Các trường hợp cần xét nghiệm và điều trị vi khuẩn HP theo Đồng thuận mới nhất của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam 2022

Vi khuẩn HP (còn gọi là Helicobacter pylori) thường tồn tại trong dạ dày, xoang, đường ruột, khoang miệng,... Vi khuẩn này có thể dễ dàng lây nhiễm qua đường ăn uống, qua phân, dịch tiết tiêu hóa, qua nguồn rau củ quả không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ người mang vi khuẩn sang người lành

Helicobacter pylori là nguyên nhân chính gây nên bệnh loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày cấp, mạn tính và ung thư dạ dày. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tại Việt Nam khá cao và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ ung thư dạ dày sớm trước 40 tuổi lên đến 16.3% [5].

Theo thống kê, 70% người Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP đều cần phải diệt HP.

Mới đây, vào tháng 9/2022, tại Hội nghị Tiêu hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam đã đưa ra Đồng thuận cập nhật mới nhất về chẩn đoán và điều trị nhiễm Helicobacter Pylori. Theo đó :

1. Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.pylori cần được thực hiện trong các trường hợp sau

  • Loét dạ dày - tá tràng.
  • Tiền sử loét dạ dày - tá tràng nhưng chưa tìm được xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng nhiễm H.pylori.
  • Khó tiêu.
  • Có tổn thương tiền ung thư dạ dày trên mô bệnh học (viêm dạ dày mạn teo, dị sản ruột hoặc loạn sản dạ dày).
  • Sau can thiệp nội soi điều trị ung thư dạ dày sớm.
  • U MALT lymphoma độ thấp.
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư dạ dày.
  • Mới bắt đầu sử dụng và dự kiến điều trị lâu dài với các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAIDS) (thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, gout...).
  • Cần điều trị aspirin liều thấp lâu dài (dùng trong điều trị các bệnh lý tim mạch).
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị duy trì kéo dài bằng nhóm thuốc ức chế bơm proton( thuốc giảm tiết acid dạ dày).
  • Thiếu máu thiếu sắt không giải thích được nguyên nhân.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Bệnh nhân mong muốn được điều trị nhưng không thuộc các nhóm chỉ định kể trên.

2. Lựa chọn phương pháp xét nghiệm tình trạng nhiễm HP

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều phương pháp xét nghiệm xác định tình trạng nhiễm vi khuẩn HP. Các phương pháp phổ biến nhất có thể được chia thành 2 nhóm là các kỹ thuật xâm lấn (mẫu bệnh phẩm được sinh thiết qua nội soi) và không xâm lấn (không cần nội soi) để phát hiện tình trạng nhiễm H. pylori đang hoạt động. Các kỹ thuật này bao gồm:

2.1. Nhóm kỹ thuật xâm lấn (lấy mẫu mô bệnh học qua nội soi)

Việc chẩn đoán H. pylori thường được thực hiện qua mẫu mô thu thập được trong quá trình nội soi bằng một trong ba phương pháp: xét nghiệm urease sinh thiết, mô học hoặc nuôi cấy vi khuẩn. Đối với xét nghiệm nội soi, bác sĩ không những chẩn đoán chính xác được tình trạng loét dạ dày - tá tràng của bệnh nhân, đồng thời còn có thể vị trí gây tổn thương và đưa ra tiên lượng về diễn tiến của bệnh, cũng như lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

  • Test urease — Mẫu sinh thiết dạ dày được đặt trong môi trường có chứa urê và thuốc thử pH. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm urease sinh thiết lần lượt là khoảng 90 và 95%. Với bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh urease, kết quả thu được sau 30 phút đến một giờ. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm urease nhanh trong một giờ tương đương (tương ứng là 89 đến 98% và 89 đến 93%) so với xét nghiệm gel agar sau 24 giờ và vượt trội so với xét nghiệm gel agar trong một giờ.
  • Mô học — Sinh thiết dạ dày có thể chẩn đoán nhiễm H. pylori và các tổn thương liên quan (ví dụ: viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột, loạn sản và u lympho mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc [MALT]). Độ nhạy và độ đặc hiệu của mô học để chẩn đoán nhiễm H. pylori lần lượt là 95 và 98%.
  • Nuôi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ — Mảnh sinh thiết từ dạ dày sẽ được mang đi nuôi cấy trong môi trường thuận lợi để vi khuẩn HP phát triển, từ đó xác định xem vi khuẩn thực sự nhạy cảm với loại kháng sinh nào. Xét nghiệm này thường đươc chỉ định cho những trường hợp điều trị thất bại ít nhất 2 lần. Nuôi cấy vi khuẩn tuy có độ đặc hiệu cao nhưng độ nhạy thấp do H. pylori rất khó nuôi cấy.

2.2. Nhóm kỹ thuật không xâm lấn

Các xét nghiệm không xâm lấn để chẩn đoán H. pylori bao gồm xét nghiệm hơi thở urê (UBT), xét nghiệm kháng nguyên phân và huyết thanh học. Trong số này, UBT và xét nghiệm kháng nguyên phân là các xét nghiệm về nhiễm trùng đang hoạt động.

  • Xét nghiệm hơi thở urê: UBT dựa trên quá trình thủy phân urê bởi H. pylori để tạo ra CO 2 và amoniac. Urê có đồng vị carbon được dán nhãn (13C không phóng xạ hoặc 14C phóng xạ) được người bệnh uống vào qua đường miệng; H. pylori giải phóng CO 2 được đánh dấu có thể được phát hiện trong các mẫu hơi thở. Test có thể được thực hiện trong 15 đến 20 phút. Độ nhạy và độ đặc hiệu của UBT lần lượt là khoảng 88 đến 95% và 95 đến 100%. Test hơi thở cho kết quả rất chính xác và thường được khuyến khích sử dụng trên mọi đối tượng vì thời gian làm test khá nhanh, bác sĩ không cần thực hiện can thiệp, có thể dễ dàng áp dụng cho trẻ em. Test vi khuẩn HP bằng hơi thở đặc biệt hữu ích đối với những đối tượng đã chữa trị vi khuẩn HP và cần đánh giá lại hiệu quả điều trị. Xét nghiệm 13C không phóng xạ được ưu tiên ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
  • Xét nghiệm kháng nguyên trong phân: Việc phát hiện kháng nguyên vi khuẩn trong phân cho thấy tình trạng nhiễm H. pylori đang diễn ra. Do đó, xét nghiệm kháng nguyên phân có thể được sử dụng để thiết lập chẩn đoán ban đầu về H. pylori và để xác nhận việc tiệt trừ H. pylori Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm miễn dịch enzym đơn dòng trong phòng thí nghiệm (lần lượt là 94 và 97%).
  • Xét nghiệm máu phát hiện kháng thể kháng HP: Mặc dù đây là một phương pháp không xâm lấn, không tốn kém, dễ thực hiện nhưng đây không phải là loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện vì khả năng dương tính giả khá cao. Nguyên nhân là vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở nhiều khu vực khác và cũng làm cho xét nghiệm máu dương tính như khoang miệng, các xoang, đường ruột nhưng lại hoàn toàn không gây bệnh. Lý do thứ hai là tuy vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiêu diệt hết, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, thế nhưng kháng thể kháng HP vẫn lưu lại trong máu trong nhiều tháng tới, thậm chí đến một vài năm sau đó. Do vậy, chỉ những cơ sở y tế không có phương pháp xét nghiệm nào khác và bệnh nhân chưa từng được điều trị H. Pylori mới phải thực hiện loại xét nghiệm này.

3. Về việc lựa chọn phương pháp nào để xác định tình trạng nhiễm vi khuẩn HP, Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam khuyến cáo

Các bệnh nhân có triệu chứng khó tiêu, nếu tuổi ≥ 35 (nữ) hoặc ≥ 40 (nam) và/hoặc có kèm triệu chứng báo động cần được nội soi tiêu hóa trên và chẩn đoán nhiễm H.pylori bằng các phương pháp xét nghiệm dựa trên mẫu mô sinh thiết. Các triệu chứng báo động theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam bao gồm :

  • Nuốt nghẹn
  • Thiếu máu
  • Sụt cân không chủ ý
  • Biểu hiện nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa trên
  • Nôn kéo dài hoặc nôn ra thức ăn cũ
  • Khối u vùng bụng trên
  • Khó tiêu mới khởi phát ở tuổi ≥ 40 tuổi (nam) và ≥ 35 (nữ)
  • Không đáp ứng hoặc tái phát triệu chứng sau điều trị thử 2 - 4 tuần

Trong trường hợp bệnh nhân được nội soi tiêu hóa trên và có chỉ định xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.pylori, xét nghiệm urease nhanh dựa trên mẫu mô sinh thiết được ưu tiên chọn lựa hàng đầu.

Trong các xét nghiệm chẩn đoán H.pylori không xâm lấn (không cần làm sinh thiết qua nội soi), xét nghiệm hơi thở được ưu tiên chọn lựa đầu tay.

Trước khi làm xét nghiệm chẩn đoán H.pylori, cần xác định chắc chắn bệnh nhân không uống kháng sinh và Bismuth trong vòng 4 tuần, không uống PPI ít nhất 2 tuần trước khi làm xét nghiệm.

Ở bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày - tá tràng, xét nghiệm urease dựa trên mẫu mô sinh thiết và mô bệnh học (nếu tình trạng xuất huyết tạm ngưng) nên được thực hiện trong lần nội soi đánh giá đầu tiên. Nếu các xét nghiệm này âm tính, tình trạng nhiễm H.pylori cần được kiểm tra thêm bằng một xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H.pylori khác có độ tin cậy cao sau khi bệnh nhân đã ổn định tình trạng xuất huyết.

Hiện nay các bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị đầy đủ các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại và thực hiện được tất cả các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tình trạng nhiễm vi khuẩn HP nói trên, nhằm đảm bảo giá trị chẩn đoán rất cao (> 95%) cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Nguồn tham khảo

  1. Đồng thuận chẩn đoán và điều trị nhiễm Helicobacter Pylori (Bản cập nhật 2022) – Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam.
  2. https://www.uptodate.com/contents/indications-and-diagnostic-tests-for-helicobacter-pylori-infection-in-adults?source=mostViewed_widget.
  3. https://tuoitre.vn/ung-thu-viet-nam-tang-9-bac-sau-2-nam-vi-sao-20220220225044815.htm
  4. https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/4-cach-xet-nghiem-phat-hien-vi-khuan-hp/
  5. Quach DT, et al (2018), "The Endoscopic and Clinicopathological Characteristics of Early-onset Gastric Cancer in Vietnamese Patients", Asian Pac J Cancer Prev, 19 (7), pp. 1883-1886.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

471 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: