Tác dụng của thuốc Bromalex 6mg

Bromalex 6mg là loại thuốc có tác dụng an thần, giúp cải thiện hiệu quả tình trạng mất ngủ, lo âu hoặc căng thẳng thần kinh. Thuốc Bromalex 6 được dùng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ, do đó bệnh nhân cần tránh tự ý sử dụng thuốc. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cũng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn về liều lượng và thời gian uống thuốc nhằm sớm đạt hiệu quả.

1. Thuốc Bromalex 6mg là thuốc gì?

Bromalex 6mg thuộc nhóm thuốc an thần Benzodiazepin, có khả năng trấn an tinh thần, giảm thiểu cảm giác lo lắng, đồng thích kích thích cơ thể tạo giấc ngủ ngon tự nhiên. Đây là một sản phẩm của Công ty dược phẩm Indus Pharma Ltd, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và mỗi hộp đóng gói theo quy định 3 vỉ x 10 viên.

Thành phần chính trong thuốc Bromalex 6 là hoạt chất Bromazepam (6mg). Ngoài ra, công thức thuốc còn được bổ sung thêm một số tá dược khác giúp nâng cao hiệu quả của Bromazepam. Vì Bromalex là thuốc kê đơn, do đó bệnh nhân chỉ nên sử dụng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc đưa sản phẩm cho người khác dù có những triệu chứng tương tự.

2. Thuốc Bromalex 6mg có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Bromazepam

Hoạt chất Bromazepam trong thuốc Bromalex 6mg được biết đến là một Benzodiazepine có tác dụng gây ngủ, an thần và giảm tình trạng căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên, Bromazepam không có khả năng chống trầm cảm.

Nhìn chung, Bromazepam hoạt động dựa trên nguyên lý liên kết với thụ thể GABA-A, từ đó giúp tăng khả năng ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Nhờ vậy, những vấn đề như sợ hãi, khó ngủ, mất ngủ hoặc lo lắng được nhanh chóng giải quyết. Hơn nữa, hoạt chất cũng góp phần ngăn ngừa xảy ra những tổn thương não bộ. Tuy nhiên, Bromazepam thường phát huy tác dụng và tái hấp thu nhanh chóng, do đó người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng lạm dụng thuốc.

2.2. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Bromalex 6mg

Hiện nay, thuốc Bromalex thường được bác sĩ kê đơn sử dụng trong những trường hợp dưới đây:

  • Điều trị các rối loạn về mặt cảm xúc như căng thẳng, lo âu, dễ bị kích động, loạn tính khí kèm theo lo âu hoặc mất ngủ.
  • Điều trị các rối loạn chức năng hô hấp và hệ tim mạch xuất phát từ nguyên nhân tâm thần như nhịp tim nhanh, rối loạn giả đau thắt ngực, khó thở, tăng huyết áp, hồi hộp đánh trống ngực hoặc thở gấp.
  • Điều trị rối loạn chức năng tiêu hoá do nguyên nhân tâm thần như viêm loét kết tràng, co thắt, đau thượng vị, tiêu chảy, trướng bụng hoặc kích thích kết tràng,...
  • Điều trị rối loạn chức năng hệ tiêu niệu do lo âu / căng thẳng như đái dắt, kích thích bàng quang hoặc đau bụng kinh,...
  • Điều trị những rối loạn tâm thần thực thể khác như bệnh ngoài da hoặc nhức đầu,...
  • Điều trị lo âu căng thẳng liên quan đến một số bệnh lý mãn tính khác, đồng thời được sử dụng như liệu pháp hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh tâm lý.

Tuy nhiên, không nên dùng thuốc ngủ Bromalex 6mg cho những đối tượng bệnh nhân sau đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với hoạt chất Bromazepam hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định Bromalex cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã bị nghiện rượu, đang gặp phải tình trạng lệ thuộc thuốc gây nghiện.
  • Không dùng Bromalex cho người bị suy hô hấp nghiêm trọng, mắc bệnh suy gan nặng, nhược cơ, hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc suy hô hấp gây tắc nghẽn đường thở mãn tính.

3. Cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Bromalex 6mg

3.1. Hướng dẫn sử dụng thuốc Bromalex 6 đúng cách

Vì Bromalex được bào chế dưới dạng viên nén, do đó bệnh nhân nên dùng thuốc bằng đường uống. Tránh nhai, nghiền hoặc bẻ vụn viên thuốc. Ngoài ra, không dùng chung Bromalex với thức ăn vì điều này có thể ảnh hưởng đến mức sinh khả dụng cũng như nồng độ đỉnh của hoạt chất Bromazepam trong huyết thanh.

Khi bắt đầu điều trị với Bromalex 6mg, người bệnh nên dùng liều thấp trước tiên, sau đó tăng dần theo khuyến cáo của bác sĩ cho đến khi đạt liều tối ưu. Thời gian điều trị bằng Bromalex cần càng ngắn càng tốt nhằm tránh tình trạng phụ thuộc thuốc.

Nhìn chung, liệu trình dùng Bromalex thường dưới 8 – 12 tuần, tuỳ theo đáp ứng và tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Trong suốt thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm cũng như chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.

3.2. Liều dùng thuốc Bromalex 6mg theo khuyến cáo chung

Dưới đây là liều lượng tham khảo điều trị các tình trạng lo âu, mất ngủ,... với thuốc Bromalex theo chỉ định của bác sĩ:

  • Liều điều trị ngoại trú: Uống từ 1,5 – 3mg x 3 lần / ngày.
  • Điều trị nội trú cho trường hợp nặng: Uống liều từ 6 – 12mg x 2 – 3 lần / ngày.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan và người cao tuổi: Cần giảm liều theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trẻ em: Có thể cân nhắc dùng liều từ 0,1 – 0,3mg / kg thể trọng.

Khi trót bỏ lỡ một liều thuốc Bromalex 6, người bệnh nên dùng liều thay thế càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tránh uống quá sát liều thuốc tiếp theo hoặc uống gấp đôi liều. Việc dùng thuốc quá liều hoặc uống chồng liều có thể dẫn đến những triệu chứng như ngưng thở, rối loạn nhịp tim, hôn mê, hạ huyết áp hoặc tăng ức chế hô hấp. Khi gặp phải những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ của y tế để được điều trị các triệu chứng. Bác sĩ có thể áp dụng phương pháp như dùng than hoạt nhằm hạn chế khả năng hấp thu thuốc, bảo vệ đường thở khi người bệnh có dấu hiệu buồn ngủ và sử dụng Flumazenil nếu xuất hiện triệu chứng suy nhược thần kinh trung ương.

4. Thuốc Bromalex 6mg có thể gây ra những tác dụng phụ gì?

Trong thời gian điều trị các triệu chứng lo lắng, suy nhược hay mất ngủ,... với thuốc Bromalex, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn dưới đây:

  • Trầm cảm với các biểu hiện như ảo tưởng, bồn chồn, hung hăng hoặc kích động.
  • Các triệu chứng rối loạn tâm thần như rối loạn cảm xúc, lú lẫn hoặc rối loạn tình dục. Những phản ứng trên có thể xảy ra khi bệnh nhân bắt đầu điều trị với Bromalex và sau đó dần biến mất.
  • Các triệu chứng liên quan đến lạm dụng hoặc lệ thuộc vào thuốc.
  • Các biểu hiện rối loạn thần kinh như chóng mặt, buồn ngủ, giảm tỉnh táo hay nhức đầu,... có thể xuất hiện khi mới dùng thuốc và biến mất khi người bệnh dùng lặp lại.
  • Rối loạn mắt như cận thị hoặc mờ mắt.
  • Dùng liều cao dẫn đến triệu chứng hay quên.
  • Rối loạn cơ xương, mô liên kết (yếu cơ).
  • Rối loạn da, hệ tiêu hoá hoặc các mô ở dưới da.
  • Mệt mỏi, suy hô hấp, suy tim hoặc ngừng tim.
  • Dễ bị té ngã hoặc gãy xương, điển hình ở người cao tuổi.

Một số tác dụng phụ liên quan đến hệ tim mạch hoặc hô hấp nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào được đề cập ở trên trong thời gian điều trị với Bromalex, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để có phương hướng xử trí sớm.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Bromalex 6mg

Theo khuyến nghị của bác sĩ, trong suốt thời gian điều trị với thuốc Bromalex, bệnh nhân nên kết hợp tuân thủ lối sống và sinh hoạt lành mạnh để nâng cao hiệu quả, cụ thể:

  • Lựa chọn tập luyện một số bài thể dục hay vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga,...
  • Thực hiện chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất đến từ các loại rau, củ hoặc trái cây,...
  • Cai bia rượu, tránh sử dụng các chất kích thích.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chất béo bão hoà như đồ chiên rán, đồ chế biến sẵn,...

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần lưu ý rằng thành phần hoạt chất Bromazepam trong thuốc có thể gây buồn ngủ và mất tập trung, vì vậy cần thận trọng khi lái xe hoặc sử dụng máy móc có tính nguy hiểm trong thời gian dùng thuốc. Tránh tự ý quyết định dùng Bromalex 6mg cho phụ nữ có thai và người mẹ nuôi con bú nhằm tránh nguy cơ gây hại đến sức khoẻ của thai nhi và trẻ sơ sinh. Tốt nhất, nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc Bromalex cho những đối tượng đặc biệt trên.

Trong một số trường hợp, Bromalex có khả năng gây ức chế hệ hô hấp, do đó những bệnh nhân bị suy hô hấp hay suy tim cần hết sức cẩn trọng khi điều trị với thuốc này. Mặt khác, người bệnh cũng cần tuyệt đối tránh dừng thuốc đột ngột, thay vào đó nên giảm liều lượng từ từ.

Việc thường xuyên kiểm tra chất lượng thuốc cũng là điều vô cùng quan trọng. Nếu xuất hiện dấu hiệu nấm mốc, chuyển màu, chảy nước hoặc mùi lạ ở viên thuốc, bạn cần vứt bỏ theo đúng hướng dẫn.

Trong trường hợp bệnh nhân đang dùng Bromalex cùng với một số loại thuốc khác như thuốc chẹn beta, hạ huyết áp, chống đông máu hoặc Glycosid tim cần tham khảo liều lượng chuẩn xác dựa trên chỉ định của chuyên gia y tế. Thực tế, một số loại thuốc khác có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng cùng lúc với Bromalex, gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, thậm chí làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả các loại dược phẩm hiện đang sử dụng, bao gồm cả vitamin bổ sung, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược tự nhiên,...

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan