Công dụng thuốc Cypdicar 6 25 mg

Thuốc Cypdicar 6.25mg có thành phần hoạt chất chính là Carvedilol. Đây là thuốc được chỉ định sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp vô căn, suy tim sung huyết mức độ nhẹ và vừa do thiếu máu cục bộ hoặc bệnh cơ tim, bệnh mạch vành hay suy thất trái.

1. Thuốc Cypdicar là thuốc gì?

Thuốc Cypdicar 6.25mg có thành phần hoạt chất chính là Carvedilol với hàm lượng 6.25mg và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Thuốc Cypdicar 6.25mg có dạng bào chế là dạng viên nén, thích hợp sử dụng theo đường uống. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 3 vỉ, mỗi vỉ chứa 10 viên. Đây là thuốc được chỉ định sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp vô căn, suy tim sung huyết mức độ nhẹ và vừa do thiếu máu cục bộ hoặc bệnh cơ tim, bệnh mạch vành hay suy thất trái.

2. Thuốc Cypdicar điều trị bệnh gì?

Thuốc Cypdicar 6.25mg có công dụng trong điều trị các bệnh lý như sau:

  • Điều trị tăng huyết áp: Hoạt chất Carvedilol được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp nguyên phát. Thuốc có thể được dùng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác, cụ thể như các thuốc chẹn kênh calci hay các thuốc lợi tiểu.
  • Điều trị bệnh mạch vành: Hoạt chất Carvedilol có hiệu quả trong điều trị bệnh mạch vành. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng thuốc Cypdicar 6.25mg có hiệu quả và an toàn khi sử dụng với những người bị đau thắt ngực không ổn định và thiếu máu cục bộ cơ tim không kèm theo dấu hiệu triệu chứng.
  • Điều trị suy tim mạn tính: Trừ khi có chống chỉ định, hoạt chất Carvedilol được chỉ định dùng kết hợp với liệu pháp điều trị chuẩn, bao gồm thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu. Đơn thuốc này được sử dụng để điều trị tất cả những người bị suy tim mạn ổn định, có triệu chứng, mức độ từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không nguyên nhân do bệnh nguyên thiếu máu cục bộ.
  • Suy thất trái sau nhồi máu cơ tim cấp: Sau khi bị nhồi máu cơ tim có biến chứng suy thất trái, cần phải điều trị dài ngày cho những người sau nhồi máu cơ tim bằng thuốc Cypdicar 6.25mg kết hợp với thuốc ức chế men chuyển và những liệu pháp điều trị khác.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Cypdicar

3.1. Cách dùng của thuốc Cypdicar 6.25mg

Thuốc Cypdicar 6.25mg được sử dụng theo đường uống, viên thuốc phải được nuốt với đủ nước.

Thời gian điều trị: Điều trị bằng thuốc Cypdicar 6.25mg là một liệu pháp điều trị dài ngày. Cũng tương tự như tất cả các thuốc chẹn β, không nên dừng điều trị một cách đột ngột mà nên giảm liều từ từ hàng tuần. Đây là chú ý đặc biệt quan trọng trong trường hợp người sử dụng thuốc có kèm bệnh mạch vành.

3.2. Liều dùng của thuốc Cypdicar 6.25mg

  • Liều dùng trong điều trị tăng huyết áp: Liều dùng khởi đầu được khuyên dùng là 12,5mg, ngày một lần, trong hai ngày đầu. Sau đó, liều điều trị khuyên dùng là 25mg, một lần mỗi ngày. Nếu cần thiết, cách khoảng ít nhất là hai tuần sau đó, bác sĩ điều trị có thể tăng liều lên đến liều tối đa hàng ngày được khuyên dùng là 50mg, sử dụng một lần hoặc hai lần mỗi ngày.
  • Liều dùng trong điều trị bệnh mạch vành: Liều dùng khởi đầu được khuyên dùng là 12,5mg, hai lần mỗi ngày, trong hai ngày đầu. Sau đó liều điều trị khuyên dùng là 25mg, hai lần mỗi ngày. Nếu cần thiết, cách khoảng ít nhất là hai tuần sau đó, bác sĩ điều trị có thể tăng liều lên đến liều tối đa hàng ngày được khuyên dùng là 100mg, chia làm hai lần mỗi ngày.
  • Liều dùng trong điều trị suy tim mạn tính: Bác sĩ phải định liều phù hợp cho từng người cụ thể và phải theo dõi kỹ liều dùng trong suốt quá trình dò liều:
  • Liều dùng với người bị suy thận: Không cần phải thay đổi liều điều trị khuyên dùng của hoạt chất Carvedilol đối với những người bị suy thận mức độ từ trung bình đến nặng.
  • Suy gan: Chống chỉ định sử dụng hoạt chất Carvedilol đối với những người có các biểu hiện lâm sàng của rối loạn chức năng gan.
  • Người già: Không có bằng chứng hỗ trợ cho sự điều chỉnh liều điều trị ở đối tượng này.
  • Trẻ em: Hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng hoạt chất Carvedilol đối với trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chưa được thiết lập.

3.3. Trường hợp quên liều/quá liều

  • Trong trường hợp quên liều: Bạn cần cố gắng dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Không nên sử dụng liều thứ hai để bù cho liều mà bạn có thể đã bỏ lỡ. Bạn chỉ cần tiếp tục với liều tiếp theo.
  • Trong trường hợp quá liều và cách xử lý: Khi sử dụng quá liều thuốc cần báo cho bác sĩ điều trị và đưa người sử dụng quá liều tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cypdicar

Khi sử dụng thuốc Cypdicar 6.25mg có thể dẫn đến một số tác dụng không mong muốn, cụ thể như sau:

  • Trầm cảm, cảm giác mệt mỏi, suy nhược;
  • Chóng mặt, xây xẩm mặt mày kèm theo đau nhức đầu;
  • Suy tim;
  • Hạ huyết áp;
  • Viêm phế quản, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm phổi hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Thiếu máu;
  • Tăng cân, tăng cholesterol máu, tăng hay giảm đường huyết, khó kiểm soát đường huyết hơn ở bệnh nhân đái tháo đường;
  • Thị lực bất thường, khô mắt, kích thích ở mắt;
  • Nhịp tim chậm, phù, tăng thể tích máu;
  • Hạ huyết áp tư thế đứng, chân tay lạnh, bệnh mạch ngoại biên, làm nặng thêm hội chứng Raynaud;
  • Khó thở, phù phổi, cơn hen đối với những người có cơ địa hen;
  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiêu, đau tức bụng;
  • Đau nhức các đầu chi;
  • Suy thận cấp, bất thường chức năng thận ở những người có bệnh mạch máu lan tỏa hay suy thận, rối loạn tiểu tiện;

Trong quá trình sử dụng thuốc, khi gặp tác dụng bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, bạn cần chủ động cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí cụ thể và đúng cách.

5. Tương tác của thuốc Cypdicar

Rifampicin có thể giảm nồng độ huyết tương của hoạt chất Carvedilol tới 70%.

Hoạt chất Carvedilol, cụ thể là thuốc Cypdicar 6.25mg có thể tăng tác dụng của thuốc chống đái tháo đường, thuốc chẹn kênh - calci, digoxin.

Tương tác của hoạt chất Carvedilol với Clonidin có thể dẫn đến tác dụng làm tăng huyết áp và giảm nhịp tim.

Cimetidin làm tăng tác dụng và khả dụng sinh học của hoạt chất Carvedilol.

Những thuốc khác có khả năng làm tăng nồng độ và tác dụng của hoạt chất Carvedilol bao gồm Quinidin, Fluoxetin, Paroxetin, và Propafenon. Nguyên nhân là do những thuốc này gây ra ức chế với CYP2D6.

Hoạt chất Carvedilol làm tăng nồng độ Digoxin khoảng 20% khi uống đồng thời cùng một lúc.

6. Chống chỉ định của thuốc Cypdicar 6.25mg

Những đối tượng sau chống chỉ định sử dụng thuốc Cypdicar 6.25mg, bao gồm:

  • Người nhạy cảm hay mẫn cảm với hoạt chất Carvedilol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Người bị suy tim giai đoạn mất bù/không ổn định.
  • Rối loạn chức năng gan có những biểu hiện lâm sàng.
  • Block nhĩ thất độ 2 và độ 3 trừ khi đã được đặt máy tạo nhịp thường xuyên.
  • Nhịp tim quá chậm dưới 50 nhịp/phút.
  • Người mắc hội chứng suy nút xoang (bao gồm block xoang nhĩ).
  • Người bị huyết áp thấp nặng với huyết áp tâm thu < 85mmHg.
  • Người bị choáng tim.
  • Người có tiền sử co thắt phế quản hoặc mắc bệnh hen phế quản.

7. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Cypdicar

Suy tim sung huyết mạn tính: Ở những người bị suy tim sung huyết, tình trạng suy tim nặng hơn hoặc bị giữ nước có thể xảy ra trong quá trình dò liều Carvedilol. Bạn nên thận trọng khi sử dụng carvedilol kết hợp với các thuốc glycoside digitalis, bởi hai thuốc này đều làm chậm dẫn truyền nhĩ thất.

Nhịp tim chậm: Dược chất Carvedilol có thể làm chậm nhịp tim. Nếu mạch của người sử dụng giảm dưới 55 lần trong một phút, nên giảm liều Carvedilol.

Người bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Cypdicar 6.25mg cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kèm với co thắt phế quản mà không được điều trị bằng thuốc xịt hoặc uống. Chỉ được dùng carvedilol cho những người này sau khi đã cân nhắc lợi ích của việc điều trị là cao hơn so với các nguy cơ có thể xảy ra.

Người bị đái tháo đường: Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Cypdicar 6.25mg cho những người bị bệnh đái tháo đường.

Nhiễm độc tuyến giáp: Giống như các thuốc có đặc tính chẹn beta khác, thuốc Cypdicar 6.25mg có thể làm che lấp các triệu chứng của nhiễm độc tuyến giáp.

Ngoài những thông tin trên được chia sẻ nếu có thêm bất cứ thắc mắc gì về việc dùng thuốc Cypdicar 6.25mg, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để có những tư vấn cụ thể trong quá trình sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe