Công dụng thuốc Gabaneutril

Thuốc Gabaneutril được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Gabapentin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh và đau thần kinh ngoại biên.

1. Công dụng của thuốc Gabaneutril

Thuốc Gabaneutril có nhiều dạng hàm lượng khác nhau, tiêu biểu là thuốc Gabaneutril 100mg và thuốc Gabaneutril 300mg. Bài viết này chủ yếu đề cập tới Gabaneutril 300mg. 1 viên nang cứng Gabaneutril 300mg có chứa thành phần Gabapentin hàm lượng 300mg.

Gabapentin là thuốc chống co giật dùng để điều trị động kinh. Gabapentin có cấu trúc liên quan tới chất dẫn truyền thần kinh acid gamma aminobutyric trong não (GABA) trong não.

Chỉ định sử dụng thuốc Gabaneutril:

  • Động kinh:
    • Điều trị hỗ trợ các cơn động kinh cục bộ có/không có các cơn toàn thể thứ phát ở người từ 6 tuổi trở lên;
    • Dùng dạng đơn trị liệu để điều trị các cơn động kinh cục bộ có/không có các cơn toàn thể thứ phát ở người từ 12 tuổi trở lên’
  • Đau thần kinh ngoại biên: Sử dụng ở người lớn để điều trị đau thần kinh ngoại biên (như đau dây thần kinh sau herpes, đau thần kinh do bệnh tiểu đường).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Gabaneutril:

  • Người bị dị ứng, quá mẫn với thành phần Gabapentin hoặc tá dược khác.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Gabaneutril

Cách dùng: Đường uống, có thể kèm hoặc không kèm với thức ăn.

Liều dùng: Phác đồ dùng để điều trị cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên là: Ngày 1 dùng 300mg/lần/ngày; ngày 2 dùng 300mg/lần x 2 lần/ngày; ngày 3 dùng 300mg/lần x 3 lần/ngày. Nếu phải ngừng dùng Gabapentin thì nên ngừng thuốc một cách từ từ trong tối thiểu 1 tuần.

Liều dùng cụ thể như sau:

  • Bệnh động kinh: Thường cần điều trị dài ngày. Liều dùng được bác sĩ chỉ định phụ thuộc vào khả năng dung nạp của người bệnh và hiệu quả của thuốc:
    • Người lớn và thanh thiếu niên: Khoảng liều Gabapentin có hiệu quả là 900 - 3600mg/ngày. Có thể bắt đầu điều trị với liều chuẩn kể trên hoặc dùng liều 300mg/lần x 3 lần/ngày ở ngày đầu tiên. Sau đó, dựa trên đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân mà tăng liều dùng thêm 300mg/ngày, tăng dần mỗi 2 - 3 ngày tới khi đạt liều tối đa 3600mg/ngày. Mất khoảng 1 tuần để đạt mức liều 1800mg/ngày; 2 tuần để đạt mức liều 2400mg/ngày và 3 tuần để đạt mức liều 3600mg/ngày. Tổng liều hằng ngày nên chia thành 3 liều nhỏ, khoảng thời gian tối đa giữa 2 liều không nên vượt quá 12 giờ để tránh bùng phát các cơn co giật;
    • Trẻ em từ 6 tuổi trở lên: Liều khởi đầu là 10 - 15mg/kg/ngày, chia thành 3 liều. Mức liều có hiệu quả ở đối tượng này là 25 - 35m/kg/ngày. Tổng liều hằng ngày nên được chia thành 3 liều nhỏ, khoảng thời gian tối đa giữa 2 liều không nên vượt quá 12 giờ;
  • Đau thần kinh ngoại biên ở người lớn: Có thể bắt đầu điều trị với liều chuẩn kể trên hoặc dùng liều 300mg/lần x 3 lần/ngày. Sau đó, dựa trên đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân mà tăng liều dùng thêm 300mg/ngày, tăng dần mỗi 2 - 3 ngày tới khi đạt liều tối đa 3600mg/ngày. Mất khoảng 1 tuần để đạt mức liều 1800mg/ngày; 2 tuần để đạt mức liều 2400mg/ngày và 3 tuần để đạt mức liều 3600mg/ngày. Hiện chưa đánh giá được hiệu quả, độ an toàn của thuốc nếu dùng trên 5 tháng để điều trị các cơn đau thần kinh ngoại biên. Nếu người bệnh đề nghị dùng thuốc trên 5 tháng, bác sĩ nên đánh giá tình trạng lâm sàng của người bệnh và đưa ra quyết định có cần tăng thời gian hay không. Ở những bệnh nhân có sức khỏe không tốt như cân nặng thấp, sau phẫu thuật ghép tạng,... thì nên điều chỉnh liều dùng với tốc độ chậm hơn (dùng liều thấp hơn, kéo dài thời gian giữa các đợt tăng liều).

Liều dùng cho đối tượng khác:

  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Có thể cần điều chỉnh liều dùng thuốc nếu bị suy giảm chức năng thận. Nguy cơ buồn ngủ, hen suyễn và phù ngoại biên có tỷ lệ mắc phải cao hơn ở người cao tuổi;
  • Người bệnh suy thận: Điều chỉnh liều dùng theo độ thanh thải creatinin như sau:
    • Clcr ≥ 80ml/phút: Dùng liều 900 - 3600 mg/ngày (chia thành 3 lần/ngày);
    • Clcr 50 - 70ml/phút: Dùng liều 600 - 1800 mg/ngày (chia thành 3 lần/ngày);
    • Clcr 30 - 49ml/phút: Dùng liều 300 - 900 mg/ngày (chia thành 3 lần/ngày);
    • Clcr 15 - 29ml/phút: Dùng liều 150 - 600 mg/ngày (nên dùng liều 300mg, dùng cách ngày);
    • Clcr < 15ml/phút: Dùng liều 150 - 600 mg/ngày (giảm liều dùng tương ứng với độ thanh thải creatinin);
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo:
    • Bệnh nhân đang thẩm phân máu và chưa từng dùng Gabapentin: Dùng liều khởi đầu 300 - 400mg, sau đó dòng 200 - 300mg sau mỗi đợt lọc máu kéo dài 4 giờ;
    • Không sử dụng Gabapentin vào những ngày không lọc máu;
    • Liều duy trì Gabapentin dựa trên mức liều dùng khuyến cáo cho bệnh nhân suy thận. Ngoài mức liều duy trì, nên dùng thêm 1 liều 200 - 300mg sau mỗi đợt lọc máu kéo dài 4 giờ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Gabaneutril

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Gabaneutril gồm:

  • Rất thường gặp: Nhiễm virus, buồn ngủ, chóng mặt, mất điều hòa, mệt mỏi, sốt;
  • Thường gặp: Viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm tai giữa, giảm bạch cầu, nhiễm trùng, chán ăn, tăng cảm giác thèm ăn, lú lẫn, thái độ chống đối, dễ xúc động, lo âu, trầm cảm, căng thẳng, lo âu bất thường, co giật, loạn cận ngôn, tăng động, hay quên, mất ngủ, rùng mình, đau đầu, dị cảm, bất thường trong phối hợp, giảm cảm giác, giật cầu mắt, tăng/giảm/mất phản xạ, bất thường thị giác (giảm thị lực, nhìn đôi), chóng mặt, tăng huyết áp, giãn mạch, viêm phế quản, khó thở, viêm họng, ho, viêm mũi, buồn nôn, nôn ói, viêm nướu răng, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, khô miệng hoặc họng, đầy hơi, phù mặt, ban xuất huyết (giống các vết bầm tím do chấn thương thể chất), ngứa da, phát ban, nổi mụn, đau khớp, co cơ, đau cơ, đau lưng, liệt dương, tăng cân, chấn thương do tai nạn, trầy da, gãy xương;
  • Ít gặp: Phản ứng dị ứng (nổi mề đay), tăng đường huyết (hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường), giảm tinh thần, giảm chức năng vận động, đánh trống ngực, phù toàn thân, tăng ALT, tăng AST và tăng bilirubin, ngã;
  • Hiếm gặp: Hạ đường huyết (thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường), mất ý thức, ức chế hô hấp;
  • Chưa rõ tần suất: Giảm tiểu cầu, hội chứng quá mẫn cảm (sốt, phát ban, tăng bạch cầu ưa acid, bệnh hạch bạch huyết, viêm gan), phản ứng sốc phản vệ, hạ natri máu, ảo giác, rối loạn chuyển động (múa vờn, rối loạn trương lực), ù tai, viêm tụy, vàng da, phù mạch, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, rụng tóc, phát ban thuốc đi kèm tăng bạch cầu ưa acid, giật rung cơ, tiêu cơ vân, suy thận cấp, tiểu tiện không tự chủ, chứng vú to ở nam giới, rối loạn khả năng tình dục (thay đổi ham muốn, rối loạn xuất tinh, không đạt được cảm giác cực khoái), phản ứng cai nghiện thuốc (lo âu, mất ngủ, đau, đổ mồ hôi, buồn nôn), thay đổi nồng độ glucose máu ở bệnh nhân tiểu đường, tăng creatine phosphokinase máu.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Gabaneutril, người bệnh nên xin ý kiến bác sĩ và có thể phải ngừng điều trị nếu có các tình trạng nặng, nguy hiểm.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Gabaneutril

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Gabaneutril:

  • Nếu muốn giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc, cần tiến hành từ từ tối thiểu trong 1 tuần (đối với chỉ định động kinh);
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Gabaneutril ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú, người lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Gabaneutril

Một số tương tác thuốc của Gabaneutril gồm:

  • Đã có trường hợp bị ức chế hô hấp, giảm tỉnh táo khi sử dụng đồng thời Gabapentin và Opioid. Vì vậy, nên cẩn trọng khi phối hợp 2 thuốc trên, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi;
  • Sử dụng đồng thời Gabapentin với các thuốc kháng acid chứa muối nhôm và muối magie làm giảm sinh khả dụng của Gabapentin khoảng 20%. Do đó, nên dùng Gabapentin khoảng 2 giờ sau khi dùng thuốc kháng acid;
  • Sự bài tiết của Gabapentin qua thận bị giảm nhẹ khi sử dụng phối hợp với Cimetidin nhưng điều này không có ý nghĩa trên lâm sàng

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Gabaneutril, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và giảm nguy cơ gặp các sự cố khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

355 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan