Công dụng thuốc Stadeurax

Thuốc Stadeurax được kê đơn chủ yếu cho các trường hợp mắc bệnh ghẻ hoặc ngứa ngoài da. Stadeurax được dùng bôi ngoài da theo liều lượng bác sĩ khuyến cáo, do đó bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn dùng thuốc để tránh gặp phải các phản ứng phụ ngoại ý.

1. Stadeurax là thuốc gì?

Thuốc Stadeurax thuộc nhóm thuốc diệt nấm và ký sinh trùng tại chỗ, là loại thuốc kê đơn chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc Stadeurax được sản xuất bởi Công ty TNHH LD Stellapharm, có công dụng trị ghẻ và ngứa da rất hiệu quả. Stadeurax được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, đóng gói theo quy cách hộp 1 tuýp x 20g. Trong mỗi tuýp kem bôi Stadeurax có chứa các thành phần chính sau:

  • Hoạt chất chính: Crotamiton hàm lượng 2g.
  • Các tá dược khác: Gelot 64, Emulcire 61 WL 2659, Methylparaben, Acid stearic, Propylene glycol, Simethicone 30%, Parafin lỏng và nước tinh khiết.

Hoạt chất chính trong Stadeurax là Crotamiton có tác dụng hiệu quả đối với nhiều dạng ngứa da khác nhau. Theo nghiên cứu cho thấy, Crotamiton có khả năng chống ngứa nhanh chóng, độ hiệu quả có thể duy trì lên đến 6 giờ. Việc sử dụng thuốc có chứa hoạt chất này giúp bệnh nhân tránh được đáng kể các sang thương (tổn thương da cơ bản) gây ngứa, đồng thời giúp làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát.

Thuốc Stadeurax công dụng vượt trội đối với các trường hợp bị ghẻ, giúp kìm khuẩn ở những chủng như liên cầu khuẩntụ cầu khuẩn. Với tác dụng này, thuốc Stadeurax giúp mang lại hiệu quả điều trị tích cực cho bệnh nhân ghẻ ngứa bị bội nhiễm có mủ. Ngoài ra, hoạt chất Crotamiton trong thuốc cũng đã được nghiên cứu chứng minh có khả năng chống lại rất tốt các tác nhân gây ra bệnh chấy rận ở người.

Nhìn chung, Crotamiton có tốc độ thẩm thấu tốt qua da sau khi thoa nhẹ. Mặt khác, thuốc Stadeurax thường không bao gồm chất mỡ, do đó bệnh nhân không cần phải lo ngại về vết bẩn sau khi sử dụng. Hơn nữa, Stadeurax cũng rất phù hợp đối với các sang thương ở vùng da hở, có lông hoặc bị rỉ dịch.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Stadeurax

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Stadeurax

Vậy thuốc Stadeurax có tác dụng gì và được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng trong trường hợp cụ thể nào? Theo chỉ định của bác sĩ, thuốc Stadeurax thường được dùng để điều trị các tình trạng sức khoẻ sau:

  • Điều trị tình trạng ghẻ ngứa bội nhiễm có mủ hoặc bệnh ghẻ thông thường.
  • Điều trị bệnh ngứa gây ra bởi ký sinh trùng hoặc côn trùng (chẳng hạn như rận, chấy,...).
  • Điều trị các chứng ngứa bắt nguồn từ nhiều nguồn gốc khác nhau, chẳng hạn như ngứa ở người già, ngứa vô căn, ngứa do dị ứng, ngứa vùng hậu môn – sinh dục, ngứa do tiểu đường, vàng da hoặc vết đốt côn trùng.

2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Stadeurax

Không sử dụng thuốc Stadeurax cho các trường hợp sau khi chưa có chỉ định từ bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm hoặc dị ứng với Crotamiton hay bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Stadeurax đối với người bị viêm da chảy nước cấp tính.
  • Không dùng để điều trị chấy, rận.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Stadeurax

3.1. Liều dùng thuốc Stadeurax

Liều lượng sử dụng thuốc Stadeurax sẽ được xác định cụ thể đối với từng bệnh nhân và mục tiêu điều trị, bao gồm:

*Liều điều trị bệnh ghẻ:

  • Người lớn nên bôi thuốc Stadeurax với liều 30g / lần, dùng liều thấp hơn đối với trẻ em (theo chỉ định bác sĩ). Liều thuốc thứ 2 có thể bắt đầu sau 24 – 48 giờ kể từ lần bôi thuốc cuối cùng. Trước khi bôi thuốc mới, bệnh nhân nên tắm sạch để loại bỏ hết cặn thuốc còn sót lại trên da.
  • Thuốc Stadeurax điều trị ghẻ nên bôi vào buổi tối, bôi nhắc lại liều điều trị sau 7 – 10 ngày nếu nhận thấy có cái ghẻ còn sống.
  • Trong nhiều trường hợp, sau khi điều trị bằng Stadeurax, bệnh nhân có thể vẫn bị ngứa kéo dài thêm một cho đến một vài tuần do mẫn cảm với cái ghẻ. Điều này không có nghĩa là điều trị thất bại và phải dừng thuốc. Nếu xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân có thể sử dụng thêm thuốc kháng histamin đường uống và bôi corticosteroid tại chỗ để giảm cơn ngứa.

*Liều điều trị cơn ngứa da:

  • Điều trị ngứa bằng Stadeurax có thể tùy chỉnh liều cụ thể dựa trên đánh giá của bác sĩ về tình trạng ngứa của bệnh nhân.
  • Chỉ bôi thuốc 1 lần / ngày đối với trẻ em dưới 3 tuổi.

3.2. Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Stadeurax

Thuốc Stadeurax được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da, do đó bệnh nhân chỉ được phép thoa thuốc lên vùng da cần điều trị, tránh dùng cho miệng, mắt, âm đạo, lỗ niệu đạo và các niêm mạc khác. Nếu không may để thuốc dính phải các vị trí này, bệnh nhân cần nhanh chóng rửa sạch ngay với nước.

*Cách dùng Stadeurax điều trị bệnh ghẻ:

  • Trước khi thoa Stadeurax, bệnh nhân cần tắm sạch bằng nước và xà phòng dịu nhẹ nhằm loại bỏ hết các vảy trên da, sau đó lau khô người. Nhẹ nhàng thoa một lớp kem Stadeurax mỏng lên toàn bộ bề mặt da từ vùng cổ cho tới chân, bao gồm cả lòng bàn chân và các nếp gấp ở da như bẹn, nách, ngón tay hoặc kẽ ngón chân.
  • Chăn màn, giường và quần áo của người bị ghẻ nên được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên nhằm tránh nguy cơ tái nhiễm bệnh. Tuy nhiên, không nhất thiết phải tẩy trùng toàn bộ khu vực sinh sống hiện tại của bệnh nhân.

*Cách dùng Stadeurax điều trị ngứa da: Thoa thuốc lên vùng da có dấu hiệu tổn thương và tiến hành xoa nhẹ nhàng để các hoạt chất trong thuốc ngấm đều vào da.

3.3. Cách xử trí khi sử dụng quá liều thuốc Stadeurax

Hiện nay chưa có bất kỳ dữ liệu báo cáo cụ thể nào về tình trạng bôi quá liều thuốc Stadeurax, tuy nhiên nếu vô tình uống hoặc nuốt phải thuốc này có thể dẫn đến triệu chứng đau rát giống như bỏng kích ứng miệng, niêm mạc dạ dày, thực quản. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các vấn đề khác như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, thậm chí bị co giật.

Hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu đối với trường hợp bệnh nhân nuốt hoặc uống phải Stadeurax. Bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp thông thường giúp loại bỏ phần thuốc chưa được hấp thụ tại ống tiêu hoá người bệnh, chẳng hạn như uống than hoạt tính hoặc rửa dạ dày.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được điều trị hỗ trợ và điều trị các triệu chứng quá liều để ngăn ngừa các di chứng nguy hiểm khác. Mặt khác, những bệnh nhân dùng quá liều thuốc Stadeurax cũng không nên uống hay ăn các thực phẩm có chứa nhiều Carbohydrate trong vòng từ 4 – 6 giờ.

4. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Stadeurax

Trong quá trình điều trị bệnh ghẻ và ngứa bằng thuốc Stadeurax, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn sau:

  • Viêm da tiếp xúc, quá mẫn hoặc ngứa khi dùng Stadeurax, chẳng hạn như chàm, ban đỏ, phù mạch hoặc kích ứng da. Nếu tình trạng kích ứng da ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và báo cho bác sĩ chuyên môn ngay.
  • Việc sử dụng thuốc bôi ngoài da Stadeurax kéo dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ khác như giãn mạch, rạn da, teo da, mụn trứng cá, rậm lông hoặc viêm da quanh miệng.

Nếu nhận thấy xảy ra bất kỳ triệu chứng nào trong số trên, bệnh nhân cần thông báo hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được giải quyết sớm.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Stadeurax

Trong quá trình sử dụng kem bôi ngoài da Stadeurax, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau đây:

  • Trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần kiểm tra hạn sử dụng cũng như chất lượng của thuốc. Tuyệt đối không bôi thuốc đã hết hạn hoặc thuốc bị ẩm mốc, đổi màu hay biến tính,...
  • Tránh bôi thuốc lên các vùng da gần mắt, âm đạo, miệng hoặc khu vực da bị trợt.
  • Không bôi thuốc lên bề mặt da đang trầy xước, chảy máu, rỉ nước hoặc bị viêm cho tới khi tình trạng viêm đỡ hẳn.
  • Nếu xảy ra kích ứng hay có dấu hiệu quá mẫn sau khi bôi thuốc, bệnh nhân cần ngừng điều trị ngay và tìm kiếm biện pháp khắc phục thích hợp.
  • Thận trọng khi bôi thuốc Stadeurax cho trẻ em.
  • Hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào về tính an toàn của thuốc Stadeurax đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Tốt nhất, những đối tượng này nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng Stadeurax.

Sự tương tác giữa thuốc Stadeurax và thuốc khác vẫn chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi khi dùng thuốc Stadeurax, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, nhất là những thuốc bôi ngoài da khác.

Trên đây là một số thông tin về công dụng của thuốc Stadeurax, nếu bạn cần tư vấn hay còn bất kỳ câu hỏi nào thắc mắc, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ/dược sĩ có chuyên môn để được giải đáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan