Barium sulfate thuộc nhóm thuốc cản quang được sử dụng trong thăm khám bằng X – quang đường tiêu hóa, theo dõi thời gian vận chuyển qua đường tiêu hóa. Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Barium sulfate qua bài viết dưới đây.
1. Dạng bào chế
Thuốc cản quang Barium sulfate được bào chế dưới các dạng thuốc và hàm lượng như sau:
- Hỗn hợp dịch uống chứa 100% Barium sulfate có thể tích 300ml, trong đó sử dụng carbon dioxide làm chất tạo bọt.
- Hỗn hợp dịch uống chứa 96.25% Barium sulfate có thể tích 300ml.
- Nhũ tương chứa 100g hoạt chất Barium sulfate, sử dụng Sorbitol và chất bảo quản Methyl – parahydroxybenzoate.
- Bột nhão uống khối lượng 150g, sử dụng Methyl – parahydroxybenzoate làm chất bảo quản.
- Túi trực tràng chứa 400ml Barium sulfate 70%.
- Thuốc dạng hạt pha với nước tạo hỗn dịch chứa 200mg Barium sulfate.
- Viên nén chứa 650mg Barium sulfate.
2. Chỉ định dùng thuốc Barium sulfate
Thuốc Barium sulfate được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Thăm khám bằng X – quang toàn bộ đường tiêu hóa.
- Theo dõi thời gian vận chuyển qua đường tiêu hóa.
3. Liều dùng thuốc Barium sulfate
Liều thuốc cản quang Barium sulfate phụ thuộc vào loại thăm khám thực hiện và kỹ thuật thăm khám sử dụng. Liều thuốc được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Một số khuyến cáo về liều dùng như sau:
- Thực quản: Uống 150ml hỗn dịch thuốc chứa 50 – 200% Barium sulfate (khối lượng/ thể tích).
- Dạ dày, tá tràng: Uống 300ml hỗn dịch thuốc chứa 30 – 200% Barium sulfate (khối lượng/thể tích).
- Tiểu tràng: Uống 100 – 300ml hỗn dịch thuốc chứa 30 – 150% Barium sulfate (khối lượng/ thể tích);
- Đại tràng: Thụt 200ml – 2 lít hỗn dịch thuốc chứa 20 – 130% Barium sulfate.
- Phần trên ống tiêu hóa (thực quản, hầu, hạ hầu): Uống 2 – 4 thìa canh bột nhão thuốc tùy thuộc vào vị trí thăm khám.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trong thăm khám X – quang như sau:
- Đối với ống tiêu hóa trên cần thực hiện thăm khám X – quang lúc đói. Đối với đường tiêu hóa dưới cần thụt tháo vào buổi tối, chế độ ăn cần ít cặn bã trước 3 ngày thực hiện xét nghiệm.
- Hỗn hợp dịch thuốc Barium sulfate nồng độ 1.6 – 2.2% có thể sử dụng để chụp cắt lớp điện toán đường tiêu hóa.
- Trong trường hợp thực hiện tương phản kép, khí có thể được đưa vào đường tiêu hóa thông qua việc dùng hỗn dịch Barium sulfate chứa carbon dioxyd.
- Thuốc Barium sulfate nói riêng và thuốc cản quang, siêu âm nói chung đều đã được sử dụng trong chẩn đoán lồng ruột, tháo lồng ruột. Tuy nhiên hiện nay người ta đã thay thế hỗn hợp dịch Barium sulfate thụt tháo lồng ruột bằng thụt nước muối siêu âm có hướng dẫn hoặc thụt tháo lồng bằng không khí để giảm nguy cơ viêm màng bụng do chất hóa học trong trường hợp xảy ra thủng ruột.
4. Tác dụng phụ của Barium sulfate
Barium sulfate có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Tiêu chảy, táo bón (có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách sử dụng thuốc nhuận tràng nhẹ sau khi kiểm tra X – quang), chuột rút.
- Hiếm gặp: Nổi mày đay, dị ứng phản vệ, phù, nôn, buồn nôn, tức ngực, đau bụng, khó thở.
- Không xác định tần suất: Bầm tím, nhìn mờ, máu trong nước tiểu hoặc phân, ho, đổ mồ hôi, tim đập chậm, mệt mỏi.
5. Lưu ý khi sử dụng Barium sulfate
5.1. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng Barium sulfate trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh tắc nghẽn hoặc thủng đường tiêu hóa.
- Người bệnh mẫn cảm với Barium sulfate hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Barium sulfate.
5.2. Lưu ý khi sử dụng
- Thuốc cản quang Barium sulfate không được sử dụng ở người bệnh bị tắc ruột, thận trọng khi sử dụng ở người bệnh có tổn thương dễ dẫn đến tắc nghẽn ống tiêu hóa, người bệnh có chứng hẹp môn vị.
- Tránh dùng thuốc (đặc biệt là qua đường hậu môn) ở người bệnh có nguy cơ thủng đường tiêu hóa như trong viêm túi thừa Meckel, viêm đại tràng loét cấp, người bệnh vừa thực hiện sinh thiết đại tràng hoặc trực tràng, quang tuyến liệu pháp, soi đại tràng sigma.
- Thận trọng khi sử dụng Barium sulfate ở trẻ em, người cao tuổi, người bị suy kiệt nặng.
- Để tránh táo bón sau khi dùng thuốc, người bệnh cần được uống đủ nước.
- Barium sulfate có tính trơ nên những vết mờ còn lại sau khi sử dụng thuốc có thể làm cản trở khi chụp X – quang lần sau.
- Thuốc Barium sulfate làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng ở người bệnh có tiền sử dị ứng, hen phế quản hoặc phản ứng trước với chất cản quang.
- Triệu chứng nôn sau khi uống thuốc Barium sulfate có thể dẫn đến viêm phổi, vì vậy bác sĩ cần điều chỉnh liều thuốc ban đầu để tránh tình trạng này.
- Lưu ý đối với phụ nữ đang mang thai: Không nên sử dụng Barium sulfate nói riêng và thuốc cản quang nói chung ở phụ nữ đang mang thai.
- Lưu ý đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng gây tai biến khi sử dụng thuốc Barium sulfate ở phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở đối tượng này.
- Lưu ý đối với người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc.
6. Xử trí quá liều và quên liều thuốc Barium sulfate
- Quên liều thuốc: Việc sử dụng thuốc Barium sulfate được theo dõi bởi nhân viên y tế nên ít xảy ra khả năng quên liều.
- Quá liều thuốc: Quá liều thuốc xảy ra do chỉ định nhầm hoặc do quá trình chụp gây thủng đường tiêu hóa sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn (do vi khuẩn trong ống tiêu hóa), nghẽn mạch (do xuất huyết). Trong trường hợp này người bệnh cần được mổ cấp cứu và làm sạch tại chỗ càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.