Bị sốt tiêu chảy là triệu chứng của bệnh gì?

Bị sốt kèm với tiêu chảy có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nếu những triệu chứng đó chỉ là do cảm sốt thông thường thì sẽ thường biến mất sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, sốt và tiêu chảy còn do nhiều nguyên nhân khác nữa, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của một tình trạng bệnh khá nghiêm trọng mà bạn không biết. Cùng tìm hiểu xem bị sốt tiêu chảy là triệu chứng của bệnh gì?

1. Nguyên nhân gây ra sốt tiêu chảy

1.1. Do ngộ độc thức ăn

Một số loại đồ ăn không được chế biến hợp vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, lên men, các loại thực phẩm tái, tươi sống... rất dễ gây nên tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và khiến cho người sử dụng bị ngộ độc.

Các triệu chứng do ngộ độc thức ăn kém chất lượng ngoài sốt và tiêu chảy còn có đau bụng, buồn nôn, nôn, người mệt mỏi và không có sức.

1.2. Do nhiễm các loại virus, ký sinh trùng, vi khuẩn

Không vệ sinh tay thường xuyên, không rửa tay với xà phòng sát khuẩn khi tiếp xúc với các loại thực phẩm hay môi trường có nhiều virus, vi khuẩn, ký sinh trùng thường gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột.

1 môi trường ẩm thấp, ô nhiễm cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi, phát triển và gây bệnh.

  • Trong số các loại virus gây tiêu chảy thì phổ biến nhất chính là virus Rota. Loại virus này có dạng vòng và gồm 7 nhóm (A,B,C,D,E,F,G). Trong đó, nhóm A thường gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ, còn virus Rota nhóm B,C thường gây ra một số trường hợp tiêu chảy ở những trẻ lớn hơn và ở người trưởng thành.

Virus Rota có thể lây truyền bệnh và sống rất lâu ngoài môi trường, đặc biệt tồn tại bền vững trong môi trường nước vì thế, nếu không kiểm soát tốt, rất dễ bùng phát dịch tiêu chảy. Hơn nữa, virus Rota có thể khiến bệnh tiêu chảy tiến triển nặng. Trường hợp bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

  • Do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng: Một số loại vi khuẩn như Salmonella, khuẩn tụ cầu, Clostridium, E.coli,... và các loại ký sinh trùng có trong những loại thực phẩm bị ôi thiu, đồ ăn tái sống hoặc có trong những nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may ăn phải những thực phẩm không đảm bảo này và uống phải nguồn nước ô nhiễm, bạn sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn bệnh. Khi những loại khuẩn, nấm và ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể, đi vào đường ruột, nó sẽ kích thích các mô của hệ tiêu hóa và từ đó gây ra những triệu chứng như nôn, tiêu chảy và có thể kèm theo sốt,...

1.3. Do một số bệnh về đường tiêu hóa

Tiêu chảy sốt không chỉ là một loại bệnh mà nó còn là triệu chứng của một số bệnh lý đường tiêu hóa như:

  • Rối loạn tiêu hoá: Chế độ ăn uống bất hợp lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, việc lạm dụng bia rượu, chất kích thích cũng dễ dẫn đến bệnh lý này. Một số triệu chứng thường gặp như đi ngoài buồn nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng, đau bụng, chướng bụng...
  • Bệnh lồng ruột: Một đoạn ruột bị trượt ra khỏi vị trí của nó và lồng sang một đoạn ruột khác. Tình trạng này khiến cho ruột bị tắc, dẫn tới triệu chứng nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy, chướng bụng, tim đập nhanh,...
  • Tắc ruột gây sốt tiêu chảy: Hiện tượng này phổ biến ở trẻ nhỏ. Tắc ruột khiến cho lưu lượng máu đến ruột bị cản trở và gây sốt tiêu chảy, nếu không điều trị sớm có thể gây hoại tử, vỡ ruột, rất nguy hiểm.
  • Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích là tình trạng ruột bị rối loạn. Nguyên nhân chủ yếu từ những căng thẳng, do nhiễm khuẩn tiêu hóa hoặc do thức ăn gây ra. Khi bị hội chứng ruột kích thích, triệu chứng phổ biến là đau bụng, tiêu chảy, táo bón... Nếu đi kèm hiện tượng sốt, bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để được kiểm tra và điều trị.
  • Viêm ruột thừa: Khi bị viêm ruột thừa người bệnh sẽ xuất hiện những cơn đau bụng vùng hố chậu phải và kèm theo hiện tượng sốt hay tiêu chảy. Lúc này cần phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa nhanh chóng.
  • Viêm đại tràng: Triệu chứng phổ biến của viêm đại tràng chính là đau bụng, tiêu chảy có thể kèm theo sốt, sụt cân, mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra còn bị sụt cân đột ngột, khó tiêu, chướng bụng... Bệnh này thường dễ tái phát nếu không được điều trị triệt để.

1.4. Do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc trong thành phần của nó có chứa tá dược gây tác dụng phụ cho một số người khi sử dụng.

Nếu trong quá trình uống thuốc bạn gặp phải tình trạng nôn, sốt, tiêu chảy cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để điều chỉnh thuốc.

1.5. Trẻ mọc răng

Mọc răng là giai đoạn mà bất kỳ trẻ nhỏ nào cũng phải trải qua. Khi răng mọc chèn lên nướu gây viêm nhiễm quanh chân răng của bé. Điều này có thể gây hiện tượng đi ngoài kèm theo sốt.

2. Xử trí khi bị sốt tiêu chảy

2.1. Bù nước và điện giải

  • Khi các hiện tượng sốt cao, tiêu chảy kéo dài xảy ra, cơ thể chúng ta sẽ bị mất nước. Bởi vậy, người bệnh cần được bù nước điện giải để cân bằng lại năng lượng và chất dinh dưỡng. Bạn nên bổ sung đồ uống chứa nhiều chất điện giải như nước dừa, nước ép trái cây, sữa, các loại thuốc uống bù điện giải như Oresol,...
  • Truyền dịch: Đối với những trường hợp mất nước nghiêm trọng bác sĩ có thể sẽ cho chỉ định truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, việc làm này chỉ nên được thục hiện bởi nhân viên y tế hoặc tại các cơ sở y tế, bệnh nhân không được tự ý truyền tại nhà để đảm bảo an toàn.

2.2. Thay đổi chế độ ăn uống của người bệnh

Một trong những cách điều trị sốt tiêu chảy hiệu quả đó chính là thay đổi chế độ ăn uống. Người bệnh nên tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng gây khó tiêu, chướng bụng. Cụ thể tránh những loại đồ ăn như đồ nếp, đồ chiên xào, hải sản, nước ngọt, rượu bia, bánh kẹo ngọt...

Một số loại thực phẩm phù hợp khi bị đi ngoài kèm theo sốt là những đồ ăn mềm, lỏng, thanh đạm như cháo hoặc súp. Ngoài ra, người bệnh cũng nên bổ sung nhiều chất xơ từ trái cây tươi và rau củ. Bởi những loại thực phẩm này giúp bổ sung nguồn vitamin và dưỡng chất đầy đủ giúp cơ thể người bệnh nhanh phục hồi.

2.3. Uống thuốc hạ sốt

Những cách làm hạ sốt như dùng khăn ấm chườm trán, lau phần cổ, hố nách, vùng bẹn, để người bệnh mặc quần áo rộng rãi, thấm mồ hôi, uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu các triệu chứng bệnh không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tự uống thuốc hạ sốt tại nhà. Tuy nhiên, khi tình trạng trở nên nặng hơn và không thuyên giảm. Hãy tới các bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra và chữa trị đúng cách.

2.4. Bổ sung lợi khuẩn

Việc bổ sung lợi khuẩn vào cơ thể giúp cho đường ruột được hỗ trợ đào thải vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, đồng thời giúp bệnh nhân kích thích tiêu hóa, có cảm giác ăn ngon miệng hơn.

Để phòng tránh tình trạng tiêu chảy sốt, bạn nên đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ, sử dụng nguồn nước sạch, luôn ăn chín, uống sôi, không nên ăn những thức ăn đã bị ôi thiu, để lâu ngày hoặc thực ăn tái chín, thường xuyên vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, bổ sung probiotics giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và phòng ngừa bệnh tiêu chảy.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

83.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan