Feparac là thuốc gì ?

Feparac có thành phần chính là Ibuprofen, thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs). Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, hộp 10 vỉ x 10 viên. Hiểu rõ công dụng cũng như tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng thuốc Feparac sẽ giúp người bệnh đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

1. Feparac là thuốc gì ? Công dụng của Feparac

Thuốc Feparac có thành phần chính là Paracetamol 325mg và Ibuprofen 400mg. Ibuprofen là thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid, giúp giảm đau và giảm sưng viêm cho bệnh nhân thông qua cơ chế ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin bằng cách ức chế enzym COX. Từ đó làm giảm các phản ứng viêm và giảm đau trong cơ thể, ngăn cản sự di chuyển của bạch cầu vào các ổ viêm. Ngoài ra, Ibuprofen còn có tác dụng giảm ngưng tập tiểu cầu có hồi phục.

Paracetamol hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của enzym COX-2 trung tâm và kích thích hoạt động của con đường 5-hydroxytryptamine, làm giảm sự truyền tín hiệu cảm thụ trong tủy sống, từ đó làm giảm cảm giác đau. Kết hợp Paracetamol và Ibuprofen giúp làm tăng hiệu quả điều trị. Thuốc được sử dụng trong các trường hợp đau mạnh mà nếu chỉ dùng Paracetamol 100mg hoặc Ibuprofen 400mg đơn liều không đáp ứng được.

Thuốc Feparac được chỉ định trong các trường hợp:

  • Viêm bao khớp, viêm khớp
  • Đau cơ, đau lưng, thấp khớp
  • Giảm đau trong sản khoa, nha khoa hoặc chỉnh hình
  • Đau đầu
  • Thống kinh
  • Đau do ung thư
  • Chấn thương do làm việc hoặc chơi thể thao

2. Chống chỉ định của thuốc Feparac

Thuốc Feparac không được sử dụng cho những bệnh nhân có các bệnh lý sau:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Quá mẫn với Aspirin hoặc các thuốc nhóm NSAID khác
  • Loét dạ dày, tá tràng đang tiến triển
  • Người đang điều trị thuốc chống đông coumarin
  • Bệnh nhân thiếu máu nhiều lần hoặc có bệnh lý về tim mạch, gan, thận nặng như suy tim sung huyết, suy gan, suy thận nặng
  • Người thiếu men Glucose - 6 - phosphat dehydrogenase
  • Phụ nữ có thai 3 tháng cuối

Để đảm bảo an toàn trong thời gian điều trị thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng của mình để được cân nhắc sử dụng thuốc Feparac.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Feparac

Thuốc Feparac được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc Feparac với nước, không nên nhai, bẻ, nghiền nát, vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc nên được uống sau bữa ăn để giúp tăng khả năng hấp thu và giảm các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.

Liều dùng cho người lớn: uống 1 viên cách nhau mỗi 4-6 giờ, tối đa không quá 8 viên/ngày

4.Tác dụng phụ của thuốc Feparac

Khi dùng thuốc Feparac người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Thường gặp: loét dạ dày, viêm gan
  • Hiếm gặp: lo âu, kích thích, suy tim sung huyết, thiếu máu, suy thận, viêm bàng quang, đa niệu, viêm da dị ứng, hội chứng Stevens-Johnson.

Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng trên khi sử dụng thuốc Feparac, cần ngưng dùng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí thích hợp.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Feparac

Thận trọng khi dùng Ibuprofen ở bệnh nhân viêm loét dạ dày, suy gan, suy thận, người lớn tuổi, rối loạn thị giác hoặc rối loạn thời gian chảy máu.

Thận trọng khi dùng Paracetamol ở người có thiếu máu nhiều lần.

Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Feparac đến những người lái xe và vận hành máy móc.

Không dùng thuốc Feparac cho phụ nữ mang thai vì làm ức chế co bóp tử cung, làm chậm đẻ và gây tăng áp lực phổi nặng, suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do đóng sớm ống động mạch sớm.

Khả năng bài tiết qua sữa mẹ của thuốc Paracetamol chưa được ghi nhận. Ibuprofen không thấm vào sữa mẹ.

Không sử dụng rượu bia, chất kích thích trong thời gian điều trị thuốc Feparac

Không sử dụng nếu thấy viên thuốc Feparac có hiện tượng mốc, đổi màu, chảy nước hoặc quá hạn sử dụng.

6.Tương tác của thuốc Feparac

Thuốc Feparac có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc và chất sau:

  • Kháng sinh nhóm Quinolon: tăng tác dụng phụ của thuốc kháng sinh lên hệ thần kinh trung ương hoặc có thể gây co giật.
  • Các thuốc huyết áp như thuốc ức chế men chuyển, thuốc kháng thụ thể AT1: kéo dài tác dụng hạ áp do ức chế prostaglandin.
  • Thuốc lợi tiểu: tăng bài tiết natri niệu, làm giảm hiệu quả của thuốc lợi tiểu
  • Digoxin: thuốc Feparac làm tăng nồng độ Digoxin máu
  • Insulin hoặc các thuốc đái tháo đường dùng đường uống khác: tăng tác dụng hạ đường huyết nên cần điều chỉnh liều khi sử dụng cùng với thuốc Feparac.
  • Thuốc chống đông máu coumarin hoặc dẫn xuất của Indandion: làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.
  • Rượu: tăng nguy cơ nhiễm độc gan khi sử dụng trong thời gian điều trị với Paracetamol và Ibuprofen.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Feparac, để đạt hiệu quả giảm đau, chống viêm và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, người bệnh cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ và phải tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan