Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi

Thống kê của Viện Răng hàm mặt quốc gia gần đây cho thấy: Số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ 4 - 8 tuổi bị sâu răng, hơn 90% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Việc đánh răng hàng ngày là thói quen mà bất cứ bạn nhỏ nào cũng được cha mẹ yêu cầu thực hiện nhằm giúp các bé bảo vệ răng miệng của mình. Tuy nhiên, đánh răng không đúng cách có thể khiến vi khuẩn phát triển và tấn công vào răng, nướu và làm mòn lớp men răng. Dưới đây là hướng dẫn mẹ cách đánh răng đúng cách cho trẻ từ 1 - 9 tuổi.

1. Nguyên nhân dẫn đến các bệnh răng miệng ở trẻ

1.1. Sự chủ quan của cha mẹ trong vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ

Sâu răng từ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tâm lý giao tiếp của trẻ mà còn gây nhiều bất lợi cho các bé khi trưởng thành. Một nguyên nhân quan trọng là nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức đầy đủ về ý nghĩa của chăm sóc răng miệng ở trẻ, với suy nghĩ con còn nhỏ, chưa cần đánh răng hàng ngày.

1.2. Sự phổ biến của đồ hộp, thức ăn nhanh

Điều kiện sống được nâng cao đồng nghĩa với việc thói quen ăn uống của người Việt trong những năm gần đây thay đổi nhiều. Nếu trước đây người Việt Nam ăn uống lành mạnh hơn với các loại thức ăn tươi thì hiện nay, đồ hộp, đồ ăn nhanh, nước uống có đường ngày càng phổ biến. Đây chính là một trong những tác nhân gây các bệnh răng miệng ở trẻ em.

Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ

Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

1.3. Đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về răng hàm mặt thì chính đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ là nguyên nhân gây sâu răng. Khi kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Nếu không chải răng kỹ lưỡng mỗi ngày, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tiết ra axit có hại, phá hủy men răng và làm sâu răng, đồng thời lâu ngày sẽ tạo thành vôi răng (cao răng) gây viêm nướu (đỏ, sưng và chảy máu nướu), bệnh nha chu và thậm chí mất răng nếu không được chữa trị kịp thời.


Đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ.
Đường dư thừa trong thức ăn và vi khuẩn trong miệng của trẻ.

2. Các nguy cơ, ảnh hưởng

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chứng minh: Sâu răng và viêm nướu có liên quan mật thiết đến các bệnh khác cho cơ thể khi trẻ trưởng thành như: Bệnh mạch máu não, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, xơ cứng động mạch, bệnh đường hô hấp, xương thủy tinh, sinh non, thai nhi phát triển chậm,...

Tuy nhiên, phần lớn các bậc cha mẹ cho rằng răng sữa sẽ thay bằng răng vĩnh viễn nên khi thấy con bị sâu vẫn không điều trị. Trong khi đó, răng sữa có những chức năng rất quan trọng cho trẻ như nhai khi ăn, phát âm, thẩm mỹ và "giữ chỗ" cho răng vĩnh viễn mọc, kích thích xương hàm phát triển.

Tuổi của răng sữa kéo dài 6 - 12 năm. Trong quá trình mọc răng, lần lượt từng răng sẽ bị thay chứ không phải thay cùng lúc, nên nếu nhổ răng sữa sớm do sâu răng, các răng bên cạnh sẽ bị xô lệch, chiếm chỗ của răng vĩnh viễn. Khi bị "chèn ép" như vậy, răng vĩnh viễn bắt buộc mọc lệch, mọc xiên hoặc cũng có trường hợp không mọc được, phải nắn chỉnh rất tốn kém. Ngoài ra, trẻ mất răng sữa sớm, không ăn nhai thì xương hàm không phát triển, dẫn đến khuôn mặt thiếu cân đối.

3. Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi

Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng sớm cho trẻ là điều quan trọng đối với các bậc cha mẹ. Có nhiều cách bảo vệ và phòng ngừa bệnh răng miệng cho trẻ, trong đó, cha mẹ nên lưu ý đến việc chọn bàn chải, kem đánh răng phù hợp lứa tuổi và thực hành chải răng đúng cách.

  • Từ 8 tháng tuổi: Bé bắt đầu mọc răng sữa.
  • Giai đoạn từ một tuổi đến 2 tuổi: Cha mẹ cần chủ động đánh răng cho trẻ. Khi bé chưa mọc răng hay mới mọc một vài chiếc răng đầu tiên bạn cần vệ sinh răng nướu cho trẻ bằng gạc mềm thấm nước ấm sạch hoặc nước muối pha loãng.
  • Khi trẻ 3 - 6 tuổi: Trẻ bắt đầu mọc răng hàm và lần lượt thay răng, chuyển từ răng sữa sang răng vĩnh viễn. Đến lúc này, cha mẹ có thể cho trẻ tự đánh răng mỗi ngày dưới sự giám sát của người lớn.
  • Trẻ 6 - 9 tuổi: Cha mẹ vẫn nên kiểm tra việc chải răng của trẻ đều đặn để đảm bảo trẻ đánh răng đúng cách.

Khi trẻ 3 - 6 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ tự đánh răng mỗi ngày dưới sự giám sát của người lớn.
Khi trẻ 3 - 6 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ tự đánh răng mỗi ngày dưới sự giám sát của người lớn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần nhớ một số nguyên tắc và nên sử dụng những mẹo dưới đây nhằm tạo hứng thú cho trẻ làm quen với thói quen đánh răng đúng cách:

  • Chia lịch đánh răng, vệ sinh răng miệng vào thời gian hợp lý. Bạn cần hướng dẫn trẻ đánh răng đều đặn ngày 2 lần (buổi sáng và trước khi đi ngủ).
  • Đánh răng đúng cách để trẻ không bị đau đớn, khó chịu; đồng thời mang lại hiệu quả chăm sóc, bảo vệ răng miệng cao. Đó là đặt bàn chải nhẹ nhàng sao cho lông bàn chải vừa khít trên bề mặt răng, chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 - 3 cái, chải đủ ba mặt răng: mặt trước, mặt sau và mặt nhai. Độ dài thời gian đánh răng lý tưởng nhất là khoảng 2 - 3 phút.
  • Lưu ý chọn loại kem đánh răng phù hợp với từng độ tuổi của trẻ: Chọn loại có công thức không đường, chứa Xylitol và Active Fluoride để chống sâu răng. Rất nhiều trẻ nhũ nhi có xu hướng thích ăn hoặc mút kem đánh răng nên phụ huynh cần chọn loại kem an toàn nếu trẻ lỡ nuốt phải. Là dòng kem đánh răng cho trẻ em rất phổ biến tại nhiều thị trường châu Á như Nhật, Thái Lan, Singapore, kem đánh răng Kodomo của thương hiệu Lion có công thức không đường, bổ sung Active Fluoride và Xylitol giúp ngăn ngừa sâu răng hiệu quả, an toàn cho bé nếu lỡ nuốt phải.
  • Chọn bàn chải cho trẻ: Cha mẹ cần ưu tiên loại có đầu tròn nhỏ với cổ bàn chải dài để trẻ dễ xoay sở khi chải sâu tận mặt sau của răng. Lông bàn chải cho trẻ là loại lông siêu mềm đủ để loại bỏ các mảng bám mà không gây trầy xước nướu.

4. Tạo hứng thú thích đánh răng cho bé

Đối với trẻ, đánh răng là một hành động khá khó, có thể gây khó chịu, cáu gắt. Mẹ hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, những tác hại do bệnh sâu răng gây nên. Và cách phòng bệnh răng miệng đơn giản nhất là đánh răng thường xuyên.

Bên cạnh việc lựa chọn cho bé loại bàn chải có kiểu dáng dễ thương, màu sắc nổi bật, loại kem đánh răng có mùi thơm hấp dẫn mẹ cần biết cách tạo hứng thú giúp bé thích đánh răng mỗi ngày đơn giản như sau:

  • Cùng đánh răng với bé và thi đua xem ai đánh răng đúng cách hơn, sạch hơn, hơi thở thơm tho hơn.
  • Khi bé đánh răng xong hãy tỏ ra khen ngợi bé: Con của mẹ thật giỏi, răng con đã trắng đẹp hơn rồi đấy, con đánh răng đúng cách nên hơi thở thật thơm tho,..., bé sẽ càng có hứng thú để đánh răng đúng cách, đều đặn.
  • Hãy tập cho bé đánh răng đều đặn mỗi ngày vào một giờ cố định để bé có thói quen, cứ đến giờ đó lại biết mình phải đánh răng.
  • Hãy cho bé thấy sự khác nhau giữa hàm răng trắng đẹp do đánh răng đều đặn và hàm răng xỉn màu, bị sâu răng vô cùng xấu xí do lười đánh răng để bé có thêm động lực, hứng thú.
  • Trong nhà lúc nào mẹ cũng nên "thủ" sẵn hai ba loại kem đánh răng có mùi vị khác nhau (táo, cam, dâu, nho) hoặc vài bàn chải với màu sắc khác nhau để giúp bé có nhiều chọn lựa.

Ngoài ra, cho bé đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 1 - 2 lần một năm để phòng ngừa các bệnh răng miệng thường gặp.


Hàng năm, nên cho bé đi kiểm tra sức khỏe răng miệng 1 - 2 lần.
Hàng năm, nên cho bé đi kiểm tra sức khỏe răng miệng 1 - 2 lần.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe