Cây hạ khô thảo có tác dụng gì?

Cây hạ khô thảo là một vị thuốc Đông Y phổ biến với tác dụng giải độc và mát gan. Tuy nhiên, vẫn không có nhiều người biết đến vị thuốc hạ khô thảo cũng như các vấn đề liên quan, bao gồm tác dụng, các bài thuốc... của loại dược liệu này.

1. Một số thông tin chung của cây hạ khô thảo

Cây hạ khô thảo có tên khoa học chính thức là Spira Prunellea Vulgario, một loại thực vật thuộc Labiatae. Sở dĩ loại thực vật này có tên gọi hạ khô thảo là bởi từ xưa, cứ mỗi khi ngày hạ chí qua đi hàng năm, hoa và lá của cây này sẽ dần héo đi. Tuy nhiên, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, có thể thấy hạ khô thảo vẫn tương đối tươi tốt ngay cả khi mùa hè đã qua đi.

Bên cạnh tên gọi quen thuộc trong tiếng Việt là hạ khô thảo, loại cây này còn được đặt một số tên gọi Hán Việt khác, phổ biến như thiết sắc thảo, mạch hạ khô, hay bổng trụ đầu hoa.

Đặc điểm nhận biết của cây hạ khô thảo:

  • Đây là một loại thực vật có sức sống mạnh mẽ, phần thân có hình vuông và có màu hơi nghiêng về tím đỏ. Lá của cây hạ khô thảo mọc đối xứng, có hình dạng giống hình trứng hoặc hình mác dài, phần mép lá xuất hiện răng cưa nhẹ. Phần thân và lá hạ khô thảo có ít lông mịn.
  • Hoa của hạ khô thảo mọc thành cụm, thường tập trung ở ngọn và cành. Mỗi cành cây lớn có thể có khoảng 5 - 6 hoa. Mỗi hoa có đài hoa với 2 môi và hình 3 cạnh. Mỗi cánh hoa của hạ khô thảo đều có màu tím nhạt. Trong nhị hoa gồm 4 chiếc, 2 ngắn và 2 dài. Cả 4 chiếc đều nhô ra khỏi phần tràng hoa.
  • Quả của cây hạ khô thảo có kích thước nhỏ và độ cứng tương đối.

Vị trí phân bố của hạ khô thảo:

  • Cây hạ khô thảo có nguồn gốc từ nhiều khu vực ôn đới ở châu Âu lẫn châu Á. Hiện nay, loại cây này được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số ít quốc gia tại Châu Âu. Trong đó, các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy là khu vực trồng hạ khô thảo chủ yếu của thế giới.
  • Ở Việt Nam, hạ khô thảo mới được phát hiện gần đây ở Tam Đảo thuộc Vĩnh Phúc, Sapa thuộc Lào Cai và tỉnh Hà Giang, thường phát triển vào tháng 4 - 5 - 6 hàng năm và tàn dần khi vào tháng 8. Hiện nay, các thầy thuốc Đông y của nước ta đang bắt đầu khai thác loại dược liệu này.

Cây hạ khô thảo là loại thực vật có sức sống mạnh mẽ
Cây hạ khô thảo là loại thực vật có sức sống mạnh mẽ

2. Tìm hiểu hạ khô thảo có tác dụng gì về dược lý?

Cây hạ khô thảo có chứa khoảng 3.5% muối vô cơ, tinh dầu và alkaloid tan trong nước. Thành phần của muối vô cơ trong loại dược liệu này chủ yếu là kali clorua. Về phần tinh dầu của hạ khô thảo, có khoảng 50% là d-camphor a- và D-fenchone. Vị đắng của hạ khô thảo tạo ra do có prunellin và delphinidin cyanidin. Ở Pháp, thành phần hóa học của loại dược liệu này được xác định cụ thể như sau:

Chính vì những hoạt chất như vậy, hạ khô thảo dược liệu có nhiều tác dụng dược lý bất ngờ như sau:

  • Khả năng kháng khuẩn bất ngờ từ hạ khô thảo

Ở một thí nghiệm trên chuột, hạ khô thảo chứng minh được khả năng kháng viêm và kháng khuẩn cực kỳ hiệu quả, đặc biệt ức chế mạnh mẽ nhiều loại trực khuẩn có hại như lỵ, lao, thương hàn...

  • Hạ khô thảo cùng tác dụng giảm huyết áp bền vững

Tác dụng này của cây hạ khô thảo được chứng minh từ thực nghiệm: Những con thỏ bị cao huyết áp khi uống nước thuốc sắc từ hạ khô thảo có sự ổn định huyết áp. Ở các nghiên cứu trên lâm sàng, tại một tờ báo Y học của Liên Xô, một bài viết khẳng định tác dụng hạ huyết áp của cây hạ khô thảo bền vững trên bệnh nhân đã được công bố. Theo nghiên cứu này, đại đa số bộ phận của cây đều có thể hạ huyết áp, nhưng phần có tác dụng rõ rệt và mạnh mẽ nhất là phần hoa của hạ khô thảo.

  • Hạ khô thảo với tiềm năng phòng chống ung thư

Đây là kết quả từ một số nghiên cứu thực nghiệm trong bước đầu: hạ khô thảo f9ược cho là có tác dụng hạn chế sự di căn của tế bào ung thư cổ tử cung (thử nghiệm trên chuột nhắt). Tuy nhiên, công dụng này của hạ khô thảo vẫn còn đang được nghiên cứu và chưa có kết quả chính thức.

  • Khả năng lợi tiểu của vị thuốc hạ khô thảo

Trong thành phần hóa học của hạ khô thảo có chứa nhiều kali nitrat và acid Urosolic. Cả hai hoạt chất này đều có tác dụng lợi tiểu nổi bật. Bên cạnh đó, Acid Urosolic còn có khả năng loại bỏ phần độc tố cũng như acid uric dư thừa thông qua sự bài tiết của thận. Chính vì vậy, hạ khô thảo được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc điều trị vấn đề liên quan đến thận, thông tiêu hoặc trị vấn đề tiểu vàng.


Cây hạ khô thảo được sử dụng trong một số bài thuốc Y học cổ truyền
Cây hạ khô thảo được sử dụng trong một số bài thuốc Y học cổ truyền

3. Vị thuốc hạ khô thảo có tác dụng gì trong điều trị bệnh?

Cây hạ khô thảo với tác dụng dược lý đa dạng, phong phú và thành phần hóa học đầy tiềm năng, vị thuốc này đã có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh của Đông Y. Cụ thể hơn, hạ khô thảo được sử dụng để chủ trị các bệnh lý sau:

  • Bệnh lý liên quan đến da liễu

Vị thuốc hạ khô thảo có tính lạnh và khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ, vì vậy, dược liệu này được ứng dụng rất nhiều trong điều trị các vấn đề ngoài da, bao gồm mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da và mắt...

  • Hoạt động của hệ thần kinh cải thiện đáng kể nhờ hạ khô thảo

Hoạt chất trích xuất từ cây hạ khô thảo có tác dụng an thần, giúp hệ thần kinh thư giãn nhanh chóng. Vì vậy, vị thuốc này cũng được sử dụng để cải thiện các triệu chứng căng thẳng, đau đầu, choáng váng. Tại Trung Quốc, hạ khô thảo còn được áp dụng cho trẻ em có biểu hiện tăng động.

  • Một số tác dụng trị bệnh khác

Nước súc miệng với thành phần chứa hạ khô thảo có khả năng hỗ trợ vấn đề như viêm họng, nhiệt miệng, chảy máu lợi. Bên cạnh đó, sử dụng lá hạ khô thảo tươi để chà xát lên da trực tiếp còn có tác dụng tiêu sưng, làm dịu vết đốt do côn trùng.

Nhìn chung, hạ khô thảo là một vị thuốc quý cần được nghiên cứu và khai thác nhiều hơn các công dụng tiềm năng, đem lại các bài thuốc Đông Y hữu ích cho bệnh nhân. Khi dùng vị thuốc hạ khô thảo để điều trị bệnh lý, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe