá nhiều, thành dải trong ống gan, không thể nội soi được. Tuy nhiên, nếu người bệnh có bệnh tim mạch hoặc rối loạn đông máu thì không áp dụng phương pháp này được.

  • Phẫu thuật cắt một phần gan

Phẫu thuật này áp dụng cho khoảng 15% trường hợp sỏi gan, là những người có sỏi trong một ống thùy gan, gây teo, tắc nghẽn và viêm mạn tính. Giải pháp cuối cùng này sẽ được chỉ định khi tất cả các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả, hoặc khi sỏi nằm sâu trong nhu mô gan.

Hiện nay, Vinmec đã áp dụng phương pháp phẫu thuật đường mật điều trị sỏi gan với tỉ lệ thành công đạt trên 98%. Phương pháp được thực hiện an toàn với dàn máy phẫu thuật nội soi hiện đại bậc nhất và bác sỹ thực hiện giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan