Phác đồ điều trị gãy cổ xương đùi ở người trẻ

Việc đưa ra hướng xử trí và điều trị gãy cổ xương đùi là rất quan trọng, nhưng còn gặp nhiều khó khăn vì điều kiện kinh tế, phương tiện phẫu thuật. Nếu không xử lý đúng, gãy cổ xương đùi có thể dẫn đến hoại tử chỏm, chậm liền xương, khớp giả, thậm chí là đe dọa tính mạng.

1. Tổng quan về gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi thường gặp nhiều ở người già, trên 50 tuổi, phổ biến hơn ở nữ giới. Đây là hình thức gãy nội khớp ở một xương lớn nhất của cơ thể, triệu chứng nặng nề và điều trị khó khăn. Gãy cổ xương đùi sẽ phá hủy mạch nuôi chỏm, khối máu tụ trong bao khớp làm tăng tỷ lệ hoại tử chỏm xương đùi. Đặc biệt, gãy cổ xương đùi người trẻ có tỷ lệ hoại tử chỏm cao, lên đến 12 - 86%. Có rất nhiều phương án điều trị gãy cổ xương đùi đến muộn, nhưng không xác định được cách nào là tốt nhất hay được đồng thuận cao, mà còn phải phụ thuộc là nhiều yếu tố và điều kiện thực tế.

Nguyên nhân gây gãy cổ xương đùi người trẻ thường là do chấn thương nặng, có các gãy xương khác kèm theo. Ở người già, cổ xương đùi thường gãy khi có tác động trực tiếp vào vùng dây chằng bên trong / bên chày (MCL), hơn 90% do chấn thương rất nhẹ, như trượt té, vấp ngã. Ngoài ra, cũng có trường hợp gãy xương trên nền các bệnh lý khác.

Gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi
Gãy cổ xương đùi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Sau khi gặp chấn thương té ngã, các dấu hiệu nhận biết gãy cổ xương đùi bao gồm:

  • Đau nhói vùng háng, đau tăng khi ấn vào nếp gấp ở bẹn hoặc khi có lực dồn ép từ gót chân
  • Không thể vận động một phần hay toàn bộ khớp háng
  • Đùi sưng to
  • Chụp phim X-quang khung chậu và khớp háng phát hiện gãy cổ xương đùi
  • Chẩn đoán xác định qua CT scan phát hiện đa chấn thương và gãy xương bệnh lý, MRI đánh giá tình trạng hoại tử chỏm

Biến chứng sớm của tình trạng này là làm nặng thêm các bệnh đã có (tim mạch, phổi hoặc thận), đặc biệt là ở người già. Người bệnh cũng có thể bị suy nhược cơ thể do ăn uống kém. Trường hợp nghiêm trọng, không điều trị gãy cổ xương đùi có nguy cơ dẫn đến tử vong do sốc quá đau. Ngoài ra, một số biến chứng khác cũng có thể xuất hiện khi bệnh nhân phải bất động lâu ngày, bao gồm:

  • Viêm phổi
  • Viêm đường tiết niệu
  • Loét các điểm tỳ đè
  • Tiêu chỏm xương đùi
  • Khớp giả
  • Tiêu cổ xương đùi
  • Liền lệch...

2. Sơ cứu gãy cổ xương đùi ở người trẻ

Trước khi áp dụng những phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi, tiến hành sơ cứu là bước đầu tiên phải làm khi tiếp xúc với nạn nhân.

2.1. Cố định ổ gãy

Nạn nhân được khuyến khích nằm bất động, háng gập nhẹ, hơi dạng và xoay ngoài. Dùng 3 nẹp, mỗi nẹp đặt vào 3 vị trí:

  • Nếp bẹn đến cổ chân
  • Hõm nách tới cổ chân
  • Từ xương bả vai phía sau tới gót chân sau

Nếu không có nẹp, có thể buộc hai chân lại với nhau để cố định, sau đó di chuyển nạn nhân trên cáng cứng.

gãy cổ xương đùi
Khi gãy cổ xương đùi, bệnh nhân cần được cố định ổ gãy bằng cách nẹp

2.2. Dùng thuốc giảm đau

Bao gồm:

  • Thuốc giảm đau toàn thân: Promedol hoặc morphin tiêm bắp
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Novocain tiêm tại điểm đau

3. Điều trị gãy cổ xương đùi

3.1. Bó bột

Chỉ định cho những trường hợp gãy cổ xương đùi người trẻ hoặc trẻ em, có khả năng hồi phục tốt. Ngoài ra, trẻ em dưới 12 tuổi và người già cũng không chịu đựng được phẫu thuật. Phương pháp như sau:

  • Vô cảm nạn nhân bằng thuốc giảm đau toàn thân, kết hợp với gây tê tại chỗ hoặc gây mê
  • Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nắn chỉnh lại khớp trên bàn chỉnh hình
  • Cuối cùng là bó bột Whitman
  • Thời gian giữ bột thông thường là 3 tháng.

Hiện nay ít sử dụng bó bột trong điều trị gãy cổ xương đùi người trẻ lẫn người già do thời gian bất động lâu, dễ dẫn đến các biến chứng nặng nề, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi.

3.2. Kéo liên tục

Phương pháp này sẽ được chỉ định trong những trường hợp:

  • Không thể tiến hành mổ kết hợp xương
  • Có chống chỉ định thay khớp
  • Khi bệnh nhân gãy xương không di lệch

3.3. Kết hợp xương

Hiện nay, các cơ sở y tế vẫn còn áp dụng phương pháp kết hợp xương mở khớp bằng vít xương xốp và kết hợp xương bằng nẹp DHS. Trong đó, sử dụng nẹp DHS để kết hợp xương gãy có ưu điểm:

  • Xương được kết hợp vững chắc
  • Hai mặt gãy luôn được ép cho áp khít nhau
  • Chống đổ gập cổ xương đùi, gây biến dạng khép.

Mặt khác, nhược điểm của cách điều trị gãy cổ xương đùi này là vẫn có tỷ lệ dẫn đến biến chứng, như:

  • Tiêu chỏm xương đùi
  • Khớp giả
  • Thoái hóa khớp...

Sau mổ kết hợp xương, bệnh nhân nên di chuyển trên nạng chống chân một phần để có kết quả tốt hơn. Nên tập phục hồi chức năng sớm và chịu sức nặng toàn phần (không dùng nạng) sau 6 - 8 tuần nếu xương lành lặn, tiến triển tốt.

thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp là một nhược điểm của phương pháp kết hợp xương

3.4. Thay khớp

Thay khớp là một trong những phương pháp tối ưu nhất và nên được lựa chọn ngay từ đầu đối với người trên 50 tuổi, tỷ lệ loãng xương cao và không thể kết hợp xương. Hiện nay có 2 hình thức thay khớp nhân tạo là:

  • Thay khớp háng bán phần: Chỉ thay phần chỏm xương đùi, thực hiện khi ổ cối vẫn còn nguyên vẹn
  • Thay khớp háng toàn phần: Thay cả chỏm xương đùi và ổ cối, áp dụng cho những nạn nhân có tổn thương cả ổ cối.

4. Phẫu thuật thay khớp háng

4.1. Thay khớp háng bán phần

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần với đường mổ nhỏ, ít xâm lấn được áp dụng cho những đối tượng bị gãy cổ xương đùi, hoặc vỡ chỏm xương đùi do chấn thương, tai nạn... Ưu điểm của phác đồ điều trị gãy cổ xương đùi người trẻ này là:

  • Hạn chế tổn hại đến phần mềm xung quanh khớp
  • Thời gian phẫu thuật ngắn
  • Bộc lộ khớp cần thay thế cách chính xác
  • Giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng
  • Rút ngắn số ngày nằm viện sau mổ
  • Giảm đau trong và sau phẫu thuật tốt
  • Khớp vững sau khi thay
  • Tạo điều kiện sớm phục hồi chức năng
  • Người bệnh nhanh quay lại sinh hoạt bình thường.
Thay khớp háng bán phần
Thay khớp háng bán phần được chỉ định cho trường hợp gãy cổ xương đùi

4.2. Thay khớp háng toàn phần

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần với đường mổ nhỏ, ít xâm lấn được chỉ định cho những bệnh nhân cử động khớp háng khó khăn:

  • Bị thoái hóa khớp háng nặng
  • Tiêu chỏm xương đùi nặng
  • Bị gãy cổ xương đùi hoặc vỡ chỏm xương đùi do chấn thương...

Phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi này cũng có những ưu điểm như thay khớp háng bán phần. Lưu ý, bệnh nhân cần quay lại bệnh viện để tái khám, điều trị và tư vấn kịp thời nếu có các triệu chứng hậu phẫu như:

  • Vết mổ sưng, nóng, đỏ hoặc đau nhiều
  • Sốt
  • Đau đớn khi tập vận động khớp

Nhìn chung, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào phác đồ hiện hành của cơ sở y tế, phương tiện hiện có, kinh nghiệm của bác sĩ, nhu cầu của bệnh nhân, tuổi tác, tình trạng bệnh lý và điều kiện kinh tế... Nên tránh phác đồ điều trị gãy cổ xương đùi người trẻ cứng nhắc, không linh hoạt, thay vào đó là vận dụng đa dạng các phương án vào từng trường hợp cụ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan