Tiêm phá đông khớp vai dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh viêm khớp vai thể đông cứng làm hạn chế vận động khớp vai, gây đau vùng vai, làm giảm năng suất lao động cũng như các động tác sinh hoạt hàng ngày. Tiêm phá đông khớp vai là phương pháp tiêm vào ổ khớp dung dịch Corticoid kèm theo thuốc gây tê tại chỗ, kết hợp với vận động thụ động và chủ động khớp vai ngay sau tiêm khớp cho thấy hiệu quả điều trị cao.

1. Nguyên nhân

  • Giới và tuổi: xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới độ tuổi từ 40 – 60 tuổi và ít gặp ở những người còn trẻ.
  • Chơi thể thao: như cầu lông, tennis, golf,... cần hoạt động cánh tay và khớp vai rất nhiều. Khi chơi các môn thể thao này thường xuyên trong một thời gian dài thì người bệnh có nguy cơ bị viêm đông cứng khớp vai rất cao.
  • Khớp vai bị bất động trong thời gian dài.
  • Người từng bị chấn thương ở khớp vai.
  • Người bị bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu cho thấy người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 5 – 6 lần người khỏe mạnh.
  • Người tai biến mạch máu não: Khi não bị tổn thương thì nguy cơ bị liệt 1/2 cơ thể rất cao, do vậy các khớp vai dễ bị đông cứng cao hơn 3 – 4 lần so với người bình thường.
  • Các bệnh lý khác thường gặp gây nên nguy cơ làm tăng bệnh: suy giáp, cường giáp, bệnh tim mạch, Parkinson, viêm khớp dạng thấp, đau thắt ngực.
tai biến
Tai biến mạch máu não làm tăng nguy cơ bị đông cứng khớp vai lên gấp nhiều lần

2. Triệu chứng viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp vai thể đông cứng là đau viêm khớp bả vai dữ dội và bệnh nhân không thể tự di chuyển vai hoặc di chuyển dưới sự giúp đỡ của người khác. Biểu hiện lâm sàng của viêm khớp vai thể đông cứng thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đau khớp bả vai: Trong giai đoạn này, người bệnh càng ngày càng đau nhiều hơn. Bệnh nhân bị đau khớp vai với tính chất của đau do viêm. Đau cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm có khi làm bệnh nhân tỉnh giấc. Khi vận động cánh tay nhiều làm đau tăng lên. Lúc đầu thường nhẹ, tăng dần và dai dẳng trong nhiều tháng. Tình trạng mức độ đau thường ít biểu hiện nặng so với viêm khớp vai thông thường. Đau tăng dần trong vài tuần hoặc một vài tháng. Khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn, tầm vận động khớp vai giảm dần. Bệnh nhân không thể chải đầu hoặc gãi lưng được, đưa tay ra trước ra sau đều bị hạn chế. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.
  • Giai đoạn đông cứng: Các triệu chứng đau khớp vai có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng độ cứng vẫn còn. Trong 4 đến 6 tháng của giai đoạn "đóng băng", các hoạt động hàng ngày có thể rất khó khăn.
  • Giai đoạn tan đông: Chuyển động của vai từ từ cải thiện trong giai đoạn "tan băng". Tầm hoạt động của khớp vai bình thường trở lại nhưng đau khi vận động kéo dài. Giai đoạn này thường mất từ ​​6 tháng đến 24 tháng.
ghép khớp vai
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng khiến bệnh nhân không thể tự di chuyển vai

3. Điều trị viêm khớp vai thể đông cứng

Phương pháp tiêm phá đông khớp vai dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền:

  • Phương pháp vô cảm: Gây tê tại chỗ hay toàn thân
  • Kỹ thuật

- Đặt đường truyền tĩnh mạch;

- Người bệnh nằm ngửa trên bàn tăng sáng, bàn tay ngửa;

- Sát khuẩn vùng khớp vai;

- Bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng, trải khăn vô khuẩn có lỗ lên vị trí khớp vai cần điều trị;

- Chọc kim vào ổ khớp;

- Bơm thuốc đối quang vào ổ khớp (khoảng 3ml) để khẳng định kim chọc vào đúng ổ khớp. Đánh giá các tổn thương phối hợp: rách chóp xoay, tổn thương sụn viền ổ chảo... nếu có;

- Tiêm vào khớp vai hỗn dịch Lidocain 2% + Depo-Medrol 40mg/ml tỉ lệ 2/1 (thể tích tiêm có thể thay đổi tùy trường hợp cụ thể, thông thường khoảng 4-5ml);

- Trộn dung dịch nước muối sinh lí và thuốc đối quang, bơm thể tích lớn nhất có thể vào trong ổ khớp đề nóng ổ khớp, theo dõi sự lan tỏa của thuốc trong ổ khớp dưới màn tăng sáng. Thể tích dung dịch bơm có thể tới 40ml. Nếu thấy dịch tràn vào túi cùng dưới cơ Delta hay bao hoạt dịch đầu dài gân cơ nhị đầu thì dừng lại;

- Rút kim. Băng vị trí chọc;

- Vận động thụ động và chủ động khớp vai.

Điều trị mất vững khớp vai
Người bệnh tập vận động nhẹ nhàng sau khi tiêm phá đông khớp vai

4. Phương pháp phòng bệnh

Không nên lao động quá mức, nhất là động tác mang, vác, đội đầu nặng, sai tư thế. Cần hết sức thận trọng khi chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương khớp vai (bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, cầu mây...).

Chú ý khi tham gia giao thông, đi đứng cần thận trọng, nhất là mặt bằng bị trơn trượt, đặc biệt với người cao tuổi, yếu.

Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi để xương được chắc, tránh bị loãng xương. Hàng ngày, nên vận động cơ thể với khớp vai nên tập đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu đã bị viêm khớp vai, nếu tập sai có thể làm bệnh nặng thêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan