Công dụng thuốc Ropivacaine

Thuốc Ropivacaine nằm trong nhóm thuốc gây tê tại chỗ hay còn gọi là gây tê cục bộ. Thành phần chính là hoạt chất Ropivacaine cũng là tên thuốc, Ropivacaine được dùng trong gây tê để phẫu thuật, giảm đau cấp tính ở người lớn và trẻ em trong và sau khi phẫu thuật.

1. Công dụng thuốc Ropivacaine

Ropivacaine thuộc nhóm thuốc gây tê tại chỗ, có thành phần chính là hoạt chất Ropivacaine. Hoạt chất này có tác dụng gây tê tại chỗ và giảm đau trong thời gian dài.

Ropivacaine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm 2mg/ml, 7,5mg/ml, 10mg/ml và dung dịch tiêm truyền 2mg/ml. Ropivacaine được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Gây tê trong phẫu thuật: Gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật, bao gồm cả sinh mổ; gây tê có chọn lọc; phong bế thần kinh ngoại biên; phong bế thần kinh lớn; gây tê nội tủy mạc.
  • Giảm cơn đau cấp tính: Tiêm truyền Ropivacaine liều cao gián đoạn hoặc truyền liên tục ngoài màng cứng nhằm mục đích giảm đau sau sinh mổ hoặc phẫu thuật; gây tê có chọn lọc; phong bế thần kinh ngoại biên; truyền hoặc tiêm gián đoạn phong bế thần kinh ngoại biên liên tục nhằm mục đích kiểm soát cơn đau cấp sau khi phẫu thuật.
  • Giảm cơn đau cấp tính ở trẻ em trong và sau khi phẫu thuật: Gây tê có chọn lọc, phong bế thần kinh ngoại biên ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tuổi để giảm đau hậu phẫu. Truyền Ropivacaine liên tục ngoài màng cứng, phong bế ngoài màng cứng vùng thắt lưng cùng ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tuổi để giảm đau trong và sau hậu phẫu.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ropivacaine

Ropivacaine được dùng theo đường tiêm truyền và việc gây mê, gây tê được tiến hành bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ. Trước và trong khi tiêm cần thận trọng để không tiêm nhầm vào mạch máu. Trường hợp phải sử dụng thuốc tê liều cao, nên test thử 1 liều lidocain có adrenalin 3 - 5ml. Nếu tiêm nhầm khoang dưới màng nhện hoặc mạch máu, mạch tim sẽ đập nhanh hơn hoặc có tình trạng tê tủy sống.

Liều dùng thuốc Ropivacaine sẽ được tùy chỉnh theo thể trạng của người bệnh. Đối với thuốc gây tê, tốt nhất là nên dùng liều thấp nhất nhưng phải có hiệu quả. Liều dùng Ropivacaine trong gây tê để phẫu thuật cụ thể như sau:

  • Gây tê ngoài màng cứng vùng lưng: 15 - 20ml (dung dịch 7,5mg/ml hoặc 10mg/ml).
  • Gây tê ngoài màng cứng vùng ngực (phong bế hậu phẫu): 5 - 15ml (dung dịch 7,5mg/ml).
  • Phong bế dây thần kinh lớn: 30 - 40ml (dung dịch 7,5mg/ml).
  • Gây tê vùng (tiêm thuốc dưới da): không vượt quá 30ml (dung dịch 7,5mg/ml).
  • Sinh mổ: 15 - 20ml (dung dịch 7,5mg/ml).

Liều dùng Ropivacaine trong để giảm đau cụ thể như sau:

  • Gây tê ngoài màng cứng vùng lưng: 10 - 20 ml (dung dịch 2mg/ml), tiếp
  • theo 10 - 15ml (dung dịch 2mg/ml), mỗi lần tiêm cách nhau tối thiểu 30 phút; hoặc tiêm truyền liên tục ngoài màng cứng 6 - 10ml/giờ (dung dịch 2mg/ml) để giảm cơn đau chuyển dạ; hoặc tiêm truyền liên tục ngoài màng cứng 6 - 14ml/giờ (dung dịch 2mg/ml) để giảm đau hậu phẫu.
  • Gây tê ngoài màng cứng vùng ngực: Tiêm truyền liên tục Ropivacaine 6 - 14ml/giờ (dung dịch 2mg/ml).
  • Gây tê vùng (tiêm thuốc dưới da): Tiêm liều không vượt quá 100ml (dung dịch 2mg/ml).
  • Gây tê ngoài màng cứng vùng khoang cùng ở trẻ trên 1 tuổi và có cân nặng dưới 25kg: Tiêm 2mg/kg cân nặng (dung dịch 2mg/ml) để giảm đau trước và sau khi phẫu thuật).

Quá liều thuốc Ropivacaine có thể gây ra các triệu chứng như hạ huyết áp, co giật, hôn mê, ngừng thở, ngừng tim. Khi đó, người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch, tiêm tĩnh mạch thiopental 1 - 3mg/kg hoặc diazepam 0,1mg/kg. Trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc vận mạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Ropivacaine

Ropivacaine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như nổi mẩn đỏ trên da, phát ban, hắt hơi, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi, khó thở, sưng mặt, miệng, lưỡi, họng.

Ropivacaine cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như bồn chồn, lo lắng, ù tai, thị lực hoặc nói có vấn đề, miệng bị ngứa ran hoặc tê, có vị kim loại, chấn động, thở yếu hoặc chậm, co giật, mạch yếu, nhịp tim chậm hoặc nhanh, thở hổn hển, người nóng bất thường. Khi đó, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ.

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn của thuốc Ropivacaine như đau đầu, buồn nôn, nôn, sốt, đau lưng, ngứa ran, tê, chức năng tình dục và tiểu tiện có vấn đề.

Đối với các loại thuốc nói chung, bao gồm cả Ropivacaine, nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường, người bệnh cần sớm liên hệ hoặc báo ngay với bác sĩ.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Ropivacaine

  • Không dùng thuốc Ropivacaine ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc hoặc thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm Amide, người bị giảm thể tích máu. Không sử dụng Ropivacaine trong gây tê vùng tĩnh mạch, gây tê cổ tử cung trong sản khoa.
  • Gây tê nói chung và gây tê với Ropivacaine nói riêng cần được thực hiện đảm bảo tại cơ sở y tế và đội ngũ nhân viên y tế với trang thiết bị và thuốc cần thiết, đề phòng trường hợp cấp cứu xảy ra cần hồi sức và theo dõi. Trong quá trình tiêm, tránh không tiêm vào các vùng bị viêm nhiễm.
  • Đối với thủ thuật gây tê ngoài màng cứng và trong ổ bụng bằng thuốc Ropivacaine, cần thận trọng khi xảy ra hạ huyết áp và nhịp tim chậm. Lúc này, cần xử trí hạ huyết áp bằng thuốc vận mạch tiêm tĩnh mạch.
  • Đối với người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III mà phải thực hiện gây tê với Ropivacaine, cần theo dõi chặt chẽ với điện tâm đồ để phòng ngừa tác dụng phụ trên tim có thể xảy ra.
  • Đối với thủ thuật gây tê tại chỗ thuộc vùng đầu - cổ, cần thận trọng vì nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng do thuốc gây ra.
  • Khi thực hiện phong bế thần kinh ngoại biên chính với thuốc Ropivacaine, cần lưu ý nồng độ thuốc trong huyết tương có thể tăng cao.
  • Chỉ được tiêm Ropivacaine trong trường hợp không có thuốc nào thay thế và an toàn hơn ở người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.
  • Trừ trường hợp sử dụng Ropivacaine để tiêm ngoài màng cứng khi sinh mổ, phụ nữ đang mang thai và nuôi con cho bú không được dùng thuốc vì còn hạn chế về dữ liệu nghiên cứu.
  • Hoạt động lái xe và vận hành máy móc có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng thuốc Ropivacaine nói riêng và thuốc gây tê tại chỗ nói chung nhưng còn tùy thuộc vào liều lượng.
  • Ropivacaine có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ toàn thân khi dùng đồng thời với thuốc gây tê tại chỗ khác, thuốc chống loạn nhịp tim; tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của cả hai loại thuốc nếu dùng cùng với thuốc giảm đau nhóm opioid hoặc thuốc gây mê; giảm độ thai thải trong huyết tương khi dùng cùng với Ketoconazole, thuốc ức chế chọn lọc và mạnh CYP3A4.
  • Trong mọi trường hợp, để hạn chế sự tương tác giữa các loại thuốc với Ropivacaine, tốt nhất người bệnh nên cung cấp đầy đủ các loại thuốc đã và đang sử dụng, trong đó phải bao gồm thuốc được kê đơn hoặc không, các loại thực phẩm chức năng bổ sung và sản phẩm thảo dược.

Công dụng của thuốc Ropivacaine là gây tê trong phẫu thuật, bao gồm cả sinh mổ. Ngoài ra, Ropivacaine còn có tác dụng giảm các cơn đau cấp tính ở cả trẻ em và người lớn, trong và sau khi phẫu thuật. Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan