Tác dụng của thuốc Chromate

Chromate là 1 chế phẩm của kim loại crom, thường được chỉ định để bổ sung ion cho cơ thể trong trường hợp thiếu hụt hay không thể hấp thu crom. Vậy các chỉ định và cách sử dụng thuốc như thế nào?

1. Chromate là thuốc gì?

  • Chromate thuộc nhóm thuốc vitamin và khoáng chất, chứa thành phần chính là kim loại crom - là nguyên tố vi lượng cần thiết để cơ thể phát triển bình thường và khỏe mạnh.
  • Chrome được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như bông cải xanh, gan, phomai, men bia,... Tuy nhiên, nếu chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc cơ thể không hấp thu được thì cần phải bổ sung các chế phẩm có chứa chrome.
  • Chrome có tác dụng ổn định đường máu, tác dụng tích cực đối với cơ quan thị giác và là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Khoáng chất chrome tham gia vào quá trình phân hủy protein, tham gia chuyển hóa glucose, insulin và lipid máu.
  • Trong cơ thể, Chromate có tác dụng chính là ổn định đường huyết thông qua cơ chế điều chỉnh quá trình truyền tín hiệu insulin qua trung gian thụ thể insulin (IR). Con đường tín hiệu qua trung gian IR bao gồm quá trình phosphoryl hóa nhiều vùng nội bào và các kinase protein, và các phân tử tác động xuôi dòng.
  • Thuốc có thể hấp thụ qua đường tiêu hóa hoặc trực tiếp vào hệ tuần hoàn. Khả năng hấp thụ qua đường tiêu hóa chỉ khoảng dưới 10%, các hợp chất Chrome có hóa trị VI dễ hấp thụ hơn so với dạng hóa trị III. Sau khi vào tế bào Chrome VI sẽ bị khử thành Chrome III rồi liên kết với các protein hoặc các đại phân tử dưới dạng phức hợp. Chromate phân phối đến hầu hết các mô trong cơ thể và tích lũy trong gan, thận, lá lách, mô mềm và xương. Trong máu, hầu như Chrome III liên kết với các protein có khối lượng phân tử lớn (95%) như Transferrin, một số ít liên kết với các oligopeptit có khối lượng phân tử thấp.
  • Thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ hầu hết qua nước tiểu, số ít thải ra trong tóc, mồ hôi và dịch mật.

2. Chỉ định của thuốc Chromate

Chromate được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Bổ sung khoáng chất trong các trường hợp suy nhược cơ thể do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ.
  • Bệnh nhân nôn mửa, tiêu chảy nặng gây thiếu dinh dưỡng mà chế độ ăn không thể bù đủ.
  • Bổ sung khoáng chất cho bệnh nhân tiểu đường và người giảm cân.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.

3. Chống chỉ định của thuốc Chromate

Các trường hợp không có chỉ định dùng thuốc Chromate gồm:

  • Bệnh nhân dị ứng với nguyên tố Chrome hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận chống chỉ định tương đối với Chromate.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Chromate gồm:

  • Chromate ảnh hưởng đến các phản ứng hóa học ở não, vì vậy có thể làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh lý tâm thần kinh như trầm cảm và tâm thần phân liệt,...
  • Các bệnh nhân có tiền sử dị ứng da khi tiếp xúc với Chrome cũng có thể xảy là dị ứng thuốc khi sử dụng ở đường uống hoặc đường tiêm.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận mức độ trung bình đến nặng khi sử dụng Chromate có thể làm nặng nề thêm các triệu chứng của bệnh.
  • Thuốc chuyển hóa và tích lũy ở gan, vì vậy bệnh nhân suy giảm chức năng gan không nên sử dụng các chế phẩm chứa Chrome.
  • Ở liều khuyến cáo, Chromate tương đối an toàn. Tuy nhiên chưa đầy đủ bằng chứng an toàn cho thai nhi, vì vậy phụ nữ có thai đặc biệt thai trong tháng đầu không nên dùng thuốc.
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ về công dụng của thuốc cho trẻ em. Vì vậy nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho đối tượng này.

4. Tương tác thuốc của Chromate

  • Chromate phối hợp với insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường có thể làm tăng hiệu quả kiểm soát đường huyết trong máu. Tuy nhiên để tránh trường hợp hạ đường huyết quá mức cần theo dõi và điều chỉnh liều insulin phù hợp.
  • Dùng đồng thời Chromate Levothyroxin có thể làm giảm hấp thụ Levothyroxine trong cơ thể. Nếu bắt buộc phải phối hợp nên dùng Levothyroxine trước 30 phút hoặc dùng sau 3 - 4 giờ.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), Aspirin có thể làm tăng nồng độ Chromate trong cơ thể và tăng các tác dụng phụ.
  • Sử dụng chung với các loại vitamin C, vitamin B có thể làm tăng sự hấp thụ của thuốc.
  • Rượu bia, thuốc là và các loại thực phẩm lên men có thể làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc.

5. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

  • Chromate được bào chế dưới dạng uống hoặc dung dịch tiêm bắp.
  • Chỉ sử dụng khi chế độ dinh dưỡng không đầy đủ hoặc cơ thể không thể dung nạp Chrome.

Liều dùng:

  • Trẻ em từ 0 đến 6 tháng tuổi dùng liều 0,2mcg/ ngày.
  • Trẻ em từ 7 đến 12 tháng tuổi dùng liều 5,5mcg/ ngày.
  • Trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi dùng liều 11mcg/ ngày.
  • Trẻ em từ 24 đến 36 tháng tuổi dùng liều từ 10 đến 80 microgam (mcg)/ ngày.
  • Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi dùng liều 120 mcg/ ngày.
  • Trẻ em từ 7 đến 10 tuổi dùng liều từ 50 đến 200 mcg/ ngày.
  • Trẻ em trên 10 tuổi và người lớn dùng liều từ 50 đến 200 mcg/ ngày.
  • Nếu quên sử dụng 1 liều, sử dụng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần đến thời gian sử dụng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo đúng thời hạn. Không được sử dụng gấp đôi liều Chromate đã quên.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ có liều điều trị thích hợp.

6. Tác dụng phụ của Chromate

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Chromate gồm:

  • Viêm dạ dày, buồn nôn và nôn.
  • Đau đầu và mất ngủ.
  • Thay đổi tâm trạng, lo âu, kích thích và trầm cảm.
  • Phản ứng dị ứng, ban đỏ, ngứa da và nổi mày đay.
  • Dùng liều cao có thể gây ra các bệnh lý mạch vành, hạ đường huyết và béo phì.

Tóm lại, Chromate là một nguyên tố vi lượng giúp bổ sung khoáng chất cho cơ thể. Ở chế độ dinh dưỡng bình thường, rất khó để thiếu hụt kim loại này. Vì vậy chỉ sử dụng khi cơ thể không thể dung nạp hay hấp thu Crom dưới chỉ định của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

284 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan