Công dụng thuốc Spydael

Với hoạt chất chính là Gabapentin, thuốc Spydael được dùng trong điều trị động kinh và giảm đau do thần kinh. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng thuốc Spydael.

1. Công dụng thuốc Spydael

Spydael là thuốc chống động kinh và điều trị đau thần kinh. Spydael chứa hoạt chất chính là Gabapentin, được bào chế dưới dạng viên nang cứng với hàm lượng 400mg.

Gabapentin là thuốc chống động kinh và điều trị giảm đau do thần kinh, cơ chế của Gabapentin hiện chưa rõ. Trên động vật thực nghiệm, Gabapentin có tác dụng chống cơn duỗi cứng các chi sau khi làm sốc điện và thuốc cũng ức chế cơn co giật do pentylenetetrazol. Hiệu quả của thí nghiệm trên cũng tương tự như với các acid valproic nhưng khác với carbamazepin và phenytoin.

Cấu trúc hóa học của Gabapentin tương tự chất ức chế dẫn truyền thần kinh là acid gama-aminobutyric (GABA), tuy nhiên Gabapentin không tác động trực tiếp lên thụ thể GABA, không làm thay đổi cấu trúc, giải phóng, chuyển hóa và hấp thu của GABA. Các vị trí gắn Gabapentin có ái lực cao khu trú ở khắp não, vị trí này tương ứng với sự hiện diện của kênh calci phụ thuộc điện thế đặc trưng có đơn vị phụ alpha-2-delta-1. Kênh này nằm ở tiền synap và có thể điều hòa giải phóng chất dẫn truyền thần kinh kích thích thúc đẩy gây co giật và đau.

2. Chỉ định và chống chỉ định của Spydael

Chỉ định sử dụng Spydael trong các trường hợp sau:

  • Hỗ trợ điều trị động kinh cục bộ có hoặc không có cơn co giật toàn thể tái phát ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
  • Đơn trị liệu động kinh cục bộ có hoặc không có cơn co giật toàn thể tái phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
  • Thuốc Spydael còn được sử dụng trong điều trị đau dây thần kinh ngoại biên...

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân có phản ứng quá mẫn với Gabapentin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc Spydael.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Spydael

Liều khuyến cáo – khởi đầu điều trị:

  • Ngày 1: 300mg x 1 lần/ngày
  • Ngày 2: 300mg x 2 lần/ngày
  • Ngày 3: 300mg x 3 lần/ngày

Điều trị động kinh:

  • Động kinh thường cần phải điều trị lâu dài. Liều dùng phải được xác định bởi bác sĩ, tùy theo sự dung nạp và đáp ứng của từng cá nhân.

Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:

  • Dựa trên các dữ liệu lâm sàng, liều sử dụng hiệu quả là 900 – 3600mg/ngày. Liệu pháp này có thể được bắt đầu bằng cách dùng 300mg x 3 lần/ngày vào ngày đầu tiên. Sau đó tùy theo đáp ứng của bệnh nhân và khả năng dung nạp, liều dùng thuốc Gabapentin có thể tăng thêm 300mg/ngày trong 2 -3 ngày đến liều tối đa là 3600mg/ngày. Hiệu chỉnh liều dùng Gabapentin chậm hơn có thể phù hợp với đáp ứng của bệnh nhân.
  • Thời gian tối thiểu để đạt được liều dùng 1800mg/ngày là 1 tuần, đạt 2400mg/ngày là 2 tuần và đạt 3600mg/ngày là 3 tuần. Liều dùng tối đa 4800mg/ngày đã được chứng minh là dung nạp tốt trong các nghiên cứu lâm sàng. Tổng liều dùng hàng ngày nên được chia thành 3 lần/ngày, khoảng cách tối đa giữa các lần dùng thuốc Gabapentin không nên quá 12 giờ để tránh co giật.

Trẻ em từ 6 tuổi trở lên:

  • Liều Gabapentin khởi đầu nên dao động từ 10 – 15mg/kg/ngày và liều điều trị đạt được bằng cách hiệu chỉnh tăng liều trong thời gian khoảng 3 ngày. Liều dùng Gabapentin hiệu quả ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên 25 – 35mg/kg/ngày. Liều dùng thuốc tối đa là 50mg/kg/ngày đã được chứng minh là có dung nạp tốt trên các nghiên cứu lâm sàng. Tổng liều dùng Gabapentin hàng ngày nên được chia thành 3 lần dùng thuốc và khoảng cách tối đa giữa các lần dùng thuốc không nên quá 12 giờ.
  • Không cần theo dõi nồng độ thuốc Gabapentin trong huyết tương để tối ưu hóa liệu trình điều trị. Bên cạnh đó, Gabapentin có thể sử dụng kết hợp với các sản phẩm thuốc chống động kinh khác mà không cần chú ý đến sự thay đổi nồng độ Gabapentin hoặc các thuốc chống động kinh khác trong huyết tương.

Điều trị đau dây thần kinh ngoại vi:

  • Liệu pháp này có thể bắt đầu bằng cách định liều như đã mô tả trong bảng trên. Ngoài ra, có thể sử dụng liều Gabapentin khởi đầu là 900mg/ngày chia thành 3 lần. Sau đó, tùy theo đáp ứng của bệnh nhân và khả năng dung nạp, liều dùng có thể tăng thêm 300mg/ngày trong 2 - 3 ngày cho đến liều tối đa là 3600mg/ngày. Điều chỉnh liều dùng Gabapentin chậm hơn có thể phù hợp với đáp ứng của từng bệnh nhân. Thời gian tối thiểu để đạt được liều dùng 1800mg/ngày là 1 tuần, đạt 2400mg/ngày là 2 tuần và đạt 3600mg/ngày là 3 tuần.
  • Trong điều trị đau dây thần kinh ngoại biên như đau dây thần kinh do bệnh đái tháo đường, hiệu quả và sự an toàn chưa được kiểm chứng trong các nghiên cứu lâm sàng với thời gian điều trị dài hơn 5 tháng. Trường hợp bệnh nhân cần điều trị kéo dài hơn 5 tháng, bác sĩ nên đánh giá tình trạng lâm sàng của bệnh nhân và xác định nhu cầu điều trị bổ sung.

Chỉ định dùng Gabapentin cho các trường hợp đặc biệt:

  • Đối với bệnh nhân có suy giảm sức khỏe, nhẹ cân, sau khi phẫu thuật cấy ghép cơ quan... liều lượng sử dụng thuốc nên được điều chỉnh chậm hoặc sử dụng liều lượng thấp hơn, hoặc khoảng thời gian để tăng liều kéo dài hơn.
  • Người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên): có thể cần điều chỉnh liều dùng Gabapentin tùy theo chức năng thận. Triệu chứng buồn ngủ, phù ngoại biên và suy nhược có thể xảy ra thường xuyên hơn ở bệnh nhân lớn tuổi.

Bệnh nhân suy thận:

  • Điều chỉnh liều dùng Gabapentin ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận như bảng dưới đây. Khuyến cáo sử dụng chế phẩm Gabapentin 100mg cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận và đang thẩm phân máu cần điều chỉnh liều thích hợp theo độ thanh thải creatinin. Liều dùng Gabapentin được khuyến cáo như sau:
Độ thanh thải creatinin
(ml/phút)
Liều dùng hằng ngày
>= 80 900 – 3600mg/ngày, chia 3 lần/ngày
50 - 79 600 - 1800mg/ngày, chia 3 lần/ngày
30 - 49 300 - 900mg/ngày, chia 3 lần/ngày
15 - 29 300 - 600mg/ngày, chia 3 lần/ngày, uống cách nhật
< 15 300mg/ngày, chia 3 lần, uống cách nhật

Đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin < 15ml/phút, nên giảm liều dùng hàng ngày theo tỷ lệ thanh thải creatinin (chẳng hạn như bệnh nhân có độ thanh thải creatinin 7,5 ml/phút nên được dùng một nửa liều hàng ngày mà bệnh nhân có độ thanh thải creatinin 15ml/phút sử dụng).

Bệnh nhân đang thẩm phân máu:

  • Đối với các bệnh nhân thiếu máu não được thẩm tách máu mà chưa từng sử dụng Gabapentin thì nên sử dụng liều ban đầu 300 – 400mg, sau đó nên dùng 200 – 300mg Gabapentin sau mỗi 4 giờ thẩm phân máu. Vào ngày không lọc máu, không nên điều trị với Gabapentin.
  • Đối với bệnh nhân suy thận được thẩm tách máu, liều dùng Gabapentin duy trì nên được dựa trên các khuyến cáo về liều dùng trong bảng 2. Ngoài liều duy trì, cần đưa thêm liều 200 – 300mg sau mỗi lần điều trị thẩm tách máu trong 4 giờ.

4. Quá liều thuốc Spydael và xử trí

Độc tính cấp tính, đe dọa tính mạng không được quan sát thấy khi dùng quá liều Gabapentin đến 49g. Các triệu chứng của quá liều Gabapentin bao gồm: chóng mặt, nhìn đôi, nói líu, buồn ngủ, mất ý thức, tiêu chảy nhẹ. Khi sử dụng quá liều Gabapentin, đặc biệt khi kết hợp với các thuốc hạ cảm thần kinh trung ương khác có thể dẫn đến hôn mê.

Xử trí: Trong trường hợp quá liều thuốc Spydael, nên áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Mặc dù Gabapentin có thể được loại bỏ bằng cách thẩm tách máu, tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm trước, thường không bắt buộc áp dụng biện pháp này. Một số trường hợp bệnh nhân suy thận nặng có thể chỉ định thẩm tách máu.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Spydael

  • Phản ứng quá mẫn do thuốc: Đôi khi gây tử vong đã được báo cáo với một số thuốc chống động kinh, bao gồm cả Gabapentin. Lưu ý các biểu hiện của phản ứng quá mẫn như sốt, hạch to, có hoặc không có nổi ban. Nếu có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đánh giá và điều trị ngay. Ngưng sử dụng Gabapentin nếu không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Sốc phản vệ: Gabapentin có thể gây nên sốc phản vệ. Triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, sưng môi và cổ họng, lưỡi, hạ huyết áp và cần điều trị khẩn cấp. Ngưng sử dụng thuốc Spydael và điều trị hỗ trợ ngày nếu có các triệu chứng của phản ứng quá mẫn.
  • Ý nghĩ và hành vi tự sát: đã được báo cáo trong một số trường hợp trên bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống động kinh. Phân tích meta các thử nghiệm đối chứng giả dược ngẫu nhiên đối với các sản phẩm chống động kinh cũng cho thấy nguy cơ và hành vi tự tử tăng lên. Có chế của nguy cơ này chưa được biết rõ. Do đó cần theo dõi bệnh nhân về các dấu hiệu của ý tưởng và hành vi tự tử, cần xem xét điều trị thích hợp. Bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân cần được tư vấn để tìm lời khuyên về y tế khi xuất hiện các dấu hiệu này.
  • Viêm tụy cấp: nếu xuất hiện viêm tụy cấp khi được điều trị bằng Gabapentin, cần ngưng sử dụng thuốc.
  • Động kinh: mặc dù không có bằng chứng về cơn động kinh hồi phục với Gabapentin, việc ngưng sử dụng thuốc chống co giật đột ngột ở bệnh nhân động kinh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Tương tự các thuốc chống động kinh khác, một số bệnh nhân có thể gặp hiện tượng gia tăng tần suất bắt đầu các cơn co giật mới với Gabapentin. Bên cạnh đó, khi giảm loại thuốc chống động kinh sử dụng trên bệnh nhân, đưa đến liệu pháp đơn trị liệu – chỉ sử dụng Gabapentin có tỷ lệ thành công thấp.
  • Sử dụng đồng thời với opioid: bệnh nhân đang được điều trị đồng thời opioid nên được quan sát cẩn thận để phát hiện các dấu hiệu rối loạn trầm cảm của hệ thống thần kinh trung ương như buồn ngủ và suy nhược hô hấp. Bệnh nhân sử dụng đồng thời Gabapentin và Morphin có thể dẫn đến tăng nồng độ Gabapentin. Cần giảm liều dùng Gabapentin hoặc opioid.
  • Bệnh nhân lớn tuổi (trên 65 tuổi): chưa có nghiên cứu hệ thống về sử dụng Gabapentin cho bệnh nhân lớn tuổi. Trong một nghiên cứu mù đôi khi sử dụng Gabapentin cho bệnh nhân đau dây thần kinh, một số tác dụng ngoại ý như buồn ngủ, phù ngoại vi và suy ngược xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở người lớn tuổi so với người trẻ tuổi.
  • Sử dụng thuốc ở trẻ em: tác động của liệu pháp điều trị sử dụng Gabapentin kéo dài với thời gian hơn 36 tuần lên khả năng học tập, trí tuệ, phát triển ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được nghiên cứu đầy đủ. Lợi ích của liệu pháp điều trị kéo dài nên được cân nhắc so với những nguy cơ tiềm ẩn của nó.
  • Lạm dụng và lệ thuộc thuốc: các trường hợp này đã được báo cáo. Thận trọng với các bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc vì bệnh nhân có khả năng lệ thuộc vào sử dụng Gabapentin.
  • Ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm: Gabapentin có thể gây dương tính giả khi xét nghiệm protein niệu bằng dipstick. Do đó cần sử dụng các phương pháp phân tích khác như phương pháp Biuret, phương pháp đo độ đục hoặc so màu.
  • Thận trọng với tá dược: Methylparaben và propylparaben có thể gây ra các phản ứng dị ứng (có thể xảy ra chậm).
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Gabapentin có thể ảnh hưởng nhẹ hoặc trung bình đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Gabapentin tác động hệ thần kinh trung ương và có thể gây buồn ngủ, chóng mặt hoặc các triệu chứng liên quan khác. Thận trọng khi sử dụng thuốc Spydael khi bắt đầu điều trị và sau khi tăng liều.
  • Phụ nữ mang thai: Chỉ sử dụng Gabapentin cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết và đã cân nhắc kỹ lợi ích cho mẹ cao hơn nguy cơ cho thai nhi.
  • Phụ nữ đang cho con bú: khi sử dụng thuốc Gabapentin đường uống, thuốc có thể được bài tiết vào sữa mẹ. Chỉ sử dụng Gabapentin ở phụ nữ mang thai khi thật cần thiết và cân nhắc kỹ lợi ích hơn nguy cơ rủi ro.
  • Khả năng sinh sản: trong nghiên cứu trên động vật, Gabapentin không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

6. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Spydael

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi người bệnh sử dụng thuốc Spydael như sau:

  • Nhiễm trùng và nhiễm khuẩn: nhiễm virus, viêm phổi, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm tai giữa.
  • Toàn thân: mệt mỏi, sôt, đi tiểu nhiều, suy nhược, hội chứng giả cúm, hội chứng cai.
  • Rối loạn hệ miễn dịch: hội chứng quá mẫn, phản ứng toàn thân với các biến chứng như sốt, phát ban, viêm gan, hạch to, tăng bạch cầu ái toan, sốc phản vệ.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: chán ăn hoặc thèm ăn; tăng hoặc hạ đường huyết có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường; hạ natri máu.
  • Rối loạn tâm thần: thù hằn, lúng túng, lãnh cảm, trầm cảm, lo lắng, căng thẳng hoặc suy nghĩ bất thường, tăng kích động, ảo giác.
  • Rối loạn hệ thần kinh: buồn ngủ, chóng mặt, mất ngủ, co giật, tăng trương lực, rối loạn thần kinh, mất trí nhớ, run, mất ngủ, nhức đầu, suy nhược thần kinh, dị thường trong phối hợp cử động, hội chứng tiền đinh, tăng hoặc giảm phản xạ, mất ý thức.
  • Rối loạn thị giác: giảm thị lực, song thị.
  • Thính giác và tiền đình: chóng mặt, tiền đình.
  • Tim mạch: đánh trống ngực, tăng huyết áp, giãn mạch.
  • Hô hấp: khó thở, viêm mũi, viêm phế quản, ho, viêm họng.
  • Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, khó tiêu, khô miệng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, viêm tụy, rối loạn vị giác, vàng da, viêm gan.
  • Cơ xương: đau cơ, đau khớp, loãng xương, đau lưng, tiêu cơ vân, rung giật cơ.
  • Da: phù nề, mụn trứng cá, phát ban, ngứa, hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng, rụng tóc, phát ban do thuốc với bạch cầu ái toan hoặc các triệu chứng toàn thân.
  • Máu và hệ bạch huyết: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.

7. Tương tác thuốc

  • Cimetidin: Dùng đồng thời với thuốc Spydael có thể ức chế sự chuyển hóa Mebendazol trong gan và là tăng nồng độ thuốc trong huyết tương.
  • Mebendazol và Metronidazol: không được sử dụng đồng thời với thuốc Spydael.
  • Có các báo cáo về tình trạng suy giảm hô hấp, suy nhược thần kinh liên quan đến sử dụng đồng thời Gabapentin và opioid nên được theo dõi cẩn thận khi có dấu hiệu suy nhược thần kinh trung ương,như buồn ngủ, an thần, suy nhược hô hấp. Do đó cần giảm liều dùng thuốc Gabapentin hoặc opioid hợp lý.
  • Thuốc kháng acid chứa nhôm và magnesi làm giảm sinh khả dụng của Gabapentin khoảng 24% do ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Sử dụng Gabapentin sau thuốc kháng acid.

Thuốc Spydael là thuốc được dùng trong điều trị động kinh và giảm đau do thần kinh, với hoạt chất chính là Gabapentin. Vì Spydael là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

59 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan