Chẩn đoán và điều trị hẹp môn vị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh hẹp môn vị, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế hay bệnh viện để sớm chẩn đoán và điều trị của các y bác sĩ. Bởi chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

1. Chẩn đoán hẹp môn vị dạ dày

1.1. Chẩn đoán xác định

  • Dấu chứng cơ năng: đau bụng vùng thượng vị, nôn ra thức ăn cũ, ậm ạch, đầy bụng khó tiêu, phải móc họng để nôn, nôn xong dễ chịu.
  • Triệu chứng thực thể: dấu hiệu lắc óc ách bụng đói (+), dấu hiệu Bouveret (+)
  • Triệu chứng X quang: Chụp Xquang dạ dày có bảyte có hình ảnh tuyết rơi, dạ dày hình chậu, ba mức, sau 6 giờ dạ dày vẫn còn baryte ứ đọng.

1.2. Chẩn đoán phân biệt

- Bệnh co thắt tâm vị:

  • Biểu hiện nghẹn đặc, sặc lỏng.
  • X quang: Thực quản phía trên dãn to, dưới chít hẹp giống hình củ cải, hình bít tất, không có túi hơi dạ dày.
  • Nội soi thấy ứ đọng thức ăn trong thực quản. Thực quản giãn to, tâm vị chít hẹp, co thắt liên tục nhưng niêm mạc mềm mại. Khi soi phải chờ cơ tâm vị mở ra mới đưa ống soi xuống dạ dày được.

- Hẹp tá tràng:

  • Trên bóng Vater: triệu chứng giống như hẹp môn vị.
  • Dưới bóng Vater: Nôn nhiều, nôn ra dịch mật vàng; toàn thân suy sụp nhanh, X quang xác định được chỗ hẹp, trên đó là tá tràng giãn rộng, nội soi xác định rõ vị trí hẹp và tổn thương gây hẹp. Sinh thiết có thể xác định loại thương tổn.

- Viêm teo vùng hang vị: Chẩn đoán dựa vào nội soi: Vùng hang vị xơ teo, co nhỏ; X quang dạ dày có bảyte: có hình ảnh hang vị co nhỏ, gấp khúc.

- Hẹp phì đại cơ môn vị: Xuất hiện ở trẻ sơ sinh, sau vài tuần bình thường xuất hiện nôn nhiều dẫn đến rối loạn toàn thân; X quang: Môn vị kéo dài như sợi chỉ, trên là dạ dày dãn to.

- Tắc ruột cao: chủ yếu đau, nôn nhiều; X quang: Mức hơi, mức nước vùng trên rốn.

Ngoài ra, cần phân biệ với một số bệnh khác như viêm túi mật, bệnh lý tụy, bệnh lý nguyên nhân thần kinh...

Chẩn đoán hẹp môn vị
Hẹp môn vị

2. Điều trị hẹp môn vị dạ dày

Tùy nguyên nhân hẹp môn vị cơ năng hay thực thể mà có phương pháp điều trị khác nhau. Hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa. Hẹp môn vị do nguyên nhân thực thể thường cần dùng đến phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến là mổ hở và nội soi.

2.1 Nội soi làm nở môn vị

Đôi khi môn vị có thể được nới ra mà không cần phẫu thuật bằng cách đặt bong bóng. Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một ống dẫn có bong bóng ở đầu vào dạ dày thông qua đường miệng. Bong bóng sau đó được bơm lên và kéo dãn môn vị để môn vị mở ra. Cả trẻ em và người lớn thường sẽ hồi phục tốt sau khi phẫu thuật.

2.2 Mổ hở

Mổ hở là để mổ cơ môn vị, cắt bỏ phần môn vị bị phù và dày. Phẫu thuật mở môn vị hoặc làm giãn môn vị thường có kết quả tốt.

3. Các bước tiến hành phẫu thuật mổ cơ môn vị

Chẩn đoán hẹp môn vị
Sau khi đã xác định được hẹp môn vị thực thể, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

Sau khi đã xác định được hẹp môn vị thực thể, tức là phải phải điều trị ngoại khoa, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật giúp bệnh nhân giải quyết tình trạng hẹp và có thể đồng thời chữa triệt căn.

Nếu bệnh nhân đến viện sớm để phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, tình trạng toàn thân cho phép, chuẩn bị tốt. Hoặc bệnh nhân đến muộn, yếu, tình trạng toàn thân không cho phép, nên phẫu thuật nối vị tràng.

Bước 1: Trước khi phẫu thuật phải bồi phụ nước, điện giải và cung cấp năng lượng cho bệnh nhân. Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch (truyền đạm, máu, mỡ, trợ lực...) và phải rửa dạ dày thật sạch (dùng sonde Faucher), nhất là trước phẫu thuật.

Bước 2: Các bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp phẫu thuật

Cắt đoạn dạ dày, lập lại sự lưu thông tiêu hóa theo kiểu Billroth I hoặc Billroth II. Nếu hẹp môn vị do loét nên cắt 2/3 dạ dày, còn do ung thư nên cắt toàn bộ hay cắt 3/4, 4/5 dạ dày theo nguyên tắc phẫu thuật ung thư.

Phẫu thuật nối vị tràng (giải quyết được hẹp môn vị, nhưng nguyên nhân gây hẹp vẫn còn nhất là K dạ dày) chỉ định cho những trường hợp:

  • Hẹp môn vị giai đoạn muộn, người già và tình trạng suy kiệt.
  • Loét tá tràng ở sâu mà không có khả năng cắt dạ dày được.

Cắt dây thần kinh X kèm theo nối vị tràng, cắt hang vị hoặc tạo hình môn vị: chỉ áp dụng cho hẹp môn vị do loét hành tá tràng, có thể cắt thân dây X, cắt chọn lọc kinh điển, hoặc siêu chọn lọc (hiện nay ít áp dụng).

Bác sĩ Hương có kinh nghiệm trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội Tiêu hóa trong đó với với gần 20 năm giữ chức vụ Phó khoa, trưởng khoa Bệnh viện Trung ương Huế. Hiện tại, là Bác sĩ Nội tiêu hóa - Nội soi tiêu hóa - Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan