Công dụng thuốc Aronol

Aronol là loại thuốc tiêm có dung tích 1ml/ống với hoạt chất chính là tramadol hàm lượng 50mg. Thuốc thường được chỉ định để làm giảm các cơn đau ở mức độ từ vừa đến nặng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu Aronol là thuốc gì, công dụng, chỉ định cũng như những thông tin hữu ích khác liên quan đến thuốc.

1. Thuốc Aronol có tác dụng gì?

Hoạt chất tramadol có trong thuốc Aronol là một chất giảm đau nhóm opioid, có khả năng gây nghiện tương tự như morphine. Khi được đưa vào cơ thể, tramadol và các chất chuyển hóa của nó sẽ gắn vào các thụ thể trên neuron thần kinh nhằm ngăn chặn quá trình tái nhập của các chất dẫn truyền thần kinh là serotonin và norepinephrine, kết quả là làm giảm triệu chứng đau.

Một điểm khác biệt giữa tramadol và morphine là tramadol không gây giải phóng histamin, vì vậy nó không có nhiều ảnh hưởng đến tần số tim và chức năng thất trái, đồng thời cũng hạn chế việc ức chế hô hấp hơn so với morphin.

Với cơ chế như trên, thuốc Aronol thường được kê đơn với mục đích:

  • Giảm các cơn đau mức độ từ trung bình đến nặng (bao gồm cả đau cấp tính và mạn tính) như: đau sau phẫu thuật, đau do ung thư, đau từ nội tạng,...
  • Các trường hợp đau không dung nạp hoặc có đáp ứng với các thuốc giảm đau khác.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Aronol

Thuốc Aronol thường bắt đầu có tác dụng sau khoảng 1 giờ dùng thuốc, liều dùng của Aronol phụ thuộc vào tính chất và mức độ cơn đau ở từng bệnh nhân.

Đối với cơn đau cấp tính:

  • Thường dùng liều từ 50 - 100mg bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm (từ 2 đến 3 phút) hoặc qua đường tiêm truyền. Dùng nhắc lại cứ sau từ 4 đến 6 giờ. Tổng liều tối đa là 400mg/ngày.
  • Riêng đối với giảm đau sau phẫu thuật, thường dùng liều đầu tiên là 100mg, sau đó cứ cách từ 10 - 20 phút lại dùng 1 liều 50mg nhưng tổng liều trong 1 giờ đồng hồ đầu tiên không được quá 250mg (tính cả liều khởi đầu). Sau đó, cứ cách từ 4 - 6 giờ sẽ dùng liều 50 - 100mg, tổng liều tối đa không quá 600mg/ngày.

Đối với các cơn đau mạn tính:

  • Đặc điểm của việc giảm cơn đau mạn tính là không yêu cầu tác dụng nhanh và thường phải dùng thuốc trong một thời gian dài, vì vậy liều dùng của Aronol thường khởi đầu từ mức thấp sau đó tăng dần liều theo thời gian.
  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 25mg/ngày, sau đó cứ cách 3 ngày sẽ tăng thêm 25mg cho đến khi đạt liều 100mg/ngày. Nếu vẫn không đáp ứng cơn đau của bệnh nhân, tiếp tục tăng liều sau mỗi 3 ngày, mỗi lần tăng 50mg nhưng tổng liều tối đa 1 ngày không quá 400mg. Nên chia liều trong ngày ra thành các lần dùng, từ 50-100mg/lần dùng cách 4 - 6 giờ.

Thuốc Aronol là thuốc tiêm, được quy định là thuốc phải kiểm soát đặc biệt, do đó bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Chống chỉ định của thuốc Aronol

Không chỉ định thuốc Aronol cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị suy hô hấp
  • Bệnh nhân bị bệnh động kinh chưa được kiểm soát
  • Người đang bị ngộ độc các chất ức chế thần kinh trung ương như thuốc ngủ, rượu, các thuốc nhóm opioid khác, thuốc điều trị tâm thần,...
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc IMAO hoặc mới ngừng thuốc IMAO chưa quá 15 ngày
  • Bệnh nhân đang mang thai
  • Người dưới 15 tuổi
  • Bệnh nhân tiền sử mẫn cảm hoặc nghiện các opioid

4. Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Aronol

Bệnh nhân điều trị bằng thuốc Aronol có thể gặp phải các triệu chứng không mong muốn như:

  • Khó chịu toàn thân
  • Đau bụng, chướng bụng, chán ăn, rối loạn vị giác
  • Viêm loét đường tiêu hóa
  • Tăng trương lực cơ và xương
  • Bồn chồn, mất ngủ, hay lo lắng
  • Hạ huyết áp, tim đập nhanh
  • Bí tiểu, tiểu dắt, rối loạn kinh nguyệt
  • Các phản ứng dị ứng như nổi phát ban, mẩn ngứa trên da
  • Tăng enzym gan, tăng protein niệu, ảnh hưởng xấu đến chức năng gan và thận

Thời gian dùng thuốc Aronol càng lâu, liều càng cao thì tỷ lệ gặp các tác dụng phụ càng lớn, đồng thời mức độ của các triệu chứng không mong muốn này cũng nặng lên.

5. Những thận trọng khi dùng thuốc Aronol

  • Nếu sử dụng liều cao thuốc Aronol trong một thời gian dài có thể gây ra hội chứng nghiện thuốc tương tự như morphine, biểu hiện ở việc bệnh nhân thèm thuốc, đi tìm thuốc hoặc nhờn thuốc. Vì vậy cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử nghiện opioid.
  • Khi ngưng thuốc Aronol đột ngột sau một thời gian dùng thuốc kéo dài, bệnh nhân có thể gặp phải hội chứng cai thuốc với các triệu chứng như: đổ mồ hôi, bồn chồn, hốt hoảng, dựng đứng lông, mất ngủ, tiêu chảy, thậm chí có thể gặp ảo giác, hoang tưởng. Vì vậy, nên bắt đầu điều trị từ liều thấp nhất, hạn chế tối đa thời gian sử dụng thuốc và nếu cần ngưng thuốc phải giảm liều từ từ, tránh ngưng thuốc đột ngột.
  • Nếu dùng chung thuốc Aronol với rượu hoặc các loại thuốc mê, bệnh nhân có thể gia tăng nguy cơ bị ức chế hô hấp. Do đó, cần thận trọng khi có những sự kết hợp này.
  • Trong liều điều trị, Aronol có thể gây ra các cơn co giật, điều này rất nguy hiểm đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh động kinh hoặc đang dùng thuốc chống trầm cảm.
  • Thận trọng khi dùng Aronol cho bệnh nhân có tiền sử bị sốc phản vệ với các thuốc nhóm opioid khác.
  • Cần giám sát điều trị chặt chẽ khi sử dụng thuốc Aronol cho những bệnh nhân bị chấn thương ở vùng đầu hoặc tăng áp lực sọ não vì nguy cơ thuốc ảnh hưởng đến trạng thái tâm thần ở các đối tượng này tương đối cao.

Cần hiệu chỉnh giảm liều của Aronol ở những bệnh nhân có chức năng gan hoặc thận bị suy giảm nặng.

  • Việc điều trị bằng Aronol có thể làm giảm sự tỉnh táo, gây triệu chứng nhìn mờ cho bệnh nhân, do đó bệnh nhân nên hạn chế việc lái xe, điều khiển máy móc trong quá trình dùng thuốc.
  • Ở những nghiên cứu trên động vật, hoạt chất tramadol có trong Aronol có khả năng đi qua nhau thai và gây độc cho bào thai động vật, thuốc cũng có khả năng đi qua tuyến sữa, do đó hạn chế tối đa việc sử dụng Aronol cho bệnh nhân đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Việc sử dụng quá liều Aronol có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đã có ghi nhận trường hợp tử vong khi dùng quá liều hoạt chất tramadol. Biểu hiện của quá liều Aronol thường gặp là nhịp tim nhanh, nôn, lên cơn co giật, suy hô hấp và có thể rơi vào hôn mê. Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều Aronol, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

6. Tương tác thuốc của Aronol

Một số phản ứng tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng Aronol đồng thời với các thuốc sau:

  • Carbamazepin làm giảm tác dụng của Aronol bằng cách tăng chuyển hóa thuốc. Nếu phối hợp hai thuốc thì cần tăng liều Aronol để đảm bảo điều trị.
  • Fluoxetine, amitriptyline: Có tác dụng đối kháng với Aronol nên không kết hợp Aronol với các thuốc này.
  • Quinidine: Tăng tác dụng của Aronol bằng cách giảm chuyển hóa thuốc thông qua việc ức chế CYP2D6. Thận trọng vì làm tăng nguy cơ quá liều Aronol.
  • Warfarin: Dùng chung Aronol và warfarin có thể ảnh hưởng đến thời gian đông máu của cơ thể.

55 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan