Tìm hiểu về viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là bệnh về xương khớp mạn tính thường gặp ở phụ nữ. Viêm khớp dạng thấp khiến phần sụn và xương thoái hóa, từ đó gây sưng, đau và cứng khớp. Nếu không điều trị phù hợp, viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng vận động.

1. Định nghĩa viêm khớp dạng thấp thể huyết thanh dương tính

Huyết thanh dương tính là thể bệnh phổ biến nhất của viêm khớp dạng thấp, chiếm tỷ lệ khoảng 60-80% trường hợp. Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính nghĩa là trong máu người bệnh có sự hiện diện của kháng thể kháng peptide chu kỳ (anti-CCP) và yếu tố dạng thấp (RF). Trong cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, chính các kháng thể này tấn công và làm tổn thương các mô của cơ thể, hệ quả là tình trạng viêm khớp và gây nên những cơn đau dai dẳng kéo dài.

Để chẩn đoán chính xác thể viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu tìm các kháng thể đặc hiệu. Nếu kết quả không ghi nhận kháng thể trong máu mà vẫn có triệu chứng phù hợp thì bệnh được gọi là viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính.

2. Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính do đâu?

Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp nói chung và thể huyết thanh dương tính nói riêng hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng bệnh lý này có thể liên quan đến các nguyên nhân thường sau đây:

2.1. Yếu tố nhiễm trùng

Một số tác nhân như Epstein-Barr virus, Parvo virus, Mycoplasma, vi khuẩn đường ruột... khi tấn công vào cơ thể sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng miễn dịch, từ đó hình thành các phức hợp miễn dịch, sau đó chúng tấn công vào màng hoạt dịch và gây tổn thương cho các khớp. Tình trạng này tạo nên một vòng xoắn bệnh lý, khiến khớp đã bị tổn thương lại càng tổn thương nhiều hơn, từ đó dẫn đến hiện tượng xương bị bào mòn, hủy khớp và cuối cùng là dính hay biến dạng khớp.

2.2. Yếu tố cơ địa

  • Sức khỏe suy yếu khiến hệ miễn dịch không đủ sức bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh bên ngoài hoặc các vi khuẩn sẵn có trong cơ thể;
  • Chấn thương khớp lặp lại trong quá trình sinh hoạt, lao động hay chơi thể thao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập.

2.3. Yếu tố môi trường

Các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ hay áp suất khí quyển có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp. Thời tiết lạnh ẩm kéo dài, áp suất thường xuyên thay đổi có thể ảnh hưởng và làm gia tăng các cơn đau nhức khớp ở người nguy cơ cao.

2.4. Tuổi tác, giới tính

Người trên 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ, có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính cao hơn do quá trình lão hóa tự nhiên khiến lớp sụn khớp bị xói mòn, độ cứng cáp của xương và khớp cũng suy giảm.

2.5. Yếu tố di truyền

Tiền sử gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính hay tồn tại một số kháng nguyên bạch cầu HLA-DR4... được xem là một yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh lý khớp mãn tính này.

3. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

Biểu hiện chủ yếu của viêm khớp dạng thấp đa phần là ở các khớp tổn thương. Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính còn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, từ đó biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau.

3.1. Triệu chứng tại khớp

  • Sưng viêm cùng lúc nhiều khớp của cơ thể. Trong đó, viêm khớp xuất hiện sớm nhất ở các vị trí như cổ tay, bàn tay, gối, bàn chân, cổ chân, bàn chân. Một số khớp viêm muộn hơn như khuỷu, thái dương, vai, háng, đốt sống cổ;
  • Các cơn đau nhức khớp đa phần xảy ra vào nửa đêm hay gần sáng với tính chất lan đều dần;
  • Viêm, đau khớp thường xuất hiện đối xứng theo trục cơ thể;
  • Cứng khớp vào các buổi sáng sau khi thức dậy;
  • Lớp dưới da gần khớp viêm có thể xuất hiện các nốt thấp khớp (hay gọi là cục u cứng).

3.2 Triệu chứng do tổn thương các cơ quan

  • Mắt khô, đỏ, tăng nhạy cảm với ánh sáng và giảm thị lực;
  • Phổi: Triệu chứng viêm phổi như ho, khó thở, đau tức ngực...;
  • Da khô tại vị trí khớp viêm, đối khi xuất hiện hồng ban lòng bàn tay;
  • Cơ bắp yếu, đôi khi teo cơ quanh khớp tổn thương;
  • Biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, sốt nhẹ, ăn uống kém, sụt cân...

4. Biến chứng của viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

4.1. Suy giảm chức năng vận động

Kháng thể CCP và yếu tố dạng thấp RF trực tiếp tấn công và gây tổn thương đối xứng nhiều khớp của cơ thể với biểu hiện đau nhức kéo dài. Đồng thời, các cơn đau nhức khớp có thể làm giảm khả năng vận động, nghiêm trọng hơn là mất khả năng di chuyển hay lao động.

4.2. Biến chứng tim mạch

Tim mạch là một trong những cơ quan có thể gặp biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Các kháng thể dạng thấp có thể tấn công gây tổn thương tim tại nhiều vị trí như van tim, cơ tim, đồng thời làm tăng nguy cơ tắc mạch vành và dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở người cao tuổi.

4.3. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 2-3 lần so với đàn ông. Điểm đặc biệt quan trọng là viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

4.4. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý

Tình trạng đau cứng khớp kéo dài làm người bệnh không làm chủ được chức năng vận động và sinh hoạt hàng ngày. Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa dễ khiến người bệnh khủng hoảng về tâm lý, có thể gây trầm cảm.

4.5. Một số biến chứng khác

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, một biến chứng rất nguy hiểm. Ngoài ra, tình trạng tổn thương khớp có thể gây tàn phế, bại liệt vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

5. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

5.1. Thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng quát

Trước khi chỉ định các cận lâm sàng cần thiết cho chẩn đoán, bác sĩ cần trao đổi với người bệnh về tiền sử, bệnh sử, triệu chứng cơ năng và tiến hành thăm khám chức năng khớp để xác định tổn thương, tìm các nốt thấp hay biến dạng khớp...

5.2. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu nhằm mục đích tìm sự hiện diện của kháng thể anti-CCP hoặc/và yếu tố dạng thấp RF. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, khả năng 70 – 80% người bệnh được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính.

Một số ít trường hợp mặc dù kết quả dương tính nhưng có thể thứ phát do một số bệnh lý khác, do đó chỉ xét nghiệm máu đơn thuần vẫn chưa đủ chẩn đoán khẳng định viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính, do đó đòi hỏi phải phối hợp nhiều cận lâm sàng với nhau.

5.3. Chụp X quang

Kết quả X quang cho thấy tình trạng thoái hóa sụn và xương đặc hiệu của viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính. Trường hợp kèm theo tổn thương xói mòn khớp thì chẩn đoán này sẽ càng được khẳng định chính xác hơn.

6. Điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

6.1. Nội khoa

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính phổ biến nhất là các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). DMARD có thể làm chậm sự phát triển của viêm khớp, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương khớp nhiều hơn. Các hoạt chất thuộc nhóm DMARD thường được sử dụng là Methotrexate, Hydroxychloroquine, Sulfasalazine, Leflunomide, Cyclosporin A...

Bên cạnh đó, người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để kháng viêm và hỗ trợ kiểm soát cơn đau.

Một số trường hợp có thể sử dụng Corticosteroid (như Prednisone) để kiểm soát các đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp lớn. Tuy nhiên, người bệnh dùng nhóm thuốc này phải được theo dõi để giảm liều dần đến liều thấp nhất có thể và ngừng thuốc ngay khi các đợt bùng phát đã được kiểm soát.

6.2. Ngoại khoa

Rất nhiều người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể chỉ cần điều trị nội khoa kéo dài và không phải phẫu thuật. Tuy nhiên, một số ít cần các biện pháp ngoại khoa, đặc biệt khi tình trạng tổn thương khớp quá nghiêm trọng. Mục đích của điều trị viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính ngoại khoa là cải thiện khả năng vận động, hỗ trợ giảm đau khớp bị biến dạng. Nếu khớp bị tổn thương nghiêm trọng và không còn có thể duy trì chức năng bình thường, bác sĩ có thể đưa ra phương án thay khớp để cải thiện vận động, làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

6.3. Điều trị hỗ trợ

Điều trị hỗ trợ có thể áp dụng ở tất cả các giai đoạn bệnh, đồng thời có thể phối hợp với điều trị nội khoa và ngoại khoa khi cần. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính các bài tập phù hợp nhằm nâng cao sức khỏe và cải thiện độ dẻo dai cho các khớp. Đồng thời, những tư vấn hữu ích của chuyên gia có thể giúp người bệnh thay đổi thói quen hàng ngày để giảm căng thẳng cho khớp.

Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ khác có thể áp dụng bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên để các khớp cử động linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp;
  • Chườm lạnh hay chườm nóng khi các cơn đau nhức khớp diễn ra;
  • Sử dụng các dụng cụ chuyên dụng hỗ trợ di chuyển để hạn chế các tổn thương thêm cho khớp.

7. Chăm sóc người bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu các nhóm chất cần thiết như thịt trắng, cá béo, rau củ, trái cây tươi...
  • Uống đủ nước, tăng cường bổ sung canxi, vitamin D... Chia nhỏ các bữa ăn, luôn duy trì ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa;
  • Tăng cường vận động bằng các môn thể thao phù hợp như bơi lội, đạp xe, đi bộ...;
  • Massage, xoa bóp các khớp;
  • Duy trì sức khỏe tổng thể bằng cách cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc;
  • Tiêm ngừa đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh;
  • Tuân thủ nghiêm chỉ định điều trị của bác sĩ đối với các bệnh lý khác (nếu có).

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính là bệnh về xương khớp mạn tính thường gặp ở phụ nữ. Viêm khớp dạng thấp khiến phần sụn và xương thoái hóa, từ đó gây sưng, đau và cứng khớp. Nếu không điều trị phù hợp, viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất hoàn toàn khả năng vận động. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến trung tâm y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan