Công dụng thuốc Aloprim

Thuốc Aloprim dạng tiêm truyền tĩnh mạch thường được dùng để điều trị và phòng ngừa tình trạng acid uric cao trong huyết thanh do thuốc chống ung thư hoặc bệnh Gút gây ra. Trong quá trình tiêm truyền Aloprim, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa tác dụng phụ.

1. Aloprim là thuốc gì?

Aloprim là thuốc gì? Aloprim là thuốc kê đơn dạng tiêm truyền tĩnh mạch, được sử dụng chủ yếu để ngăn ngừa hoặc điều trị cho các tình trạng có nồng độ acid uric cao trong máu do bệnh Gút hoặc thuốc điều trị ung thư gây ra. Aloprim thuộc nhóm chất ức chế xanthine oxidase, hoạt động bằng cách ức chế cơ thể ít sản xuất acid uric hơn. Thuốc Aloprim có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng các loại thuốc khác dưới sự giám sát trực tiếp của bác sĩ.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Aloprim

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Aloprim

Thuốc Aloprim (allopurinol natri) thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp cụ thể dưới đây:

  • Giúp điều trị tình trạng tăng acid uric trong huyết thanh và niệu ở những bệnh nhân đang điều trị các tình trạng sức khoẻ như bệnh bạch cầu, ung thư hạch hoặc khối u ác tính thể rắn.
  • Tiêm truyền tĩnh mạch Aloprim cho những bệnh nhân có nồng độ acid uric cao trong máu không dung nạp với thuốc đường uống.
  • Được sử dụng để điều trị lâu dài cho tình trạng tăng acid uric máu do bệnh viêm khớp gút mạn tính.
  • Điều trị tình trạng tái phát sỏi calci oxalat ở nam giới có lượng bài tiết urat trong nước tiểu > 750 mg / ngày và 800 mg / ngày.

2.2. Công dụng của thuốc Aloprim

Aloprim (allopurinol sodium) là tên thương hiệu của allopurinol, giữ vai trò là chất ức chế xanthine oxidase. Thuốc Aloprim dạng tiêm là một dung dịch vô trùng chỉ được sử dụng để truyền tĩnh mạch. Thuốc có sẵn trong lọ dưới dạng muối natri nồng đông khô vô trùng, hàm lượng tương đương 500 mg allopurinol. Do thuốc Aloprim được sử dụng dưới dạng tiêm truyền nên không chứa chất bảo quản.

Allopurinol natri có tên hoá học là 1,5-dihydro-4 H -pyrazolo [3,4- d] pyrimidin-4-one muối monosodium. Đây là một chất vô định hình màu trắng, với khối lượng phân tử là 158,09 và có công thức phân tử C 5 H 3 N 4 NaO.

Hoạt động của allopurinol dựa trên cơ chế dị hóa purin, giúp ức chế các phản ứng sinh hóa ngay trước khi hình thành, nhờ đó làm giảm được nồng độ acid uric trong máu. Sau khi tiêm tĩnh mạch, allopurinol được loại bỏ nhanh chóng khỏi hệ tuần hoàn thông qua quá trình chuyển hoá oxy hoá thành oxypurinol. Khoảng 12% liều allopurinol tiêm tĩnh mạch được bài tiết dưới dạng không thay đổi, 76% được bài tiết dưới dạng oxypurinol và liều còn lại được bài tiết dưới dạng liên hợp riboside trong nước tiểu. Oxypurinol được thải trừ chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng không đổi thông qua lọc cầu thận và tái hấp thu tại ống thận, với tốc độ thanh thải thực của thận đạt khoảng 30 mL / phút.

2.3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Aloprim trong trường hợp nào?

Không sử dụng thuốc Aloprim cho những trường hợp dưới đây:

  • Người có cơ địa mẫn cảm hoặc dị ứng với allopurinol.
  • Bệnh nhân bị gút cấp.
  • Bệnh nhân bị tăng acid uric máu đơn thuần không biểu hiện triệu chứng.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Aloprim

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Aloprim

Liều lượng tiêm truyền thuốc Aloprim để hạ acid uric huyết thanh về mức bình thường hoặc xấp xỉ bình thường sẽ được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bác sĩ có thể dựa trên nồng độ acid huyết thanh của bệnh nhân làm chỉ số để đánh giá tần suất cũng như số lượng dùng Aloprim để duy trì acid uric máu trong giới hạn bình thường. Theo kết quả của một thử nghiệm lâm sàng cho biết, liều trên 600 mg allopurinol trong một ngày ở người lớn dường như không mang lại nhiều hiệu quả hơn. Theo khuyến cáo của bác sĩ, liều Aloprim tiêm truyền hàng ngày cho trẻ em và người lớn thường được đề nghị như sau:

  • Trẻ em: Dùng liều Aloprim khởi đầu 200 mg / m 2 / ngày.
  • Người lớn: Dùng liều Aloprim từ 200 - 400 mg / m 2 / ngày, tối đa 600 mg / ngày.

Đối với người bị suy giảm chức năng thận cần giảm liều Aloprim nhằm tránh sự tích tụ của allopurinol và các chất chuyển hóa của nó, cụ thể:

  • Độ thanh thải creatinin từ 10 – 20 mL / phút: Dùng 200 mg / ngày.
  • Độ thanh thải creatinin từ 3 – 10 mL / phút: Dùng 100 mg / ngày.
  • Độ thanh thải creatinin dưới 3 mL / phút: Dùng 100 mg / ngày kéo dài.

3.2. Cách sử dụng thuốc Aloprim

Ở cả trẻ em và người lớn, liều tiêm truyền Aloprim hàng ngày có thể truyền 1 lần hoặc chia đều các lần truyền sao cho cách nhau khoảng 6, 8 hay 12 giờ với nồng độ cuối cùng không vượt quá 6 mg / mL. Tốc độ truyền Aloprim sẽ dựa trên thể tích dịch truyền. Đối với bất kỳ trường hợp hay thời gian nào, việc điều trị bằng thuốc Aloprim cũng nên bắt đầu từ 24 – 48 giờ trước khi người bệnh bắt đầu bước vào hoá trị liệu.

Aloprim tiêm truyền cần được hoàn nguyên và pha loãng. Mỗi lọ 30 mL Aloprim cần được hòa tan với 25 mL nước vô trùng. Việc hoàn nguyên Aloprim sẽ tạo ra một dung dịch đậm đặc gần như không màu, có độ pH từ 11,1 – 11,8. Thuốc Aloprim có thể được pha loãng với 5% Dextrose hoặc natri clorua 0,9% để đạt nồng độ lý tưởng.

3.3. Cần làm gì khi dùng quá liều Aloprim?

Tiêm truyền quá liều thuốc Aloprim có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính. Theo nghiên cứu trên động vật, liều Aloprim gây tử vong tối thiểu là 45 mg / kg tiêm tĩnh mạch hoặc 500 mg / kg đường uống. Theo quan sát thấy xuất hiện tình trạng giảm hoạt tính khi dùng ở những liều Aloprim này.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc cụ thể dành cho việc sử dụng quá liều Aloprim dạng tiêm truyền. Việc xử lý quá liều Aloprim có thể thông qua thẩm tách, tuy nhiên sự hữu ích của phương pháp thẩm phân máu hay thẩm phân phúc mạc vẫn chưa được xác định chính xác.

4. Một số tác dụng phụ của thuốc Aloprim

Trong quá trình tiêm truyền Aloprim, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài mong muốn dưới đây:

  • Phát ban trên da, phản ứng tại chỗ tiêm, nổi mề đay, ngứa da.
  • Suy thận.
  • Buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, rụng tóc, chướng bụng, viêm họng, viêm niêm mạc, viêm mô tế bào hoặc tăng thể tích máu.
  • Tiêu chảy, xuất huyết tiêu hoá, gan / lách to, tăng bilirubin trong máu, vàng da, tắc ruột, táo bón, đầy hơi, suy gan, viêm tuyến tiền liệt.
  • Tăng creatinine, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, chức năng thận bất thường.
  • Giảm tiểu cầu / bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ái toan, thiếu máu, đông máu nội mạch lan tỏa hoặc ức chế tủy xương.
  • Tăng phosphat huyết, hạ kali huyết / calci huyết, nhiễm toan chuyển hoá, nhiễm acid lactic, hạ natri máu, nhiễm độc nước.
  • Động kinh, co giật, kích động, thay đổi tâm trạng, hôn mê, nhồi máu não, liệt cơ,...
  • Suy hô hấp, tăng nhịp thở hoặc ngưng thở.
  • Hội chứng ly giải khối u, giảm trương lực cơ.

Theo nghiên cứu, phản ứng phụ dễ xảy ra nhất khi tiêm truyền tĩnh mạch thuốc Aloprim là phát ban trên da. Những triệu chứng khác có thể xuất hiện hoặc không xảy ra, tuỳ thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu nhận thấy có bất kỳ phản ứng đáng chú ý nào, việc điều trị bằng thuốc Aloprim cần được ngưng ngay lập tức.

5. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Aloprim

5.1. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc Aloprim

Đối với những người có tiền sử dị ứng với allopurinol hoặc quá mẫn với thuốc cần tránh sử dụng lại thuốc khi đã xảy ra các phản ứng bất thường trên da. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thận trọng một số điều sau đây trong quá trình điều trị bằng Aloprim dạng tiêm truyền:

  • Thường xuyên theo dõi chức năng gan, máu và thận. Những người bị suy thận hoặc suy gan nên giảm liều tiêm truyền bằng Aloprim theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đảm bảo uống từ 2 – 3 lít nước / ngày nhằm giảm thiểu nguy cơ bị lắng đọng xanthin trong thận.
  • Không sử dụng Aloprim cho đến khi giảm hoàn toàn đợt gút cấp.

5.2. Lưu ý dùng thuốc Aloprim với những đối tượng đặc biệt

Dưới đây là cảnh báo của bác sĩ về việc thận trọng sử dụng Aloprim cho những đối tượng đặc biệt dưới đây:

  • Phụ nữ có thai: Chỉ nên sử dụng Aloprim khi thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ nuôi con bú: Do allopurinol có thể phân bố vào sữa mẹ, do đó cần thận trong tiêm truyền Aloprim cho bà mẹ nuôi con bú. Mặc dù có thể tìm thấy oxypurinol trong huyết tương của trẻ, nhưng nó không gây tác dụng phụ mặc dù người mẹ đã điều trị bằng Aloprim khoảng 6 tuần.
  • Thuốc Aloprim có thể gây buồn ngủ, do đó người lái xe và điều khiến máy móc nên thận trọng khi sử dụng.

6. Thuốc Aloprim tương tác với thuốc nào khác?

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác với thuốc Aloprim khi được sử dụng cùng lúc, bao gồm:

  • Các salicylate và aspirin, gây tăng nồng độ acid uric máu và làm giảm công hiệu của allopurinol.
  • Một số loại thuốc lợi niệu, rượu, diazoxide, mecamylamine hoặc pyrazinamide.
  • Chất ức chế men chuyển angiotensin gây tăng phản ứng quá mẫn (đặc biệt là ở bệnh nhân bị suy thận).
  • Thuốc chống ung thư.
  • Cyclophosphamid dùng chung với Aloprim làm tăng độc tính ức chế tủy xương của thuốc cyclophosphamide.
  • Tamoxifen kết hợp với Aloprim làm tăng độc gan.

Nhằm tránh gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý muốn do tương tác giữa Aloprim với những thuốc khác, người bệnh cần báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thực phẩm bảo vệ sức khoẻ mà mình đang sử dụng. Bác sĩ có thể khuyến nghị điều chỉnh liều, ngừng dùng thuốc tạm thời hoặc thay thế loại thuốc khác phù hợp hơn.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:/holevn.org, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan