Công dụng thuốc Neurogap

Thuốc Neurogap là thuốc có thành phần chính là Gabapentin và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là thuốc thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần có tác dụng chống co giật, điều trị động kinh.

1. Thuốc Neurogap là thuốc gì?

Thuốc Neurogap thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần có tác dụng chống co giật, điều trị hỗ trợ trong động kinh cục bộ. Thuốc Neurogap được bào chế dưới dạng viên nang, có quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 10 vỉ, mỗi vỉ gồm 10 viên nang - 300mg.

Thuốc Neurogap được cấu thành bởi hoạt chất chính là Gabapentin. Các tá dược vừa đủ bao gồm: Lactose, tinh bột ngô, magnesi stearat, talc tinh khiết, povidon K-30.

1.1. Dược lực học của hoạt chất

Hoạt chất Gabapentin là thuốc chống động kinh, co giật, thuốc liên quan đến acid gamma aminobutyric trong não (GABA).

1.2. Dược động học của hoạt chất

  • Khả năng hấp thu: Khi tăng liều dùng lên thì sinh khả dụng của gabapentin lại giảm xuống. Sinh khả dụng tuyệt đối của viên nang gabapentin khoảng 60%. Thức ăn bao gồm cả các chế độ ăn nhiều chất béo không có ảnh hưởng đến dược động học của gabapentin.
  • Khả năng phân bố: Gabapentin phân bố khắp cơ thể, vào được sữa mẹ, liên kết với protein huyết tương rất thấp (<3%). Thể tích phân bố của thuốc là 58 ± 6 lít ở người lớn.
  • Khả năng đào thải: Thời gian bán thải của gabapentin trong huyết tương không phụ thuộc theo liều và trung bình từ 5-7 giờ. Gabapentin được loại trừ ra khỏi huyết tương bởi quá trình thẩm phân lọc máu. Do đó cần điều chỉnh liều ở các bệnh nhân có chức năng thận suy giảm hay đang phải thẩm phân lọc máu. Nồng độ của gabapentin trong huyết tương ở trẻ em tương tự như ở người lớn.

2. Thuốc Neurogap có tác dụng gì?

Thuốc Neurogap có thành phần chính là Gabapentin được chỉ định dùng trong các trường hợp:

Động kinh:

  • Gabapentin được chỉ định như là đơn trị liệu trong điều trị các cơn động kinh cục bộ có hay không kèm theo các cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
  • Gabapentin được chỉ định như một điều trị hỗ trợ trong điều trị các cơn động kinh cục bộ có hay không kèm theo các cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

Đau thần kinh: Gabapentin được chỉ định điều trị đau do các dây thần kinh ngoại biên ở người lớn từ 18 tuổi trở lên.

3. Cách sử dụng thuốc Neurogap

3.1. Cách sử dụng Neurogap

Đối với thuốc Neurogap, người dùng sử dụng qua đường uống. Thời điểm uống thuốc hoàn toàn không phụ thuộc vào bữa ăn. Thuốc Neurogap được dùng để phối hợp với các thuốc chống động kinh khác.

3.2. Liều dùng thuốc Neurogap

Liều dùng thuốc Neurogap cần được tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong điều trị bệnh động kinh:

  • Cho người lớn và bệnh nhi khoa trên 12 tuổi: Khoảng liều có hiệu quả của gabapentin là từ 900 đến 3600mg/ngày, chia làm 3 lần/ngày, khi dùng liều cao có thể chia 4 lần/ngày tùy theo từng trường hợp cụ thể. Khoảng cách thời gian mỗi lần dùng thuốc không nên quá 12 giờ.
  • Cho các bệnh nhi khoa tuổi từ 3 đến 12 tuổi: Liều có hiệu quả của gabapentin là 25 đến 25mg/kg/ngày, chia 3 lần/ngày.
  • Đối với người bệnh suy giảm chức năng thận và đang thẩm phân máu phải giảm liều, liều thích hợp cần hiệu chỉnh theo độ thanh thải creatinin, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong điều trị đau do viêm các dây thần kinh ngoại biên, đau sau bệnh zona:

  • Người lớn: Liều khởi đầu là 900mg/ngày chia làm 3 liều nhỏ bằng nhau và tăng lên nếu cần thiết, dựa trên đáp ứng cụ thể của người bệnh cho đến khi đạt liều tối đa 1800mg/ngày.
  • Người cao tuổi: Liều dùng có thể thấp do chức năng thận kém, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3.3. Cách xử lý khi quên, quá liều

Quên liều:

Nếu quên liều khi đang trong quá trình dùng thuốc hãy dùng càng sớm càng tốt (thông thường có thể uống cách 1 - 2 giờ so với giờ được bác sĩ yêu cầu). Tuy nhiên nếu đã gần với thời gian sử dụng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm đã quy định và không được dùng gấp đôi liều lượng đã quy định.

Quá liều:

Quá liều cấp tính do uống Gabapentin đã được báo cáo. Triệu chứng thường thấy trong các trường hợp quá liều: song thị, rối loạn ngôn ngữ, ngủ gà, hôn mê và tiêu chảy. Tất cả các bệnh nhân đã được phục hồi sau khi điều trị hỗ trợ.

Có thể loại Gabapentin khỏi cơ thể bằng thẩm tách máu.

Trong các trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều có biểu hiện nguy hiểm, cần thông báo ngay cho Cơ sở y tế địa phương gần nhất để kịp thời xử lý.

3.4. Chống chỉ định thuốc Neurogap

Chống chỉ định sử dụng thuốc Neurogap với những người quá mẫn cảm, dị ứng với Gabapentin hay bất cứ thành phần nào của thuốc.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Neurogap

4.1 Thận trọng và cảnh báo khi sử dụng thuốc Neurogap:

  • Không được ngừng sử dụng đột ngột các thuốc chống động kinh vì có thể làm tăng tần số co giật.
  • Phải uống Gabapentin theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc có thể gây ra kết quả dương tính giả khi xét nghiệm protein niệu.
  • Dùng cho người cao tuổi: Thận trọng khi sử dụng đối với người bị suy giảm chức năng thận. Sử dụng liều dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Người vận hành tàu xe hoặc máy móc: Gabapentin có thể gây chóng mặt, ngủ gà và các triệu chứng suy giảm thần kinh trung ương khác. Do đó bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc cho tới khi có được sự minh mẫn nhất định.
  • Phụ nữ có thai và các bà mẹ cho con bú: Lưu ý chỉ sử dụng thuốc cho người mang thai và các bà mẹ cho con bú khi thực sự cần thiết và có cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn so với nguy cơ rủi ro.

4.2 Tác dụng phụ của thuốc Neurogap

Khi sử dụng thuốc Neurogap, bệnh nhân có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Hệ thần kinh: Vận động mất phối hợp, rung giật nhãn cầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, giảm trí nhớ. Trẻ em từ 3 đến 12 tuổi gặp các vấn đề về thần kinh như lo âu, thay đổi các ứng xử (quấy khóc, thái độ chống đối...)
  • Hệ tiêu hóa: Khó tiêu, táo bón, đau bụng, tiêu chảy.
  • Hệ tim mạch: Tăng huyết áp.
  • Hệ hô hấp: Viêm mũi, viêm họng - hầu, ho, viêm phổi
  • Mắt: Giảm thị lực
  • Cơ - xương: Đau cơ, đau khớp
  • Da: Mẩn ngứa, ban da
  • Máu: Giảm bạch cầu
  • Khác: Liệt dương, nhiễm virus

Những tác dụng phụ ít gặp và hiếm gặp khi sử dụng thuốc Neurogap:

  • Hệ thần kinh: mất trí nhớ, mất ngôn ngữ, trầm cảm hoặc thay đổi tâm thần, tính khí, rối loạn nhân cách, giảm chức năng vận động.
  • Hệ tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi, viêm miệng, mất hoặc rối loạn vị giác, loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng.
  • Hệ tim mạch: Hạ huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn mạch ngoại vi, hồi hộp.
  • Khác: Tăng cân, gan to.

Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.3 Tương tác thuốc Neurogap

  • Khi sử dụng cùng một lúc hai hoặc nhiều thuốc có thể xảy ra tương tác thuốc dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng.
  • Uống cách 2 giờ khi sử dụng cùng với thuốc kháng acid.
  • Cần cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

4.4 Bảo quản thuốc Neurogap

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 30°C, tránh ẩm và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Tránh xa tầm tay trẻ em và tránh xa thú nuôi.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Neurogap. Thuốc Neurogap là thuốc bán theo đơn có tác dụng chống co giật, điều trị động kinh. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan