Cortisporin là thuốc mỡ tra mắt được chỉ định điều trị các bệnh lý viêm vô khuẩn ở mắt. Vậy công dụng của Cortisporin và cách sử dụng thuốc như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.
1. Cortisporin là thuốc gì?
- Cortisporin có thành phần chính là Hydrocortisone, Neomycin và một số thành phần polymyxin B sulfat, kẽm bacitracin.
- Thành phần hydrocortisone có tác dụng kháng viêm, làm chậm quá trình lành vết thương. Vì steroid có thể ức chế cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng, nên có thể sử dụng đồng thời với thành phần kháng khuẩn là Neomycin làm tăng hiệu quả điều trị.
- Thuốc mỡ mắt Cortisporin có tác dụng kháng khuẩn, nhạy cảm trên các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, các liên cầu bao gồm Streptococcus pneumoniae, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, Klebsiella/ Enterobacter loài, Neisseria và Pseudomonas aeruginosa.
2. Chỉ định của thuốc Cortisporin
- Các trường hợp viêm ở vùng mắt có nhiễm khuẩn hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, tổn thương giác mạc do hóa chất, bức xạ, bỏng nhiệt hoặc do dị vật.
3. Chống chỉ định của thuốc Cortisporin
- Không sử dụng Cortisporin cho bệnh nhân bị dị ứng với thuốc nhóm steroid, Neomycin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Các bị lý viêm giác mạc, viêm kết mạc do virus như: Viêm giác mạc do herpes simplex, mới tiêm vac-xin thủy đậu, nhiễm trùng Mycobacterium ở mắt và các bệnh nấm khác.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cortisporin
- Thuốc mỡ Cortisporin có thể làm chậm quá trình lành vết thương ở giác mạc.
- Sử dụng thuốc kéo dài có thể dẫn đến tăng nhãn áp, tổn thương thần kinh thị giác, rối loạn thị lực, thị trường, đục thủy tinh thể do thành phần corticosteroid của thuốc.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát do dùng thuốc dài ngày. Trong những bệnh gây mỏng giác mạc hoặc củng mạc, có thể gây các vết thủng loét ở giác mạc. Khi có ổ nhiễm khuẩn có mủ ở mắt, Cortisporin có thể che lấp các biểu hiện nhiễm trùng hoặc tăng cường nhiễm trùng đang có.
- Cần xem xét liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ tăng nhãn áp ở bệnh nhân sử dụng thuốc trên 10 ngày.
- Sử dụng corticosteroid sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm chậm quá trình lành và tăng tỷ lệ bong màng lọc.
- Thành phần Neomycin sulfat của thuốc có thể gây mẫn cảm trên da khi sử dụng.
- Chưa có đủ bằng chứng đảm bảo tính an toàn của Cortisporin cho thai nhi và trẻ em, vì vậy phụ nữ có thai và đang cho con bú cần cân nhắc lợi ích khi sử dụng thuốc.
5. Tương tác thuốc của Cortisporin
Có thể xảy ra các phản ứng chéo khi dùng chung Kanamycin, Paromomycin, Streptomycin, Gentamicin với Cortisporin.
6. Liều dùng và cách dùng Cortisporin
Cách dùng:
- Cortisporin được bào chế dưới dạng tra mắt.
- Dùng thuốc tránh để đầu lọ tiếp xúc trực tiếp với mi mắt hay bất cứ bề mặt nào khác.
- Không sử dụng cùng 1 lọ thuốc cho nhiều bệnh nhân vì tăng nguy cơ lây nhiễm.
Liều dùng:
- Bôi thuốc mỡ vào mắt bị ảnh hưởng sau mỗi 3 - 4 giờ, tùy thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh.
- Không dùng quá 8 gam và không sử dụng lại liều cũ Cortisporin khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị.
7. Tác dụng phụ của thuốc Cortisporin
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Cortisporin:
- Rối loạn thị lực, mất thị lực.
- Nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, làm chậm quá trình lành vết thương.
- Phản ứng dị ứng, phát ban.
- Ngứa, sưng, đỏ kết mạc.
- Tăng nhãn áp, tổn thương thần kinh thị.
- Đục thủy tinh thể.
- Một số nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, dùng dài hạn có thể gây ung thư hoặc gây đột biến gen, tuy nhiên chưa phát hiện tác dụng phụ trên người.
Như vậy, Cortisporin là thuốc mỡ tra mắt được chỉ định trong các bệnh lý của nhãn khoa. Cortisporin phối hợp tác dụng của steroid và kháng sinh Neomycin nên ngoài tác dụng điều trị thuốc còn gây nhiều phản ứng không mong muốn cho cơ thể. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ/ dược sĩ, không tự ý mua thuốc Cortisporin điều trị tại nhà.