Công dụng thuốc Rifaxon

Thuốc Rifaxon thường được dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch dưới sự giám sát của bác sĩ để điều trị giảm đau và hạ sốt nhanh chóng cho bệnh nhân. Trong suốt thời gian điều trị bằng thuốc Rifaxon, bệnh nhân cần theo dõi các phản ứng của cơ thể và thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý.

1. Thuốc Rifaxon là thuốc gì?

Rifaxon là dung dịch tiêm truyền được sử dụng để điều trị các cơn đau vừa – nhẹ, đồng thời giúp hạ sốt hiệu quả. Hiện nay, thuốc Rifaxon được đội ngũ chuyên gia đánh giá là một lựa chọn giảm đau hạ sốt hữu hiệu, nhất là trong những trường hợp có cơn đau kéo dài nhiều ngày mà không thể thuyên giảm khi sử dụng thuốc uống.

Thuốc Rifaxon được nhập khẩu từ Đức và lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Trong mỗi một lọ dung dịch tiêm truyền Rifaxon có chứa các thành phần dược chất sau:

Các tá dược khác: Natri clorid, Cysteine hydrochloride monohydrate, Dinatri phosphate, Acid hydrochloride, Natri metabisulfit và nước cất vừa đủ 100ml.

2. Thuốc Rifaxon có tác dụng gì?

Thuốc Rifaxon có tác dụng gì? Hoạt chất chính Paracetamol (N-acetyl-p-aminophenol) trong thuốc Rifaxon là một chất chuyển hoá có hoạt tính của Phenacetin, mang lại tác dụng hạ sốt và giảm đau nhanh chóng, tuy nhiên không có khả năng chống viêm. Theo nghiên cứu cho thấy, công dụng giảm đau và hạ sốt của Paracetamol cũng tương tự như Aspirin.

Nhờ vào sự tác động lên các Receptor cảm giác ngoại vi, hoạt chất Paracetamol có tác động tốt đối với nhiều loại đau khác nhau, tuy nhiên khả năng giảm đau chỉ ở mức vừa, không thể giảm đau mạnh và sâu trong nội tạng như các Opioid. Ở liều điều trị, Paracetamol có tác dụng lên hệ tim mạch, hô hấp và không gây kích ứng dạ dày.

3. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Rifaxon

3.1. Chỉ định sử dụng thuốc Rifaxon

Thuốc Rifaxon được dùng rộng rãi để điều trị cho các tình trạng sau:

  • Chứng đau mức độ nhẹ - trung bình, chẳng hạn như đau bụng kinh, đau đầu, đau răng,...
  • Giảm đau tạm thời đối với những cơn đau có nguồn gốc không phải từ nội tạng hoặc cải thiện cơn đau sau phẫu thuật.
  • Hạ sốt, giúp giảm thân nhiệt nhanh chóng cho người bệnh.

3.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Rifaxon

Không sử dụng thuốc Rifaxon cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn với Paracetamol hay bất kỳ thành phần tá dược có trong thuốc.
  • Chống chỉ định cho bệnh nhân bị thiếu máu nhiều lần, mắc bệnh tim, gan, thận hoặc phổi.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Rifaxon cho người bị thiếu hụt men G6PD.
  • Phụ nữ đang có thai trong 3 tháng đầu.

4. Hướng dẫn về liều lượng và cách dùng thuốc Rifaxon hiệu quả

4.1. Liều lượng sử dụng thuốc Rifaxon

Bệnh nhân cần dùng thuốc Rifaxon theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng khuyến cáo tính theo cân nặng như sau:

  • Người lớn > 50kg: Truyền tĩnh mạch 1 lọ / lần, mỗi lần cách nhau khoảng 4 – 6 giờ, dùng tối đa 4 lọ / ngày.
  • Người lớn < 50kg: Truyền tĩnh mạch 15mg / kg thể trọng x số cân nặng mỗi lần, sau mỗi 4 – 6 giờ sẽ truyền một lần, tuy nhiên không nên dùng vượt quá 60mg / kg / ngày. Riêng bệnh nhân bị suy dinh dưỡng mạn, nghiện rượu hoặc mất nước thì không được truyền quá 3g / ngày (tương đương 3 lọ / ngày).
  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng > 32 tuần tuổi: Dùng liều 7,5mg / kg thể trọng và cứ sau 8 giờ truyền một lần, tuy nhiên chỉ dùng tối đa 25mg / kg / 24 giờ.
  • Trẻ sơ sinh thông thường: Dùng liều 10mg / kg, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ và không truyền quá 30mg / kg / 24 giờ.
  • Trẻ nặng < 10kg: Dùng liều 10mg / kg, mỗi lần truyền cách nhau từ 4 – 6 giờ, dùng tối đa 30mg / kg / 24 giờ.
  • Trẻ nặng từ 10 – 50kg: Dùng liều 15mg / kg, mỗi lần truyền cách nhau từ 4 – 6 giờ, dùng liều tối đa 60mg / kg / 24 giờ.
  • Trẻ > 50kg: Dùng như liều của người lớn.
  • Bệnh nhân suy thận: Dùng thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch tốc độ chậm, không quá 30ml / phút và có thể giảm liều hàng ngày hoặc giãn cách rộng thời gian giữa các lần tiêm nếu cần thiết.

4.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Rifaxon đúng cách

Thuốc Rifaxon được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch dưới sự giám sát của bác sĩ. Thuốc sẽ được pha loãng với nồng độ tối thiểu là 1mg / ml trong dung dịch Glucose 5% hoặc Natri clorid 0,9% và phải sử dụng ngay trong vòng 1 giờ sau khi pha.

Khi tiêm hoặc truyền tĩnh mạch thuốc Rifaxon cần được thực hiện bởi cán bộ y tế có đủ chuyên môn. Trong quá trình tiêm truyền dung dịch, bệnh nhân cần nằm yên trên giường, để cánh tay thả lỏng thoải mái và tránh cử động.

5. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Rifaxon

Nhìn chung, thuốc Rifaxon được dung nạp tốt và ít khi gây ra tác dụng phụ. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng dị ứng với những biểu hiện như sốt do thuốc, nổi mày đay, phát ban da, buồn nôn hoặc ói mửa,...

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc phải một số phản ứng trên da nghiêm trọng khi dùng thuốc Rifaxon, chẳng hạn như hội chứng Stevens – Johnson, hoại tử biểu bì, hội chứng Lyell, mụn mủ hoăc phát ban đỏ cấp. Những tình trạng này mặc dù hiếm gặp nhưng có nguy cơ gây tử vong nếu điều trị chậm trễ. Vì vậy, khi nhận thấy trên da có các biểu hiện bất thường, bạn cần nhanh chóng báo cho bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể.

Bên cạnh những tác dụng phụ trên, một số trường hợp bệnh nhân còn gặp phải hiện tượng rối loạn tạo máu, chẳng hạn như giảm tiểu cầu, giảm toàn thể huyết cầu hoặc giảm bạch cầu trung tính.

6. Cần thận trọng những gì khi sử dụng thuốc Rifaxon?

6.1. Lưu ý quan trọng khi điều trị bằng thuốc Rifaxon

Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc để tự điều trị giảm đau quá 5 ngày cho trẻ em và quá 10 ngày cho người lớn khi chưa được bác sĩ chấp thuận. Thông thường, những cơn đau nặng và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị với các biện pháp cụ thể.

Ngoài ra, tránh sử dụng thuốc Rifaxon cho người sốt trên 39,5oC, sốt tái phát hoặc sốt kéo dài quá 3 ngày. Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú chỉ nên cân nhắc dùng thuốc Rifaxon khi thực sự cần thiết và phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

6.2. Cách xử trí quá liều thuốc Rifaxon

Việc truyền quá liều thuốc Rifaxon có thể gây ra tình trạng nhiễm độc Paracetamol và dẫn đến các triệu chứng như:

  • Hoại tử gan – tình trạng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra khi dùng quá liều Paracetamol, thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Buồn nôn, nôn ói và thường xuyên đau bụng sau khi uống quá liều thuốc khoảng 2 – 3 giờ.
  • Có biểu hiện của tình trạng Methemoglobin máu, gây ra chứng xanh tím da, móng tay hoặc niêm mạc.
  • Các trường hợp nhiễm độc Paracetamol nặng thường có dấu hiệu ban đầu là kích thích thần kinh trung ương (mê sảng hoặc kích động), sau đó bị ức chế hệ thần kinh gây ra các triệu chứng như thở nhanh và nông, hạ thân nhiệt, mạch đập nhanh, mệt lả, mạch yếu, mạch không đều, suy tuần hoàn hoặc hạ huyết áp.
  • Thậm chí, người bệnh có thể gặp phải tình trạng trụy tim mạch, co giật nghẹt thở, sốc và tử vong.

Để tránh nguy cơ dùng quá liều thuốc Rifaxon, bệnh nhân cần tuân thủ thực hiện chặt chẽ theo mọi khuyến cáo về liều lượng của bác sĩ. Nếu xảy ra hiện tượng quá liều, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để sớm có biện pháp xử trí. Ngoại trừ các cách giải độc nói chung, người bệnh dùng quá liều Rifaxon cần được điều trị thông qua uống tiền chất của Glutathione, cụ thể là Methionine hoặc Acetylcysteine càng sớm càng tốt. Nếu xử lý tình trạng quá liều thuốc lâu hơn 36 giờ, chức năng gan của bệnh nhân sẽ bị tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi được.

7. Thuốc Rifaxon tương tác với các loại thuốc nào?

Khi điều trị giảm đau hạ sốt bằng Rifaxon, bệnh nhân cần tránh dùng chung với các thuốc khác sau đây:

  • Thuốc Phenothiazine kết hợp với Rifaxon dễ làm giảm thân nhiệt nghiêm trọng.
  • Rượu gây tăng độc tính của Paracetamol đối với gan, dẫn đến hiện tượng hôn mê gan.
  • Thuốc Probenecid dùng cùng với Rifaxon có thể làm giảm khả năng đào thải của Paracetamol.
  • Dùng Rifaxon đồng thời với các loại thuốc chống co giật như Carbamazepine, Barbiturate hoặc Phenytoin có thể làm tăng độc tính của hoạt chất Paracetamol.
  • Dùng chung Rifaxon với Isoniazid hoặc thuốc chống lao có thể làm tăng nguy cơ gây ra các tác dụng phụ của Paracetamol.

Thuốc Rifaxon thường được dùng bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch dưới sự giám sát của bác sĩ để điều trị giảm đau và hạ sốt nhanh chóng cho bệnh nhân. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

109 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan