Công dụng thuốc Ahevip

Thuốc Ahevip thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, giảm đau, hạ sốt có thành phần chính Etoricoxib thường được dùng để điều trị các trường hợp viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp hay đau khớp do bệnh Gout. Vậy thuốc Ahevip công dụng như thế nào?

1. Thuốc Ahevip là thuốc gì?

Thuốc Ahevip là thuốc gì? Thuốc Ahevip có thành phần chính Etoricoxib là thuốc chống viêm không steroid có cơ chế tác động giống như các chất cùng nhóm là ức chế sinh tổng hợp các prostaglandin, những chất trung gian gây viêm nhưng đặc biệt là ức chế chọn lọc trên các enzym cyclooxygenase 2 (COX-2) trong quá trình gây viêm. Điều này làm thuốc có hiệu quả chống viêm cao và ít gây tác dụng phụ lên dạ dày hơn các thuốc NSAID thông thường khác do sự ức chế sinh tổng hợp prostaglandin ở vị trí viêm mạnh hơn ở niêm mạc dạ dày hay ở thận.

Về dược động học, Etoricoxib hấp thụ tốt qua đường tiêu hoá, không ảnh hưởng nhiều bởi thức ăn và nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 1 giờ. Etoricoxib chuyển hoá chủ yếu ở gan thành các chất chuyển hoá 6-hydroxy methyl. Thuốc được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu (70%) và 20% qua phân, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hoá với thời gian bán thải là 22 giờ.

Thuốc Ahevip thường được chỉ định trong các bệnh lý sau:

  • Điều trị bệnh lý xương khớp cấp và mạn tính: viêm khớp dạng thấp, viêm cứng khớp đốt sống, thoái hoá khớp, đau khớp do bệnh Gout.
  • Điều trị viêm cột sống dính khớp
  • Điều trị viêm khớp thống phong cấp tính
  • Giảm đau cấp tính và mãn tính
  • Điều trị đau bụng kinh nguyên phát

Các chống chỉ định của thuốc Ahevip gồm:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Ahevip
  • Bệnh nhân có tiền sử hen, mề đay, dị ứng aspirin/ NSAIDs
  • Suy tim sung huyết (NYHA II-IV)
  • Tăng huyết áp liên tục > 140/90 mmHg chưa được kiểm soát đầy đủ
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh động mạch ngoại biên hoặc bệnh máu não đã được xác định (gồm cả trường hợp mới phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành hoặc tạo hình mạch máu)
  • Suy gan Child-pugh > 10 hoặc albumin huyết thanh < 25 g/L
  • Loét dạ dày tá tràng hoạt động, xuất huyết tiêu hoá
  • Bệnh thận tiến triển nặng ClCr < 30 ml/phút

2. Liều sử dụng của thuốc Ahevip

Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Ahevip sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

  • Viêm xương khớp (thoái hoá khớp): 30 mg hoặc không quá 60 mg dùng 1 lần/ngày
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm đốt sống dính khớp: dùng tối đa 90 mg ngày 1 lần
  • Mức độ đau vừa phải sau phẫu thuật nha khoa: không quá 90 mg ngày 1 lần tối đa 3 ngày
  • Viêm khớp thống phong (cơn gout cấp): không quá 120 mg ngày 1 lần, tối đa 8 ngày. Đau cấp tính, đau bụng kinh nguyên phát: không quá 120 mg ngày 1 lần, tối đa 8 ngày
  • Bệnh nhân suy gan: dùng không quá 60 mg ngày 1 lần
  • Bệnh nhân suy thận (CLCr > 30 ml/phút): không cần chỉnh liều
  • Không cần chỉnh liều Ahevip theo tuổi tác, giới tính hay chủng tộc

3. Tác dụng phụ của thuốc Ahevip

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Ahevip có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Giảm tiểu cầu
  • Phản ứng quá mẫn
  • Tăng kali huyết
  • Lo lắng, mất ngủ, lẫn lộn, ảo giác, trầm cảm, bồn chồn
  • Rối loạn vị giác, ngủ gà
  • Nhìn mờ
  • Suy tim sung huyết, hồi hộp, đánh trống ngực, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh
  • Cơn tăng huyết áp kịch phát
  • Co thắt phế quản
  • Đau bụng
  • Loét miệng
  • Loét đường tiêu hoá gồm thủng và xuất huyết tiêu hoá, nôn, tiêu chảy
  • Viêm gan, hội chứng vàng da, tăng men gan
  • Phù mạch, ngứa, ban đỏ, phát ban, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mề đay.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ahevip

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Ahevip gồm:

  • Vì nguy cơ tim mạch tăng theo liều và thời gian dùng chất ức chế chọn lọc COX-2 nên dùng thuốc Ahevip trong thời gian ngắn nhất với liều thấp nhất có hiệu quả. Ngoài ra, chất ức chế chọn lọc COX-2 không thay thế aspirin trong dự phòng tim mạch vì không có tác dụng trên tiểu cầu.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ahevip trên bệnh nhân có nguy cơ tim mạch rõ (Tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, dùng cùng lúc acid acetylsalicylic), có tình trạng mất nước đáng kể, tiền sử thủng, loét, xuất huyết tiêu hoá hay bệnh nhân lớn tuổi (> 65 tuổi), từng có cơn hen cấp, bị viêm mũi, mề đay trước đó do cảm ứng thuốc nhóm salicylates, đang điều trị bệnh nhiễm trùng
  • Theo dõi biểu hiện giữ nước, phù, tăng huyết áp ở người đã có sẵn tình trạng giữ nước, tăng huyết áp, suy tim
  • Giám sát chức năng thận ở bệnh nhân giảm chức năng thận, suy tim mất bù, xơ gan đáng kể
  • Phụ nữ có thai chỉ dùng thuốc trong 2 quý đầu nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ
  • Phụ nữ đang cho con bú cần ngưng thuốc hoặc ngừng cho con bú
  • Tính an toàn và hiệu quả của Ahevip chưa được xác thực trên đối tượng trẻ em.

5. Các tương tác thuốc với Ahevip

  • Dùng Etoricoxib cho bệnh nhân đang điều trị ổn bằng Warfarin có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ prothrombin, cần kiểm soát chặt chẽ giá trị INR trước khi bắt đầu điều trị bằng Ahevip
  • Dùng chung Ahevip với rifampicin có khả năng gây cảm ứng men chuyển hoá ở gan mạnh
  • Các thuốc kháng viêm không steroid làm gia tăng nồng độ Lithium trong máu, cần theo dõi và chỉnh liều
  • Etoricoxib có thể làm tăng độc tình trên máu của methotrexat
  • Các thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của các thuốc ức chế men chuyển
  • Etoricoxib không có tương tác dược động học với prednisolon hay digoxin
  • Các thuốc kháng acid dạ dày và ketoconazol không gây tương tác quan trọng với etoricoxib
  • Dùng chung Ahevip với aspirin liều cao có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá
  • Dùng chung Ahevip với các thuốc tránh thai đường uống có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc tránh thai.

Thuốc Ahevip thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, giảm đau, hạ sốt có thành phần chính Etoricoxib thường được dùng để điều trị các trường hợp viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp hay đau khớp do bệnh Gout. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan