Lưu ý khi dùng thuốc Bromazepam trị mất ngủ

Bromazepam thuốc biệt dược còn có tên gọi khác là lexomil, bromalex. Đây là thuốc bình thần nhóm benzodiazepin, có tác dụng chống lo âu, gây ngủ. Vì vậy, trước khi dùng thuốc có một số lưu ý người dùng nên nắm rõ.

1. Thông tin chung về thuốc Bromazepam

Hoạt chất của thuốc là Bromazepam, được xếp vào loại thuốc bình thần nhóm benzodiazepin. Thuốc Bromazepam bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng là Bromazepam 1,5mg, Bromazepam 3mg, Bromazepam 6mg.

1.1 Chỉ định sử dụng Bromazepam:

Thuốc Bromazepam được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc (cảm thấy lo âu, căng thẳng, loạn tính khí kèm lo âu - biểu hiện của trầm cảm, dễ bị làm kích động, mất ngủ); biểu hiện do lo âu và căng thẳng thần kinh (rối loạn chức năng của hệ tim mạch và hệ hô hấp, rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa trong cơ thể, rối loạn chức năng của hệ tiết niệu, những rối loạn tâm thần thực thể khác).

Có một số trường hợp Bromazepam được kê đơn điều trị cho tình trạng lo âu và căng thẳng liên quan đến bệnh lý mạn tính. Bên cạnh đó, thuốc còn được sử dụng như một liệu pháp tâm lý hỗ trợ bệnh thần kinh tâm lý.

1.2 Chống chỉ định sử dụng Bromazepam

Bromazepam sẽ không được chỉ định kê đơn điều trị cho những bệnh nhân quá mẫn cảm với benzodiazépines hay những bệnh nhân nghiện rượu hoặc nghi ngờ nghiện rượu hay bị lệ thuộc vào thuốc gây nghiện. Trường hợp, bệnh nhân sử dụng Bromazepam để điều trị cai nghiện cần được giám sát rất chặt chẽ.

1.3 Liều lượng và cách dùng Bromazepam

Liều dùng thông thường đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú là Bromazepam 1,5mg đến 3mg nhưng không vượt quá 3 lần/ ngày.

Trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị thì dùng thuốc Bromazepam 6mg đến 12mg, dùng 2 - 3 lần/ ngày.

Hướng dẫn trên đây chỉ có tính tổng quát, bệnh nhân cần được bác sĩ kê đơn với liều dùng và tần suất dùng thuốc sao cho phù hợp nhất với thể trạng sức khỏe.

Bệnh nhân điều trị ngoại trú nên có liều bắt đầu thấp và tăng dần lên một cách từ từ cho đến khi đạt được liều tối ưu, đem lại hiệu quả điều trị bệnh nhất.

Bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe, nếu nhận thấy các triệu chứng được cải thiện nên thử dừng uống thuốc vài tuần sau đó. Việc dừng thuốc dần theo cách này sẽ giúp bệnh nhân sẽ không bị phụ thuộc vào thuốc Bromazepam. Nếu bệnh nhân đã dùng thuốc lâu thì nên ngừng uống thuốc một cách từ từ.

Sử dụng thuốc Bromazepam trong Nhi khoa thì phải điều chỉnh liều dùng theo thể trọng của trẻ. Với bệnh nhân tuổi cao và sức khỏe yếu nên dùng với liều thấp hơn.

2. Lưu ý khi dùng thuốc Bromazepam

Bromazepam có tác dụng giúp cải thiện tình trạng lo âu, tuy nhiên đã có những trường hợp người dùng gặp phải một số tác dụng phụ gây ra bởi thuốc.

Hầu hết mọi loại thuốc điều trị bệnh đều có thể gây ra tác dụng phụ, nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng. Hầu hết là những tác dụng phụ này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Nếu người dùng trên 65 tuổi thì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ gia tăng mắc các tác dụng phụ. Trong quá trình dùng thuốc Bromazepam điều trị bệnh, nên cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Luôn cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi
  • Cảm thấy chóng mặt;
  • Nhức đầu;
  • Cơ bắp bị suy nhược.

Các báo cáo ghi nhận đây là những tác dụng phụ hay gặp nhất ở người dùng thuốc Bromazepam.

Dưới đây là những triệu chứng người dùng cần liên hệ với bác sĩ và có thể cần đến sự chăm sóc y tế:

  • Mắt nhìn mờ;
  • Da nổi nốt phát ban;
  • Run ngay cả khi không thấy lạnh;
  • Không muốn ăn uống;
  • Miệng khô;
  • Giao tiếp bị nói lắp;
  • Trí nhớ suy giảm, khó tập trung, hay nhầm lẫn;
  • Bỗng trở nên lo âu hoặc phấn khích đột ngột;
  • Nhìn, cảm thấy hoặc nghe thấy những điều không có thật;
  • Thường xuyên gặp ác mộng.

Trường hợp người dùng bị khó thở hoặc thở gấp cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên rất hiếm người gặp tác dụng phụ nghiêm trọng này.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ có thể gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc.

3. Thận trọng khi sử dụng thuốc Bromazepam

Thuốc có thể làm tăng nặng tình trạng của bệnh nhân bị nhược cơ nặng vì vậy cần thận trọng khi dùng Bromazepam.

Thuốc chỉ được sử dụng với phụ nữ mang thai ở các tháng đầu thai kỳ trong trường hợp đặc biệt cần thiết. Đang cho con bú cũng không được dùng Bromazepam vì hoạt chất của thuốc bài tiết qua sữa mẹ.

Sau khi uống thuốc Bromazepam, trong vòng 4 - 6 giờ không được phép lái xe hay vận hành máy móc. Bởi Bromazepam có thể làm giảm tập trung hay phản xạ. Điều này phụ thuộc vào liều dùng và mức độ nhạy cảm của từng người.

Bromazepam có thể gây ra tình trạng khiến người dùng bị lệ thuộc thuốc. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng liều cao hoặc ở những người dùng có yếu tố mở đường. Triệu chứng bị lệ thuộc thuốc thường xảy ra khi đột ngột dừng thuốc bao gồm run rẩy, vật vã, giấc ngủ rối loạn, thấy hồi hộp, đau đầu và không tập trung. Những triệu chứng khác là toát mồ hôi, cơ bắp và bụng bị co thắt, rối loạn tri giác. Một số trường hợp hiếm gặp là mê sảng và động kinh.

Triệu chứng nghiện thuốc có thể kéo dài vài giờ đến 1 tuần hoặc thậm chí lâu hơn khi ngừng thuốc, tùy vào thời gian tác động của thuốc.

Nhằm giảm tối đa nguy cơ bị lệ thuộc thuốc, các benzodiazepines chỉ được kê đơn sau khi người dùng đã được chẩn đoán kỹ bệnh và chỉ kê đơn trong một giai đoạn ngắn nhất có thể, ví dụ trong chỉ định là thuốc ngủ, không được dùng quá 4 tuần. Tái khám định kỳ để biết có cần dùng thuốc tiếp hay không. Ở những bệnh nhân có tình trạng bệnh rất xấu và sau khi đã cân nhắc giữa lợi ích điều trị với nguy cơ nghiện thuốc khi cần dùng thuốc thời gian dài.

Nên ngừng thuốc từ từ để không gặp các triệu chứng cai nghiện. Thời gian này sẽ giảm liều từ từ. Nếu xuất hiện các triệu chứng cai nghiện thì bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc.

Tóm lại, thuốc Bromazepam có tác dụng chống lo âu, mất ngủ cùng các vấn đề thần kinh khác. Do đó, khi dùng thuốc người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để có những chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan