Khi nào phải dùng thuốc giải độc kẽm?

Ngộ độc kẽm là một tình trạng nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi bao gồm cả người lớn, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây ngộ độc kẽm chủ yếu do quá lạm dụng và bổ sung không đúng cách. Có thể điều trị ngộ độc kẽm bằng thuốc giải độc. Vậy khi nào phải dùng thuốc giải độc kẽm?

1. Ngộ độc kẽm là gì?

Kẽm là một trong những khoáng chất quan trọng của cơ thể. Kẽm có nhiều trong cơ xương, răng, tóc, da, tế bào bạch cầu và gan. Co thể bạn chưa biết nhưng kẽm là một chất quan trọng của tinh hoàn, liên quan đến hoạt động sản xuất tinh dịch, tinh trùng. Ngoài ra, kẽm còn là thành phần cơ bản của những enzyme thiết yếu trong cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất của tế bào.

Tuỳ theo giai đoạn phát triển của cơ thể mà cân nhắc việc bổ sung kẽm hay không. Có một điều cần lưu ý là không được tự ý bổ sung kẽm khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tình trạng ngộ độc kẽm. Ngộ độc kẽm xảy ra khi lượng kẽm đưa vào cơ thể bị quá nhiều so với lượng cần thiết khiến cơ thể không hấp thu và chuyển hoá được hết, lâu dần tích tụ lại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ngộ độc kẽm gây triệu chứng lâm sàng cấp tính hoặc mãn tính.

Triệu chứng của ngộ độc kẽm:

  • Bệnh nhân bị nôn, buồn nôn kèm theo tiêu chảy, ăn uống không ngon miệng, mất hay giảm vị giác.
  • Suy giảm chức năng tế bào T do rối loạn hoạt động hệ miễn dịch.
  • Giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL). HDL là một loại cholesterol có tác dụng ngăn chặn sự hình thành của mảng xơ vữa, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Việc giảm nồng độ HDL, tăng lượng LDL sẽ đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
  • Bị chuột rút vùng bụng, nhức đầu, có thể sốt, ớn lạnh và ho.
  • Ở trẻ em, hàm lượng kẽm quá cao trong cơ thể sẽ khiến trẻ biếng ăn, nôn trớ kèm theo rối loạn tiêu hoá, đề kháng kém, đồng thời bị giảm hấp thu nguyên tố sắt.

2. Khi nào phải dùng thuốc giải độc kẽm?

Ngộ độc kẽm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, nếu kéo dài có thể gây các biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong cho người bệnh.

Khi có các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ bị ngộ độc kẽm, cần ngay lập tức dừng việc bổ sung kẽm. Tuỳ theo mức độ nhiễm độc để cân nhắc việc có cần dùng thuốc giải độc kẽm hay không.

Nếu ngộ độc kẽm ở mức độ nhẹ, có thể uống sữa tươi để giải độc kẽm. Lượng canxi, photpho có chứa trong sữa tươi sẽ liên kết với các phân tử kẽm dư thừa trong cơ thể tạo thành chelate để đào thải ra ngoài, đồng thời cũng ngăn cản hệ tiêu hoá tiếp tục hấp thụ kẽm.

Nếu bệnh nhân bị nhiễm độc kẽm nặng, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời. Lúc này, cần kết hợp sử dụng thuốc giải độc kẽm với các thuốc điều trị triệu chứng để nhanh chóng ổn định sức khoẻ cho bệnh nhân.

Tuy kẽm là một khoáng chất quan trọng, cần thiết cho cơ thể phát triển khoẻ mạnh nhưng việc bổ sung viên thuốc kẽm hay các dạng khác quá nhiều hoặc quá ít đều gây hại với sức khỏe người bệnh. Nếu bạn đang có nhu cầu bổ sung kẽm, hoặc đang có những dấu hiệu bất thường nghi ngộ độc kẽm, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cách bổ sung kẽm hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan