Viêm khớp dạng thấp và các xét nghiệm chẩn đoán

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý xương khớp khá phổ biến ở nước ta. Đây là bệnh lý phức tạp, khó điều trị do liên quan đến bất thường của hệ miễn dịch. Vậy viêm khớp dạng thấp xét nghiệm gì để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp?

1. Khái niệm viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khớp xảy ra tự miễn, mạn tính với tổn thương bắt đầu ở màng hoạt dịch của khớp, thường gặp ở nữ nhiều hơn ở nam, đặc biệt là độ tuổi trung niên. Bệnh viêm khớp dạng thấp có tổn thương tại khớp và ngoài khớp cụ thể trên nhiều cơ quan khác như phổi, tim, mắt, hệ thần kinh... Bệnh này khá nguy hiểm do có tỷ lệ tàn phế cao, có tình trạng phá hủy khớp nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa rõ ràng, các nhà khoa học nhận định đây là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố cộng hợp với nhau như tình trạng nhiễm khuẩn hoặc yếu tố di truyền.

Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể sẽ gây khởi phát một chuỗi các phản ứng miễn dịch mà theo đó các tế bào lympho T đóng vai trò then chốt. Sau khi tiếp xúc với kháng nguyên, tế bào lympho T tập trung nhiều ở các khớp bị ảnh hưởng và giải phóng các cytokin như IL-1, Il-6, TNF-α.... từ đó cho tác động lên các tế bào lympho B, đại thực bào, tế bào nội mô mạch máu màng hoạt dịch... Các tế bào lympho B sản xuất ra globulin miễn dịch và các phức hợp miễn dịch sẽ lắng đọng tại màng hoạt dịch khớp, gây tổn thương khớp. Các cytokin cũng hoạt hoá đại thực bào sản xuất ra các cytokin khác, kích thích các tế bào màng hoạt dịch, tế bào sụn, nguyên bào xơ tăng sinh, xâm lấn vào sụn tạo thành mảng máu. Bên cạnh đó các tế bào này còn giải phóng một loạt các enzyme như collagenase, stromelysin, elastase... gây huỷ sụn khớp, xương. Ngoài ra, các cytokine viêm còn hoạt hoá các tế bào nội mô mao mạch màng hoạt dịch, sản xuất ra các phân tử kết dính và thu hút các tế bào viêm đến khoang khớp, sau đó lại giải phóng ra các cytokine khác và tạo nên vòng xoắn bệnh lý. Dần dần quá trình này sẽ gây nên các tổn thương bào mòn xương và hủy khớp, gây dính và biến dạng khớp.

Các yếu tố thuận lợi hình thành căn bệnh viêm khớp dạng thấp là: nhiễm khuẩn (Epstein-Barr virus, Parvovirus hoặc Mycoplasma, vi khuẩn đường ruột), yếu tố cơ địa (suy nhược, chấn thương), yếu tố môi trường (lạnh, ẩm), tuổi, giới (trên 40, nữ), yếu tố di truyền trong gia đình, HLA- DR4...

2. Viêm khớp dạng thấp xét nghiệm khi nào?

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tình trạng viêm khớp dạng thấp có thể được cải thiện rất tốt. Tuy nhiên triệu chứng viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm thường rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm, đau khớp thông thường, do đó có rất nhiều trường hợp điều trị sai cách khiến bệnh của bệnh nhân tiến triển nặng hơn. Khi có các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp xét nghiệm sớm là điều nên làm để xác định có bệnh hay không và nếu mắc thì bệnh đang ở mức độ nào:

  • Cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc cứng khớp sau khi đứng/ngồi quá lâu ở một tư thế nhất định. Tình trạng cứng khớp kéo dài hàng giờ khiến bệnh nhân rất khó khăn trong việc vận động.
  • Dưới da xuất hiện những hạt cộm bất thường có kích thước nhỏ chỉ 5 - 15mm, không đau, thường xuất hiện ở khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, khớp đầu gối.
  • Dấu hiệu viêm ở các khớp, thường thấy nhất là viêm ở bàn tay.
  • Bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, sốt, da dẻ xanh xao.

Những triệu chứng trên không đặc hiệu cho viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng này có thể gặp trong bệnh khác không phải viêm khớp dạng thấp tuy nhiên khi có các dấu hiệu và đến khám, thực hiện xét nghiệm cũng giúp chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp và có biện pháp điều trị thích hợp.

3. Bệnh viêm khớp dạng thấp xét nghiệm gì?

Có nhiều xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp, qua đó có thể xác định được cả giai đoạn, mức độ bệnh viêm khớp dạng thấp, theo đó các xét nghiệm có thể chia thành 2 nhóm chính sau:

3.1. Viêm khớp dạng thấp xét nghiệm cơ bản

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cơ bản để xác định mức độ viêm, chẩn đoán phân biệt với các bệnh có triệu chứng tương tự, các xét nghiệm cơ bản bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể, nhận biết dấu hiệu viêm thông qua các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Trong viêm khớp dạng thấp sẽ có kết quả xét nghiệm suy giảm số lượng hồng cầu trong khi bạch cầu và tiểu cầu tăng cao.
  • Xét nghiệm hóa sinh máu giúp đánh giá tình trạng trao đổi chất trong cơ thể, đây là yếu tố liên quan đến hoạt động của hệ miễn dịch, nồng độ bất thường của các chất điện giải như Natri, Kali, Clorua... cũng là dấu hiệu chỉ điểm viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, xét nghiệm hóa sinh, còn giúp phát hiện các bệnh lý về gan, thận, đái tháo đường, tim mạch...
  • Xét nghiệm CRP hay xét nghiệm định lượng protein phản ứng C: đây là xét nghiệm giúp đánh giá mức độ viêm nhiễm trong cơ thể, kể cả tình trạng viêm khớp cấp tính. Trong viêm khớp dạng thấp, kết quả chỉ số CRP sẽ tăng trong 6 giờ đầu.
  • Xét nghiệm lắng ESR: Tốc độ lắng của hồng cầu ở nam và nữ giới khác nhau tuy nhiên khi chỉ số này cao hơn bình thường là gợi ý của tình trạng viêm nhiễm. Trong viêm khớp dạng thấp, chỉ số ESR sẽ tăng cao không quá 100mm/giờ, khi kết quả xét nghiệm vượt quá mức này chứng tỏ bệnh nhân mắc các bệnh viêm nhiễm khác.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng phân để chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp với bệnh lý lupus ban đỏ. Xét nghiệm kháng thể kháng phân ANA được thực hiện bằng cách phân tích mẫu huyết thanh của người bệnh, chỉ số nhận được khi trả kết quả ở người viêm khớp dạng thấp là khoảng 55%, trong khi đó chỉ số ở người bệnh lupus ban đỏ vào khoảng 95%.
  • Xét nghiệm Anti DNA và Anti Smith giúp chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ. Khi có sự xuất hiện đồng thời của Anti DNA và Anti Smith có thể nhận định bệnh nhân mắc lupus ban đỏ. Viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ gây ra các tình trạng rối loạn khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác nhau, do đó cần chẩn đoán phân biệt kĩ càng để có biện pháp điều trị thích hợp.
  • Đo điện tâm đồ: Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng tới hệ tim mạch, do đó cần đo điện tâm đồ để kiểm tra.
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng thận và phổi: giúp xác định mức độ viêm khớp dạng thấp và các biến chứng có thể gặp do có đến 20% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đồng mắc viêm phổi mãn tính do biến chứng bệnh.

3.2. Viêm khớp dạng thấp xét nghiệm đặc hiệu

Bên cạnh viêm khớp dạng thấp xét nghiệm cơ bản, các xét nghiệm đặc hiệu sẽ giúp bác sĩ xác định bệnh chắc chắn hơn và theo dõi tiến triển bệnh một cách chính xác.

  • Xét nghiệm viêm khớp RF: RF là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ đánh giá các bệnh liên quan đến xương khớp. RF là kháng thể được hệ miễn dịch sinh ra và tồn tại trong huyết thanh. RF sẽ thể hiện những rối loạn của hệ thống xương khớp và tình trạng viêm nhiễm. Khi chỉ số RF trong cơ thể tăng cao gợi ý bệnh viêm khớp dạng thấp, song trên lâm sàng vẫn có trường hợp âm tính giả hoặc dương tính giả.
  • Xét nghiệm viêm khớp dạng thấp Anti CCP: So với xét nghiệm RF hay các xét nghiệm cơ bản, Anti CCP sẽ cho kết quả chính xác hơn giúp đánh giá tình trạng rối loạn miễn dịch có liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Xét nghiệm RF và Anti CCP thường được chỉ định song song khi bệnh nhân có triệu chứng để chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp.
  • Chụp X-quang: giúp đánh giá mức độ tổn thương của viêm khớp dạng thấp, đánh giá tình trạng bào mòn hoặc sai lệch vị trí xương khớp ở tứ chi, nơi viêm khớp dạng thấp thường gây ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định chụp MRI hay quét siêu âm nếu hình ảnh X-quang không cho thấy rõ tình trạng tổn thương.

Dựa trên các kết quả xét nghiệm viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, mức độ bệnh và tổn thương thực thể. Khi được phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp dễ dàng và hiệu quả hơn. Do đó khi có các dấu hiệu gợi ý mắc bệnh nêu trên, bệnh nhân hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để xét nghiệm chẩn đoán sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

215 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: