Công dụng thuốc Najen

Najen thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid, thuốc điều trị bệnh gout và các bệnh xương khớp, có công dụng làm giảm đau, kháng viêm với các bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống dạng thấp. Najen là thuốc kê đơn, người bệnh chỉ được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

1. Thuốc Najen là thuốc gì?

Thuốc Najen có thành phần chính là hoạt chất Aceclofenac 100mg và các tá dược khác như Lactose monohydrat, titan dioxyd, PEG 4000, povidon, polysorbate 80, cellulose vi tinh thể M112, silicon dioxide, magnesi stearat. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén bao phim, viên nén tròn, bao phim màu trắng, một mặt trơn, mặt kia có dập gạch ngang, đóng thành hộp 3 vỉ x10 viên hoặc hộp 10 vỉ x 10 viên.

2. Najen có tác dụng gì?

Cơ chế hoạt động của thuốc: hoạt chất Aceclofenac có khả năng gây ức chế, ngăn chặn sự sinh sản của các chất tương tương tự hormone gọi là prostaglandin - chất trung gian của quá trình viêm khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn, giúp người bệnh giảm bớt được những cơn đau.

2.1. Công dụng - chỉ định thuốc Najen

Thuốc Najen được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người mắc bệnh viêm xương-khớp: Bị tổn thương các mô, xương ở các khớp. Đặc biệt là những người trên 50 tuổi thường xuyên gặp phải căn bệnh này, gây đau và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Người bị chứng viêm đa khớp dạng thấp.
  • Người bị viêm cứng khớp đốt sống: Các khớp dính lại với nhau.
  • Ngoài ra còn được điều trị cho các bệnh khác như đau răng, đau lưng, chấn thương,...

2.2. Chống chỉ định dùng thuốc Najen

Thuốc Najen chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau:

  • Người bị dị ứng hoặc bị mẫn cảm với hoạt chất Aceclofenac hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Người có tiền sử bị dị ứng với các nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid.
  • Người không sử dụng được các thuốc NSAID hoặc aspirin. Gặp các triệu chứng như: Các cơn hen phế quản gây thắt chặt ở ngực, khó thở và thở khò khè, sổ mũi, hắt hơi và ngứa, nổi ban đỏ thành mảng trên da, ngứa, châm chích hoặc bỏng.
  • Người bị suy thận.
  • Người từng bị, đang bị hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh loét dạ dày, bị nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu (phân đen).
  • Người bị bệnh tim hoặc bệnh mạch máu não, người đang có vấn đề về lưu thông máu hoặc bị rối loạn đông máu, rối loạn chảy máu.
  • Không nên sử dụng Najen cho phụ nữ đang mang thai. Nếu bắt buộc phải dùng, hỏi ý kiến của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối theo đúng liều lượng được kê.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Najen

Cách dùng: Thuốc Najen được điều chế dưới dạng viên nén bao phim nên được sử dụng trực tiếp bằng đường uống, kèm với một lượng nước vừa đủ. Tránh uống thuốc cùng với các loại chất lỏng khác như rượu bia, đồ uống có ga, nước ngọt, không nghiền nát hay bẻ đôi viên thuốc, gây ảnh hưởng đến các hoạt chất có trong thuốc. Người bệnh có thể uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày, ruột.

Liều dùng:

  • Với người lớn: Dùng liều khuyến cáo 100mg/2 lần/ngày. Có thể thay đổi liều lượng và số lần uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh cụ thể của bệnh nhân.
  • Với trẻ em: Chưa có báo cáo nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng thuốc Najen cho trẻ em.

Trong trường hợp quên liều: Người bệnh có thể uống ngay khi nhớ ra, tuy nhiên, nếu quá gần với thời gian sử dụng liều Najen tiếp theo, bỏ qua liều quên và uống liều theo lịch trình đã chỉ định. Lưu ý, không được uống gấp đôi số liều để bù cho liều đã quên, tránh dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc quá liều.

Trong trường hợp quá liều: Hiện tại chưa có báo cáo nào ghi nhận các triệu chứng khi sử dụng thuốc quá liều.

4. Tác dụng phụ của thuốc Najen

Cũng giống như các loại thuốc khác, ngoài công dụng chính mà Najen mang lại, người bệnh cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

Các triệu chứng hiếm gặp:

  • Các phản ứng dị ứng nặng: Sốt, khó thở, thở khò khè, đau bụng, buồn nôn, nôn, phù mặt. Các triệu chứng này phát triển rất nhanh và có thể dẫn đến tử vong.
  • Các triệu chứng ban da nặng: Hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc. Các triệu chứng này phát triển nhanh chóng thành các mảng phồng rộp lớn và tróc da và cũng có thể dẫn đến tử vong.
  • Gây viêm màng não, sốt cao, nhức đầu, nổi mẩn đỏ, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Gây suy thận.
  • Gây đau bụng, khó tiêu, ợ nóng hoặc các triệu chứng khác thường khác ở dạ dày.
  • Gây rối loạn về máu: Giảm khả năng sản xuất các tế bào máu, thiếu máu tán huyết, làm giảm đi lượng sắt có trong máu, giảm số lượng tiểu cầu, bạch cầu, gây kích ứng các mạch máu gây viêm mạch.
  • Cơ thể mệt mỏi, đau khớp, bầm tím, dễ bị nhiễm trùng nhiều lần.

Các triệu chứng thường gặp:

  • Gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, tăng lượng enzym gan trong máu

Các triệu chứng ít gặp:

  • Đầy hơi.
  • Kích ứng hoặc viêm niêm mạc dạ dày.
  • Gây táo bón, loét miệng, nôn, ngứa, phát ban.
  • Viêm da, xuất hiện các mảng đỏ ngứa, bỏng trên da, các nốt giống côn trùng đốt.
  • Tăng lượng ure, creatinin trong máu.

Các trường hợp rất hiếm gặp:

  • Khó ngủ, mơ ngủ bất thường, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, vị giác bất thường, viêm miệng, khó thở, thở rít, cảm giác chóng mặt khi đứng dậy
  • Cảm giác khó chịu trên da, ngứa râm ran
  • Viêm tụy, thủng dạ dày, ruột hoặc thành ruột già, tổn thương gan, thận, giữ nước và phù nề.

Các trường hợp chưa rõ tần suất:

  • Gây ảo giác, lúc lẫn, nhìn mờ, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, đau khi vận động mắt.
  • Gây hen phế quản.
  • Gây nguy cơ huyết khối tim mạch.

5. Tương tác của thuốc Najen

Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ về tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin, thuốc dược liệu mà mình đang sử dụng để giảm thiểu tối đa các tương tác không may xảy ra. Một số loại thuốc cần thông báo sau:

  • Các loại thuốc điều trị vấn đề tâm thần: Citalopram, Escitalopram, Fluvoxamine, Fluoxetine, Paroxetine và Sertraline hoặc Lithium.
  • Các loại thuốc dùng để điều trị tim như suy tim, nhịp tim không đều: Digoxin, glycosid tim.
  • Các loại thuốc dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp: Lisinopril, Enalapril.
  • Các loại thuốc đối kháng: Losartan, Candesartan, Methyldopa, Clonidine, Hydralazine, Moxonidin, Propranolol.
  • Thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin.
  • Thuốc lợi tiểu: Thiazid, Amiloride, Furosemid, Hydroclorothiazid.
  • Thuốc kháng đông: Heparin, Warfarin.
  • Thuốc dùng điều trị sưng, viêm, thuốc steroid: Hydrocortison, Prednison.
  • Thuốc điều trị HIV, thuốc ức chế khả năng miễn dịch sau khi ghép các cơ quan.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Najen

Khi sử dụng thuốc Najen, người dùng cần thận trọng một số lưu ý sau:

  • Thông báo cho bác sĩ nếu người dùng gặp các vấn đề về sức khỏe dưới đây vì thuốc có thể khiến chúng nặng thêm:
    • Bị rối loạn dạ dày, viêm ruột mạn tính, loét hoặc thủng dạ dày.
    • Bị hen phế quản hoặc các vấn đề hô hấp khác.
    • Bị đau thắt ngực, tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng các chất béo trong cơ thể.
  • Nếu bị bệnh thủy đậu, cần tránh dùng thuốc này vì có thể bị nhiễm trùng da nặng.
  • Sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất nếu người dùng là người cao tuổi.
  • Nên ngưng sử dụng Najen ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như: khó thở, sốt, ban da, thắt ngực,...
  • Nếu người dùng là phụ nữ đang mang thai hoặc đang có ý định mang thai, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Najen vì thuốc có thể gây ra tình trạng khó mang thai.
  • Khuyến cáo không nên sử dụng thuốc cho phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ vì chưa có khuyến cáo độ an toàn cho đối tượng này.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc trong quá trình lái xe, tàu, vận hành máy móc vì thuốc có thể khiến buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, hoặc gặp vấn đề về thị giác.

Hy vọng với những thông tin chia sẻ về thuốc Najen trên sẽ giúp cho người dùng có thêm những kiến thức bổ ích, trang bị thêm cho mình những kỹ năng xử lý tình huống tốt khi xảy ra các vấn đề trong quá trình sử dụng. Lưu ý, Najen là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

690 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan