Thuốc Idilax được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là acid mefenamic. Thuốc được sử dụng trong điều trị làm giảm các cơn đau từ nhẹ tới trung bình.
1. Công dụng của thuốc Idilax
1 viên thuốc Idilax có thành phần gồm 250mg acid mefenamic cùng các tá dược khác. 1 viên thuốc Idilax Extra có thành phần gồm 500mg acid mefenamic và các tá dược khác. Bài viết này tập trung vào thuốc Idilax.
Acid mefenamic là dẫn xuất của acid anthranilic, là một kháng viêm không steroid có liên quan về dược lý và cấu trúc với meclofenamate natri. Acid mefenamic có hoạt tính kháng viêm, giảm đau, hạ sốt. Thành phần này ức chế tổng hợp prostaglandin trong mô bằng cách ức chế cyclooxygenase (enzyme xúc tác sự hình thành tiền chất prostaglandin) từ acid arachidonic.
- Tác động kháng viêm của acid mefenamic là do cơ chế ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin và phóng thích prostaglandin trong suốt quá trình viêm;
- Tác động giảm đau của acid mefenamic có thể do 2 cơ chế trung ương và ngoại biên và cả tác động kháng viêm;
- Tác động giảm nhiệt cơ thể của acid mefenamic có thể do ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương.
Chỉ định sử dụng thuốc Idilax nhằm điều trị các chứng đau từ nhẹ tới trung bình: Đau nửa đầu, nhức đầu, đau sau khi sinh, đau do chấn thương, đau răng, đau sau khi mổ, đau và sốt trong trường hợp viêm, đau bụng kinh.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Idilax:
- Bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm với acid mefenamic, aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid;
- Người bệnh loét dạ dày - tá tràng giai đoạn đang tiến triển;
- Bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc gan;
- Phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở đi.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Idilax
Thuốc được sử dụng bằng đường uống. Người lớn và trẻ em trên 14 tuổi dùng liều 2 viên/lần x 3 lần/ngày.
Khi sử dụng thuốc Idilax, người bệnh có thể bị ngộ độc cấp, biểu hiện chủ yếu là các tác dụng phụ nặng lên, có thể dẫn tới co giật. Biện pháp xử trí là tức khắc gây nôn hoặc rửa dạ dày cho bệnh nhân. Tiếp theo, cần điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho người bệnh. Sau khi đã gây nôn và rửa dạ dày thì có thể dùng than hoạt tính nhằm làm giảm hấp thu thuốc ở ống tiêu hóa, ở chu kỳ gan, ruột.
3. Tác dụng phụ của thuốc Idilax
Khi sử dụng thuốc Idilax, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, xuất huyết ở bệnh nhân loét dạ dày;
- Thần kinh: Chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, ù tai, bồn chồn, suy nhược, mất ngủ, buồn ngủ;
- Gan: Nhiễm độc gan;
- Máu: Huyết khối, thiếu máu tán huyết;
- Thận: Suy thận, có máu trong nước tiểu, thận ứ nước;
- Tác dụng phụ khác: Tăng phản ứng nhạy cảm (sốt, nổi mày đay, co thắt phế quản), phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, viêm tụy, viêm phổi, hội chứng Stevens - Johnson.
Người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ về những tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Idilax để có biện pháp can thiệp xử trí, điều trị hiệu quả.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Idilax
Trước và trong khi sử dụng thuốc Idilax, người bệnh cần lưu ý:
- Không được dùng thuốc Idilax cho người bệnh bị loét đường tiêu hóa;
- Nên uống thuốc Idilax sau khi ăn. Tuy nhiên, thức ăn có thể làm giảm hấp thu thuốc này;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Idilax cho bệnh nhân bị nhiễm trùng vì thuốc có thể che giấu các triệu chứng của bệnh;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Idilax ở người bệnh hen suyễn hoặc dị ứng;
- Thận trọng khi dùng thuốc Idilax ở bệnh nhân máu loãng hoặc cao huyết áp;
- Thận trọng khi dùng thuốc Idilax ở bệnh nhân yếu gan, tim, thận;
- Thận trọng khi dùng thuốc Idilax cho người già, nếu cần thì có thể giảm liều dùng thuốc;
- Acid mefenamic có thể gây ảnh hưởng tới tính chính xác của xét nghiệm chức năng tuyến giáp vì thuốc làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp trong máu;
- Thuốc Idilax không có chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng thuốc thận trọng trong thời kỳ này (nếu được bác sĩ chỉ định sau khi cân nhắc kỹ càng giữa lợi ích và nguy cơ). Ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, thuốc có thể tác động trên bào thai như gây độc trên tim, phổi, rối loạn chức năng thận dẫn đến suy thận, kéo dài thời gian đông máu ở trẻ và mẹ,... Do đó, không nên dùng thuốc này trong các tháng cuối của thai kỳ;
- Thuốc Idilax bài tiết qua sữa mẹ nên tốt nhất không dùng thuốc ở bà mẹ đang nuôi con bú;
- Thuốc Idilax có thể gây chóng mặt nên cần sử dụng thận trọng ở người lái xe, điều khiển máy móc.
5. Tương tác thuốc Idilax
Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động và hiệu quả điều trị của thuốc, làm gia tăng tác dụng phụ của một vài loại thuốc. Một số tương tác thuốc của Idilax gồm:
- Sử dụng đồng thời Idilax với thuốc chống đông đường uống làm tăng nguy cơ xuất huyết do thuốc kháng viêm không steroid ức chế chức năng của tiểu cầu và tấn công lên niêm mạc của dạ dày - tá tràng;
- Acid mefenamic làm tăng nồng độ của glycosid, methotrexat và lithium nếu sử dụng đồng thời với các thuốc này;
- Sử dụng đồng thời thuốc Idilax với thuốc lợi tiểu, cyclosporin hoặc tacrolimus có thể gây nhiễm độc thận;
- Nếu dùng đồng thời thuốc Idilax với thuốc lợi tiểu chứa kali thì có thể làm tăng kali máu;
- Sử dụng đồng thời Idilax với thuốc có nhóm quinolon có thể gây co giật;
- Thuốc Idilax khi sử dụng đồng thời sẽ làm tăng tác dụng của phenytoin và sulphonylurea hóa các thuốc chống tiểu đường;
- Không nên dùng đồng thời Idilax với các thuốc kháng viêm không steroid khác vì sẽ làm gia tăng tác dụng phụ;
- Sử dụng đồng thời Idilax với các thuốc corticoid có thể gây loét và chảy máu dạ dày;
- Sử dụng đồng thời Idilax với pentoxifylline, rượu, ticlopidin, biphosphonat có thể gây chống kết tập tiểu cầu;
- Dùng đồng thời Idilax với zidovudin sẽ gây độc tính trên máu;
- Sử dụng đồng thời Idilax với ritonavir làm tăng nồng độ của acid mefenamic trong huyết tương;
- Sử dụng đồng thời Idilax với mifepriston sẽ làm giảm hiệu quả của mifepriston;
- Sử dụng đồng thời Idilax với misoprostol có thể làm tăng độc tính ở đường tiêu hóa.
Khi dùng thuốc Idilax, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng và thời gian dùng thuốc. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.