Thuốc Becaplermin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Becaplermin được sử dụng để điều trị một số vết loét ở chân những người bị bệnh tiểu đường. Thuốc được sử dụng cùng với việc chăm sóc bàn chân để giúp vết loét lành hoàn toàn.

1. Thuốc Becaplermin có công dụng gì?

Thuốc bôi Becaplermin là Homodimer B-isoform tái tổ hợp của yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu ở người (rPDGF-BB) giúp tăng cường hình thành mô hạt mới, gây tăng sinh và biệt hóa nguyên bào sợi để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương; đồng thời thúc đẩy quá trình hình thành mạch.

Becaplermin được sử dụng như một phần của liệu pháp điều trị tổng thể để giúp chữa lành một số vết loét của bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân ở những người bị bệnh tiểu đường. Becaplermin phải được sử dụng cùng với việc chăm sóc vết loét tốt bao gồm: loại bỏ mô chết bởi chuyên gia y tế; sử dụng giày đặc biệt, khung tập đi, nạng, hoặc xe lăn và điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng thứ phát nào.

2. Chỉ định của thuốc Becaplermin

  • Loét do đái tháo đường: Điều trị bổ sung các vết loét do bệnh thần kinh do đái tháo đường ở chi dưới kéo dài đến mô dưới da hoặc xa hơn và được cung cấp máu đầy đủ.
  • Hạn chế sử dụng: Hiệu quả chưa được chứng minh đối với loét do áp lực và ứ đọng tĩnh mạch; chưa được đánh giá về các vết loét do bệnh lý thần kinh do tiểu đường không sâu quả lớp hạ bì và mô dưới da (giai đoạn I hoặc II, phân loại theo giai đoạn của Hiệp hội Trị liệu Đường ruột Quốc tế [IAET]) hoặc loét do tiểu đường do thiếu máu cục bộ.
Thuốc Becaplermin có tác dụng gì
Thuốc Becaplermin là thuốc bôi giúp chữa lành một số vết loét chân tiểu đường

3. Cách sử dụng thuốc Becaplermin

Becaplermin có dạng gel bôi lên da. Nó thường được bôi một lần một ngày vào vết loét. Không bôi nhiều thuốc hơn hoặc ít hơn so với quy định của bác sĩ. Sử dụng nhiều gel hơn liều được kê đơn sẽ không giúp vết loét nhanh lành hơn.

Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách bôi thuốc và biết lượng gel cần bôi. Lượng thuốc bạn cần tùy thuộc vào kích thước của vết loét. Bạn cần đi khám và kiểm tra vết loét từ 1 đến 2 tuần một lần và bác sĩ có thể yêu cầu bạn bôi ít thuốc hơn khi vết loét của bạn mau lành và nhỏ lại. Thuốc bôi Becaplermin chỉ được sử dụng trên da, không nuốt thuốc hay bôi thuốc lên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể ngoài vết loét đang được điều trị.

Để bôi thuốc Becaplermin, hãy làm theo các bước sau:

  • Rửa tay thật sạch
  • Nhẹ nhàng rửa sạch vết thương bằng nước. Rửa tay lại 1 lần nữa
  • Bóp 1 lượng thuốc bác sĩ đã yêu cầu bạn sử dụng lên bề mặt sạch, không thấm nước như giấy sáp. Không chạm đầu ống vào giấy sáp, vết loét hoặc bất kỳ bề mặt nào khác. Đậy chặt ống sau khi sử dụng
  • Dùng tăm bông sạch hoặc dụng cụ rơ lưỡi hoặc dụng cụ bôi thuốc khác để thoa đều gel lên bề mặt vết loét thành một lớp đều nhau, dày khoảng 0,2 cm
  • Tẩm một miếng gạc bằng nước muối và đặt lên vết thương. Băng gạc chỉ nên che vết thương chứ không che vùng da xung quanh
  • Đặt miếng gạc khô lên vết loét. Quấn băng gạc mềm lên trên miếng đệm và giữ cố định bằng băng dính. Lưu ý không để băng dính dính vào da
  • Sau khoảng 12 giờ, tháo băng và gạc ra, rửa vết loét nhẹ nhàng bằng nước muối hoặc nước để loại bỏ chất gel còn sót lại
  • Băng vết loét theo hướng dẫn ở trên. Sử dụng gạc, băng mới.

Các triệu chứng thường cần vài tuần để cải thiện. Sử dụng thuốc này hàng ngày và báo ngay cho bác sĩ nếu vết loét ở chân của bạn không nhỏ hơn ít nhất một phần ba kích thước sau 10 tuần, hoặc nếu vết loét không lành hẳn sau 20 tuần.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc becaplermin

  • Tránh đè nặng lên bàn chân bị loét do tiểu đường
  • Tránh sử dụng các loại thuốc khác trên các khu vực bạn điều trị bằng thuốc becaplermin trừ khi bác sĩ yêu cầu
  • Tránh để thuốc bôi becaplermin vào mắt, miệng hoặc âm đạo.
  • Bên cạnh việc bôi thuốc, chăm sóc chân tốt có thể giúp giảm nguy cơ loét chân do biến chứng tiểu đường. Rửa chân hàng ngày và kiểm tra vết cắt, vết loét hoặc vết phồng rộp. Giữ móng chân gọn gàng và cắt tỉa móng thường xuyên. Chọn giày vừa chân và luôn đi tất cùng giày.
  • Không bao giờ chia sẻ thuốc của bạn với người khác và chỉ sử dụng thuốc này theo chỉ định được kê đơn.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc bôi becaplermin

Trước khi sử dụng thuốc bôi becaplermin:

  • Hãy cho bác sĩ và dược sĩ của bạn biết nếu bạn bị dị ứng với gel becaplermin, paraben, bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc becaplermin.
  • Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn có một khối u da hoặc ung thư ở khu vực mà bạn sẽ bôi thuốc.
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử máu lưu thông kém đến chân hoặc bàn chân của bạn, hoặc tiền sử mắc ung thư.
  • Nếu bạn đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú trong khi sử dụng thuốc bôi, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thuốc bôi Becaplermin
Người bệnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc bôi becaplermin

6. Tác dụng phụ của thuốc becaplermin

Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, nhiều người không gặp tác dụng phụ hoặc chỉ có tác dụng phụ nhẹ. Becaplermin gel có thể gây ra một số tác dụng có hại như phát ban, cảm giác bỏng rát tại hoặc gần khu vực bạn đã thoa thuốc.

Ngừng sử dụng thuốc này và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu: sự gia tăng kích thước của vết loét, hoặc các triệu chứng xấu đi; ngứa dữ dội; đỏ da; hoặc là phồng rộp hoặc bong tróc da.

7. Những loại thuốc nào sẽ ảnh hưởng đến thuốc bôi ngoài da becaplermin?

Thuốc dùng ngoài da thường không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc khác mà bạn sử dụng. Tuy nhiên, các loại thuốc vẫn có thể tương tác với nhau. Do đó hãy giữ danh sách tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, không kê đơn và các sản phẩm thảo dược) và thông báo nó với bác sĩ của bạn.

8. Bảo quản thuốc như thế nào?

Bảo quản thuốc trong hộp đựng và điều quan trọng là phải để tất cả các loại thuốc tránh xa tầm với của trẻ em. Để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bị ngộ độc, hãy luôn đặt thuốc ngay lập tức ở vị trí an toàn - nơi cao và xa, khuất tầm nhìn và tầm tay của trẻ.

Bảo quản thuốc trong tủ lạnh. Không để ngăn đông. Đậy chặt nắp ống khi không sử dụng. Không sử dụng thuốc bôi ngoài da nếu thuốc đã quá hạn sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com, medlineplus.gov, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

873 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan