Công dụng thuốc Atenstad

Atenstad có thành phần chính là Atenolol, thuộc nhóm thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic. Cùng tìm hiểu thuốc Atenstad có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng trong bài viết dưới đây.

1. Atenstad là thuốc gì?

Atenstad có thành phần chính là Atenolol, thuộc nhóm thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic. Nhờ cơ chế giảm trương lực giao cảm, Atenolol có tác dụng làm giảm nhịp tim, sức co bóp tim, tốc độ dẫn truyền nhĩ thất và giảm hoạt tính renin trong huyết tương.

2. Chỉ định của thuốc Atenstad

Thuốc Atenstad được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, can thiệp sớm vào giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim.

3. Liều dùng của thuốc Atenstad

Tăng huyết áp: Liều khởi đầu được khuyến cáo là 25 – 50mg x 1 lần/ngày. Hiệu quả hạ huyết áp đạt được sau 1 – 2 tuần. Có thể tăng liều lên đến 100mg x 1 lần/ngày để đạt đáp ứng tối ưu.

Đau thắt ngực ổn định mạn tính: Liều khởi đầu là 50mg x 1 lần/ngày. Nếu không đạt được đáp ứng tối ưu trong 1 tuần, có thể tăng liều đến 100mg x 1 lần/ngày.

Loạn nhịp tim: Liều uống duy trì là 50 – 100mg/ngày, dùng 1 liều duy nhất (sau khi kiểm soát bằng Atenolol tiêm tĩnh mạch).

Điều trị sớm nhồi máu cơ tim cấp: Nếu người bệnh dung nạp được liều 10mg tiêm tĩnh mạch có thể cho uống 50mg sau khi tiêm 10 phút, 12 giờ sau đó dùng đường uống thêm 50mg.

Bệnh nhân suy thận: Cân nhắc giảm liều ở bệnh nhân suy thận, dựa theo độ thanh thải creatinin:

  • Độ thanh thải 15 – 35ml/phút mỗi 1,73m2: Liều tối đa được khuyến cáo là 50mg/ngày.
  • Độ thanh thải dưới 15ml/phút mỗi 1,73m2: 25mg/ngày hoặc 50mg cách ngày.

Cách dùng:

  • Thuốc Atenstad được dùng bằng đường uống trước bữa ăn.

4. Chống chỉ định của thuốc Atenstad

Thuốc Atenstad chống chỉ định trên các đối tượng sau:

  • Chậm nhịp xoang, sốc tim, block nhĩ thất trên độ 1, suy tim thấy rõ hoặc suy tim mất bù.
  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Dùng phối hợp với Verapamil.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atenstad

Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Atenstad có thể gặp như chóng mặt, mệt mỏi, đổ mồ hôi, buồn ngủ, đau đầu nhẹ và lạnh chi.

Thuốc có thể làm nặng thêm bệnh tắc nghẽn ngoại vi, gây viêm kết mạc, giảm tiết nước mắt, hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, co cứng cơ, yếu cơ và liệt dương.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Atenstad

Trước khi ngừng hẳn việc điều trị bằng Atenolol, nên giảm liều từ từ trong vòng 2 tuần.

Thận trọng khi dùng thuốc Atenstad trên các đối tượng sau:

  • Bị hen suyễn hoặc có tiền sử mắc bệnh tắc nghẽn đường thở.
  • Đái tháo đường với nồng độ glucose máu cao không ổn định.
  • Bệnh nhân có chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trong thời gian dài.
  • Bệnh nhân có hoạt động gắng sức.
  • Mắc u tế bào ưa crôm (khối u tủy thượng thận và đã được chỉ định điều trị bằng thuốc chẹn alpha trước đó).
  • Bị suy giảm chức năng thận.

Chỉ dùng thuốc Atenstad nếu thật cần thiết ở những người có tiền sử phản ứng nhạy cảm nặng và người bệnh dùng liệu pháp giảm nhạy cảm đặc hiệu, có tiền sử hay gia đình từng mắc bệnh vảy nến.

Dùng thuốc Atenolol có thể cho kết quả dương tính khi xét nghiệm doping.

Không nên dùng thuốc cho những bệnh nhân không dung nạp galactose di truyền hiếm gặp, thiếu hụt Lapp lactase hoặc chứng kém hấp thu glucose – galactose.

Chỉ dùng thuốc Atenstad khi mang thai nếu thực sự cần thiết, đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ. Theo dõi thận trọng khi dùng thuốc Atenstad cho phụ nữ đang cho con bú.

Những thông tin cơ bản về thuốc Atenstad trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì Atenstad là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

120 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan