Công dụng thuốc Saprozin

Saprozin là thuốc thuộc nhóm khoáng chất và vitamin, có khả năng bổ sung, dự phòng thiếu kẽm. Để tìm hiểu chi tiết về thành phần, công dùng, liều dùng và những lưu ý quan trọng khi sử dụng Saprozin, bạn có thể theo dõi bài viết ngay sau đây.

1. Thuốc Saprozin là thuốc gì?

Saprozin là thuốc cốm với thành phần chính là kẽm.

  • Tên dược phẩm: Saprozin.
  • Nhóm thuốc: Khoáng chất và vitamin.
  • Dạng bào chế: Thuốc cốm.
  • Thành phần: Trong mỗi gói có chứa kẽm (dưới dạng kẽm gluconat 70mg) 10mg.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo hộp 30 gói x 3g hoặc 25 gói x 3g.

2. Công dụng thuốc Saprozin

Chúng ta đều biết, kẽm là một loại nguyên tố vi lượng thiết yếu và đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Đồng thời còn là thành phần không thể thiếu của rất nhiều hệ thống enzym (carbonic anhydrase, dehydrogenase...) hỗ trợ cho quá trình tổng hợp protein, glucid và acid nucleic. Kẽm xuất hiện trong tất cả các mô, giữ cho các mô được toàn vẹn.

Khi thiếu kẽm, cơ thể sẽ chậm tăng trưởng, gây khiếm khuyết trong quá trình phân chia các mô như da, niêm mạc ruột hay hệ thống miễn dịch. Chính vì vậy, các chế phẩm như Saprozin có khả năng bổ sung, dự phòng tình trạng thiếu kẽm hoặc hỗ trợ cho các trường hợp sau đây:

  • Tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm tăng trưởng, bệnh còi xương ở trẻ nhỏ.
  • Các bà mẹ đang trong thai kỳ hoặc cho con bú.
  • Người có chế độ ăn kiêng không khoa học, thiếu cân bằng, phải nuôi ăn trong thời gian dài bằng đường tĩnh mạch.
  • Người mắc bệnh tiêu chảy cấp hoặc mạn tính.
  • Người gặp phải chứng rối loạn tiêu hoá như: Chậm tiêu, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, táo bón nhẹ.
  • Người bị nhiễm trùng tái diễn tại đường hô hấp, da, tiêu hoá.
  • Người bị quáng gà, khô mắt, loét giác mạc.

Ngoài ra, tình trạng thiếu kẽm nặng còn được đặc trưng bởi các biểu hiện tổn thương da và niêm mạc, điển hình như: Viêm da đầu chi, tiêu chảy, viêm quanh lỗ tự nhiên (hậu môn, âm đạo), loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, móng chậm mọc), viêm ruột, khô mắt.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Saprozin

3.1. Liều dùng

Liều bổ sung dinh dưỡng:

  • Trẻ nhỏ từ 6 - 12 tháng: Uống với liều 1⁄2 gói/ngày.
  • Trẻ nhỏ từ 1 - 3 tuổi: Uống với liều 1⁄2 - 1 gói/ngày.
  • Trẻ nhỏ từ 3 - 10 tuổi: Uống với liều 1 gói/ngày.
  • Trẻ nhỏ trên 10 tuổi: Uống mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 1 gói.

3.2. Cách dùng

Cốm hoà tan cùng nước đun sôi để nguội rồi cho trẻ uống, uống theo chỉ định của bác sĩ. Khi các triệu chứng lâm sàng đã được cải thiện thì nên giảm liều lượng. Việc dùng thuốc nên chia thành 1 - 2 lần mỗi ngày và uống cùng nhiều nước sau bữa ăn.

3.3. Xử lý khi quên liều, quá liều Saprozin

Quá liều: Trong trường hợp dùng liều quá cao (sử dụng trên 15 gói/ngày) có thể dẫn tới tình trạng ức chế miễn dịch thay vì kích thích miễn dịch. Uống kẽm nồng độ cao trong thời gian dài sẽ làm cơ thể bị thiếu đồng (do làm giảm khả năng hấp thu), từ đó gây thiếu máu bởi thiếu hồng cầu và giảm bạch cầu trung tính. Lúc này có thể sử dụng các loại thuốc tạo chelat (EDTA) để loại bỏ kẽm trong huyết thanh.

Khi bị ngộ độc kẽm cấp tính, muối kẽm bị ăn mòn dần bởi quá trình hình thành kẽm clorua từ acid dạ dày. Cách xử trí là cho người bệnh uống sữa, than hoạt tính hoặc cacbonat kiềm, tránh dùng phương pháp gây nôn hay thau rửa dạ dày.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Saprozin

4.1. Chống chỉ định

Thuốc Saprozin được chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Đối tượng bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất cứ thành phần hoạt chất, tá dược nào có trong thuốc.
  • Người bệnh bị suy thận, suy gan hay tuyến thượng thận nghiêm trọng.
  • Tiền căn bệnh sỏi thận.

4.2. Tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng phụ không mong muốn như: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, kích thích dạ dày, viêm dạ dày, tiêu chảy. Đặc biệt, các triệu chứng này phổ biến hơn khi uống thuốc khi dạ dày rỗng và có thể khắc phục bằng cách uống trong bữa ăn.

4.3. Tương tác thuốc

Khả năng hấp thu kẽm của cơ thể trong quá trình sử dụng thuốc có thể giảm xuống, khi sử dụng chung với các chế phẩm chứa photpho, sắt, tetracyclin, penicilamin. Ngoài ra kẽm dùng chung với đồng cũng kiến khả năng hấp thu của đồng bị giảm xuống.

4.4. Chú ý đề phòng

  • Không nên dùng kẽm cho người bệnh đang bị nôn ói cấp tính hoặc loét dạ dày tiến triển.
  • Không nên dùng đồng thời kẽm cùng với sắt, đồng, canxi nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tranh làm giảm hấp thu kẽm, tốt nhất là nên uống cách nhau khoảng 2 - 3 giờ.
  • Hiện chưa có báo cáo về tác động của thuốc Saprozin lên phụ nữ trong thời gian mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, tuy nhiên các đối tượng này vẫn nên thận trọng khi sử dụng.

Trên đây là những thông tin về công dụng thuốc Saprozin, thành phần, cách dùng và những lưu ý quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo tối đa hiệu quả cũng như an toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và dùng thuốc theo đúng như chỉ định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

524 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan